Cuộc sống mới của người dân Tả Phìn

13:09, 10/10/2022

BHG - Tả Phìn là xã nội địa đặc biệt khó khăn của huyện Đồng Văn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 80%. Để từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, Đảng bộ xã Tả Phìn đã tận dụng mọi cơ hội để người dân được tiếp cận các nguồn vốn, các chủ trương, chính sách hỗ trợ của T.Ư, của tỉnh, huyện. Trong đó, Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế, giảm nghèo bền vững được cấp ủy, chính quyền xã triển khai đã mang lại kết quả rõ nét. Các hộ tham gia cải tạo vườn tạp đang trên đà phát triển, là động lực để đông đảo người dân trên địa bàn mạnh dạn thay đổi.

Anh Giàng Súa Dia (trái), thôn Tả Phìn B nhân rộng đàn ong, giúp tăng thu nhập.
Anh Giàng Súa Dia (trái), thôn Tả Phìn B nhân rộng đàn ong, giúp tăng thu nhập.

Được biết, ngay từ khi tỉnh phát động Nghị quyết số 05, cấp ủy, chính quyền địa phương đã nhanh chóng rà soát các hộ đủ tiêu chí và thực hiện hỗ trợ theo đúng quy định. Đến nay, toàn xã đã cải tạo được 19 vườn tạp. Trong đó, 4 vườn duy trì từ năm 2021, 15 vườn thực hiện mới trong năm 2022. Có 9 vườn đạt 4 tiêu chí, 7 vườn đạt 3 tiêu chí. Các vườn thực hiện từ 2021 đến nay chủ hộ đều có thu nhập ổn định, mở rộng quy mô hơn, lan tỏa sâu rộng phong trào cải tạo vườn tạp trong nhân dân.

Anh Giàng Súa Dia, thôn Tả Phìn B, là hộ nghèo trong thôn. Vốn cần cù, chăm chỉ, trước đó, anh tận dụng mọi diện tích đất trống, đất vườn, trồng rau màu để phát triển chăn nuôi. Đồng thời, tận dụng diện tích hoa Bạc hà có sẵn, anh nuôi thêm 10 tổ ong lấy mật. Do chưa có điều kiện nên anh chỉ chăn nuôi nhỏ với 2 đến 3 lợn nái. “Cuộc sống cứ bình lặng như vậy, đủ ăn nhưng mãi không thoát được cái nghèo.” Anh Dia chia sẻ. Đến tháng 5.2021, sau khi được xã lựa chọn là hộ thực hiện Chương trình cải tạo vườn tạp, anh đã dùng số tiền hỗ trợ để mở rộng diện tích chuồng trại; mạnh dạn nhân rộng đàn ong hiện có. Đến nay, gia đình anh duy trì nuôi hơn 60 tổ ong, 10 con lợn nái, nuôi thêm 3 con bò vỗ béo, mỗi năm trừ chi phí, anh thu về gần 200 triệu đồng. Anh Dia cho biết thêm: Nghị quyết 05 giống như một cơn mưa rào tưới xuống mảnh đất khô cằn, giúp bà con chúng tôi có thêm động lực để mạnh dạn thay đổi suy nghĩ, bắt tay vào thực hiện những điều đã nung nấu bấy lâu, không còn sợ hãi sẽ thất bại. Nhờ mạnh dạn thay đổi, mạnh dạn phát triển và may mắn được cấp ủy, chính quyền định hướng cho cách làm đúng, đến nay gia đình tôi có thu nhập ổn định. Một số hộ xung quanh cũng đã dần dần nhân rộng số lợn, bò trong chuồng.

Cũng giống như anh Dia, cuộc sống của gia đình ông Lầu Súa Cở, thôn Sà Tủng Chứ cũng có sự đổi thay rõ rệt sau khi tham gia cải tạo vườn tạp. Trước đây, gia đình ông chỉ trồng ngô và chăn nuôi 2 đến 3 lợn nái, không đủ để trang trải cuộc sống hàng ngày. Sau khi được định hướng, ông Cở đã mạnh dạn vay vốn mở rộng chuồng, bên cạnh 3 nái lợn được duy trì nhiều năm, ông nuôi thêm 15 con lợn thịt. Đồng thời, cải tạo và chuyển đổi hơn 2.000 m2 đất trồng ngô sang trồng Bắp cải. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu về trên 100 triệu đồng.

Đồng chí Giàng Mí Và, Chủ tịch UBND xã Tả Phìn cho biết: Từ khi Nghị quyết 05 về cải tạo vườn tạp được triển khai, nhận thức của người dân trong xã nâng lên rõ rệt. Đến nay, hầu hết các hộ tham gia Chương trình từ 2021 đã có thu nhập ổn định, các hộ tham gia sau cũng đã và đang hứa hẹn mang lại kết quả tích cực. Nhận thức của người dân nâng lên đồng nghĩa với việc họ chủ động bắt tay vào làm để nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế. Đến nay, xã vẫn đang tiếp tục đồng hành, hỗ trợ người dân trong quá trình thực hiện, chú trọng tới chất lượng để đảm bảo cho người dân có thu nhập thực chất, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Thoát nghèo đeo bám không thể trong ngày một, ngày hai, mà là một quá trình dài, cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân. Cũng như chủ trương của Nghị quyết 05 “không nóng vội, không thành tích”. Sau một thời gian gieo trồng, các cây đã bắt đầu cho trái ngọt. Từ những trái ngọt ấy mở ra cuộc sống tươi mới, hạnh phúc, đủ đầy hơn cho người dân trên Cao nguyên đá. Mong rằng sẽ có thêm nhiều gia đình có được ấm no từ những mảnh vườn cằn cỗi được cải tạo.

Bài, ảnh: My Ly


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phòng giao dịch Minh Khai phát triển tín dụng theo hướng bền vững
BHG - Được thành lập từ tháng 10.1991, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, trong nhiều năm qua, Phòng giao dịch (PGD) Agribank Minh Khai triển khai nhiều giải pháp đồng bộ mở rộng thị trường, đảm bảo tăng trưởng nguồn vốn phù hợp với tăng trưởng tín dụng, cũng như đảm bảo đủ nguồn vốn phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển KT – XH của địa phương. Từ đó, phát triển tín dụng theo hướng bền vững.
30/09/2022
Hỗ trợ nguồn vốn phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế
BHG -  Xác định nhiệm vụ là cánh tay đắc lực để đưa nguồn vốn tín dụng đến với người dân, doanh nghiệp, trong những năm qua, Phòng Giao dịch Agribank Yên Biên (PGD) đã hỗ trợ khách hàng trên địa bàn thành phố được tiếp cận vốn vay để phát triển kinh tế, vượt qua khó khăn, nhất là trong thời điểm ảnh hưởng của dịch Covid-19.
30/09/2022
Đồng Văn tổ chức hội thi “Nhà nông đua tài năm 2022”
BHG - Trong 2 ngày 29 và 30.9, Hội Nông dân huyện Đồng Văn tổ chức hội thi “Nhà nông đua tài năm 2022”. Dự hội thi có đồng chí Hoàng Văn Thịnh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện.
 
30/09/2022
Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp
BHG - Ngày 29.9, tại huyện Hoàng Su Phì, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp&PTNT tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Phát triển chè hữu cơ gắn với liên kết chế biến, tiêu thụ sản phẩm các tỉnh miền núi phía Bắc”. Tham dự diễn đàn có giáo sư, tiến sỹ khoa học Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam; Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Hoàng Văn Hồng; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp&PTNT; lãnh đạo Sở Nông nghiệp&PTNT; đại diện Trung tâm Khuyến nông, các doanh nghiệp, HTX và nông dân tiêu biểu các tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Yên Bái và Phú Thọ.
30/09/2022