Phát triển bền vững cam Sành Hà Giang – Kỳ 1: “Thương hiệu vàng” nơi cực Bắc
BHG - Nhận diện điểm nghẽn, kịp thời ra quyết sách, khơi dòng vốn chính sách đặc thù để hỗ trợ phát triển bền vững cây cam Sành. Thực tế này một lần nữa khẳng định sự quyết tâm, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền tỉnh trong công tác lãnh, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhằm khắc phục hạn chế, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, đưa cam Sành Hà Giang đến gần hơn với người tiêu dùng cả nước.
Người dân xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang) kiểm tra sự phát triển của cam. |
Cam Sành là cây bản địa, gắn với truyền thống sản xuất, canh tác của người dân 3 huyện: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên. Việc triển khai đồng bộ xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý (CDĐL), truy xuất nguồn gốc và áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP đã góp phần quan trọng khai thác hiệu quả quyền bảo hộ CDĐL cam Sành Hà Giang. Cùng với đó, công tác xúc tiến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm gắn liền với gìn giữ, phát huy uy tín, danh tiếng cam Sành Hà Giang đã trở thành yếu tố chiến lược để thương hiệu cam Sành không ngừng vươn xa.
Ngày 10.10.2016 ghi dấu son sáng đối với cam Sành khi 38 xã thuộc 3 huyện trọng điểm về cam của tỉnh được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký CDĐL số 00052 cho sản phẩm cam Sành Hà Giang. Đây là tài sản được Nhà nước bảo hộ vô thời hạn trên toàn lãnh thổ quốc gia, do UBND tỉnh thống nhất quản lý và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành trong việc phát huy giá trị CDĐL. Cụ thể, Sở Nông nghiệp và PTNT là cơ quan được UBND tỉnh ủy quyền quản lý CDĐL Hà Giang dùng cho sản phẩm cam Sành của tỉnh. Các đơn vị: Sở Thông tin và Truyền thông, Công thương, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Hội Nông dân tỉnh, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh phối hợp tuyên truyền về sản phẩm mang CDĐL cam Sành Hà Giang, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, kết nối văn hóa với du lịch... Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, việc quản lý và phát triển CDĐL đã phát huy vai trò quan trọng trong việc gìn giữ uy tín, danh tiếng cam Sành Hà Giang; đảm bảo đáp ứng các điều kiện quy định về chất lượng, xuất xứ của sản phẩm.
Cam Sành Hà Giang được dán tem điện tử thông minh truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ảnh: THU PHƯƠNG |
Thực tế cho thấy, trong cơ cấu cây ăn quả có múi, cam Sành là cây trồng chủ lực, chiếm tỷ lệ lớn lên đến 82,4% tổng diện tích cây ăn quả có múi toàn tỉnh. Niên vụ 2021 – 2022 toàn tỉnh có gần 7.100 ha cam Sành; trong đó, diện tích cho sản phẩm là hơn 5.000 ha, năng suất cam Sành bình quân đạt 119 tạ/ha, sản lượng trên 59.500 tấn. Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm cam Sành, ngành chuyên môn tích cực chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người sản xuất từ khâu giống, kỹ thuật, quản lý dịch hại, kỹ thật thu hoạch và xử lý sau thu hoạch; trong đó, chú trọng công tác tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc cam theo tiêu chuẩn VietGAP. Đặc biệt, phương pháp tập huấn được lồng ghép giữa lý thuyết với thực hành, “cầm tay chỉ việc” trên vườn cam theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây, giúp các nhà vườn vững kiến thức chăm sóc cam theo hướng bền vững. Đến nay, toàn tỉnh có gần 4.300 ha cam Sành của 3.554 hộ trồng cam thuộc 68 HTX, tổ hợp tác được cơ quan chức năng chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chiếm trên 80% diện tích cam cho sản phẩm.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP đã thay đổi nhận thức của các nhà vườn trong việc sản xuất an toàn: Không sử dụng thuốc diệt cỏ; sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; ghi chép quá trình chăm sóc đầy đủ theo hướng dẫn. Điều này không chỉ bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, người sản xuất mà còn bảo vệ cân bằng sinh thái, môi trường, làm cho đất, nước, không khí không bị ô nhiễm bởi dư thừa, mất cân đối phân hóa học và các chất bảo vệ thực vật. Đồng thời, đưa sản phẩm cam Sành có chất lượng tốt hơn đến các thị trường nông sản chất lượng cao. Cùng với đó, để minh bạch nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, bảo vệ thương hiệu cam Sành Hà Giang, tỉnh ta còn áp dụng tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm gắn với CDĐL. Chỉ riêng năm 2021, ngành chuyên môn đã cấp 4,8 triệu tem điện tử thông minh truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm cam Sành, cam Vàng của tỉnh.
Giám đốc HTX Nông dân trồng cam sạch xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang) Trần Trung Thuyết, chia sẻ: HTX hiện có trên 410 ha cam Sành, trong đó, diện tích sản xuất cam VietGAP là hơn 250 ha, năng suất đạt 150 tạ/ha/vụ. Hiện nay, chúng tôi đang phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện kiểm tra, thẩm định, đánh giá để cấp giấy chứng nhận VietGAP cho khoảng 70 ha cam Sành đủ tiêu chuẩn, từ 100% kinh phí của HTX. Đi liền với sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP, việc sử dụng CDĐL, dán tem truy xuất nguồn gốc cam Sành Hà Giang chính là “giấy thông hành” giúp HTX khẳng định sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn về chất lượng. Qua đó, vừa góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, tăng thu nhập cho nhà vườn, vừa nâng cao hiệu quả, khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Nhờ đó, sản phẩm cam Sành của HTX đã có mặt tại nhiều siêu thị, cửa hàng lớn trong cả nước, được bày bán trên các sàn giao dịch thương mại điện tử (Voso, Sendo). Mặc dù chưa bước vào vụ thu hoạch cam Sành niên vụ 2022 – 2023 nhưng thời điểm này, chúng tôi đã nhận được đơn đặt hàng từ các siêu thị lớn như BigC, Saigon co.op.
Chắt lọc tinh hoa của đất trời cực Bắc, cam Sành Hà Giang đã khẳng định uy tín, thương hiệu trên thị trường, trở thành “Món ngon tinh hoa ẩm thực Việt” – danh hiệu vàng do Hiệp hội Khoa học và Công nghệ lương thực, thực phẩm Việt Nam chứng nhận; xuất sắc lọt top 10 sản phẩm, dịch vụ người tiêu dùng tin cậy do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam chứng nhận. Cùng với đó, thông qua công tác quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, cam Sành Hà Giang ngày càng đến gần hơn với người tiêu dùng. Không chỉ chinh phục thị trường miền Bắc, cam Sành Hà Giang đang vươn xa đến thị trường miền Nam khi sản phẩm được bày bán ở các siêu thị lớn trong cả nước, như: VinMart, BigC, Hapro, Saigon co.op... với sản lượng bình quân từ 300 đến trên 500 tấn/năm.
Thực tế chứng minh, cam Sành có giá trị kinh tế cao, được xác định là cây trồng chủ lực trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh. Giá trị sản xuất cam Sành niên vụ 2021 – 2022 đạt hơn 1.000 tỷ đồng, chiếm 7,26% giá trị ngành nông nghiệp... Tuy nhiên, thực tiễn sản xuất cam Sành của tỉnh cũng chỉ ra không ít hạn chế, bất cập, gây suy giảm diện tích, cản trở sự phát triển bền vững.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc