Chuyển đổi sản xuất ở xã Vĩnh Phúc
BHG - Xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang) có 1.784/2.094 hộ trồng cam, chiếm 85% tổng số hộ trong toàn xã. Thu nhập bình quân trên mỗi ha trồng cam lợi nhuận 148 triệu đồng/năm (đã trừ chi phí) gấp 4,8 lần so với trồng lúa 2 vụ/năm. Đối với cây cam từ 6 năm tuổi trở lên sẽ cho thu hoạch ổn định, doanh thu từ 250 – 450 triệu đồng/ha/năm.
Cam ở xã Vĩnh Phúc đang chuẩn bị vào mùa thu hoạch. |
Trong những năm gần đây, xã Vĩnh Phúc đã tập trung chuyển đổi diện tích đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả kinh tế sang trồng và thâm canh cây cam. Đến này, toàn xã có 1.140 ha cam và một số ít cây ăn quả có múi khác. Trong đó, diện tích cây cam trồng trên đất đồi có địa hình dốc từ 15 – 35 độ là 724,6 ha. Cam trồng xuống đất ruộng 1 vụ là 416 ha. Diện tích cam đang cho thu hoạch là 1.040 ha. Sản lượng bình quân năm 2022 ước đạt trên 17.160 tấn. Cây cam đã trở thành cây trồng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp ở Vĩnh Phúc. Nhờ cây cam, nông dân Vĩnh Phúc đã có rất nhiều gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Toàn xã có 339 hộ thu tiền tỷ mỗi năm nhờ trồng cam. Thu nhập bình quân đầu người năm 2021, đạt gần 44 triệu đồng/năm. Năm nay, cây cam được mùa, giá bán đầu vụ đã tăng khoảng 25 – 30% so cùng kỳ. Bà con trồng cam ở Vĩnh Phúc đang hứa hẹn một mùa cam bội thu.
Để phát huy lợi thế trong quá trình chuyển đổi sản xuất, UBND xã Vĩnh Phúc đã thành lập tổ chuyên trách hỗ trợ bà con nông dân. Rà soát lại đất đai, xem xét thổ nhưỡng phù hợp; quy hoạch vùng, tập huấn kỹ thuật và phổ biến kiến thức làm ăn đến từng hộ. Thành lập 1 HTX trồng cam VietGap và 3 tổ hợp tác trồng cam an toàn. Các tổ hợp tác và HTX có nhiệm vụ cung cấp cây giống, phân bón, vật tư cho các thành viên tham gia chuyển đổi. Thực hiện giám sát chéo trong công tác quản lý vùng trồng. Tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên... Sự phối, kết hợp đồng bộ của chính quyền từ xã xuống thôn, đến với từng hộ đã tạo cho Vĩnh Phúc thống nhất cách làm, quản lý trong chuyển đổi sản xuất. Ngoài ra, UBND xã liên hệ chặt với các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện tuyên truyền, quảng bá sản phẩm cho nông dân. Các tổ hợp tác và HTX trồng cam được giao chịu trách nhiệm bám sát thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Bí thư Đảng ủy xã, Hoàng Hải Chư cho biết: Nắm được gu tiêu dùng và hiểu rõ nguyên lý thị trường thì mới dẫn dắt được cách làm cho bà con nông dân. Làm ra sản phẩm sạch, đẹp bán vào các siêu thị lớn theo chuỗi nhất định thắng lợi. Kết thúc mùa thu hoạch cam năm nay, thu nhập bình quân toàn xã ước đạt gần 50 triệu đồng/người.
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phúc, anh Vũ Đình Mạnh cho biết: Cam trồng trên đồi, trong vườn, dưới ruộng đều rất tốt. Cam trồng trên đồi chủ yếu là cam Sành. Đặc tính cây cam Sành ưa trồng trên đất thoai thoải từ 18 – 25 độ; gần khu vực núi đá đất đai mát, nhiều mùn hoặc trồng ở các khu vực có rừng khoanh nuôi nhiều ẩm càng tốt. Đối với cây cam Vinh lại ưa trồng trong đất vườn hoặc những chân ruộng. Khi trồng xuống ruộng nhất thiết phải lên luống thật cao và khơi rãnh thoát nước. Đặc tính cây cam Vinh là ưa ẩm nhưng không úng nước thì tuổi đời rất cao. Bà con Vĩnh Phúc đã sử dụng chủ yếu phân chuồng, vôi bột, phân gà ủ hoai để bón cam. Sử dụng máy phát cỏ vườn, dùng thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc thảo dược để phòng trừ sâu bệnh cho cây cam đang trở thành cách làm hiệu quả. Chỉ thu hoạch khi quả cam đã chín, không thu hoạch non để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Thực tiễn chuyển đổi sản xuất từ làm ruộng sang trồng cam đã cho Vĩnh Phúc lời giải thỏa đáng. Lời giải đó là, chỉ đạo tập trung, chọn giống tốt và canh tác khoa học. Chọn giống cam sạch bệnh để trồng; chọn cách chăm sóc VietGap, hữu cơ để thâm canh. Nhờ đó, cây cam ở xã Vĩnh Phúc đã mang lại lợi ích kinh tế cao hơn rất nhiều so với trồng lúa. Thêm vào đó là kinh nghiệm trồng cam được bà con tích lũy cộng với áp dụng KHKT để thâm canh đã mang về cho bà con những mùa cam bội thu. Đến nay, xã Vĩnh Phúc đã chuyển 3/4 diện tích đất sản xuất nông nghiệp để trồng cam, mang lại thu nhập cao. Hiện nay, nhiều vùng, nhiều nơi xảy ra hiện tượng cam nhiễm bệnh. Tuy nhiên, tại xã Vĩnh Phúc cây cam vẫn phát triển khá ổn định. Cách làm ở Vĩnh Phúc cần được đánh giá đúng để áp dụng vào thực tiễn trong tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta trong thời gian tới.
Đi liền với chuyển đổi sản xuất, người dân Vĩnh Phúc còn áp dụng công nghệ thông tin để quảng bá sản phẩm bán tới tận tay người tiêu dùng. Giải pháp trên đang tạo đà để quả cam Vĩnh Phúc đến với thị trường rộng hơn, người nông dân xã Vĩnh Phúc sẽ ngày một no ấm.
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng
Ý kiến bạn đọc