ADB giữ nguyên triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2022

10:27, 22/09/2022

Sáng 21/9, tại Hà Nội, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức họp báo công bố bản cập nhật Báo cáo triển vọng phát triển châu Á năm 2022. Theo đó, ADB giữ nguyên triển vọng kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 6,5% trong năm 2022 và 6,7% năm 2023.

Quang cảnh buổi họp báo.
Quang cảnh buổi họp báo.

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam đánh giá: “Nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi nhanh hơn dự kiến trong nửa đầu năm 2022, và tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh môi trường toàn cầu có nhiều thách thức. Kinh tế phục hồi ổn định nhờ các cân đối kinh tế mạnh, được hỗ trợ bởi sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của ngành sản xuất chế biến chế tạo và dịch vụ”.

Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) Cập nhật 2022 nhận định kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn. Chuỗi cung ứng lương thực thực phẩm toàn cầu được khôi phục góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong năm nay, tuy nhiên chi phí đầu vào cao vẫn sẽ kìm hãm sự phục hồi của ngành nông nghiệp.

Nhu cầu trên thị trường thế giới giảm làm chậm đà tăng trưởng ngành chế biến chế tạo. Trong tháng 8, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) giảm nhẹ xuống 52,7 từ mức 54,0 của tháng 6. Tuy nhiên, triển vọng ngành chế biến chế tạo vẫn khả quan do đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ vào lĩnh vực này.

Di chuyển trong nước trở lại hoàn toàn bình thường và việc dỡ bỏ các hạn chế đi lại do đại dịch COVID-19 đối với khách nước ngoài sẽ thúc đẩy du lịch phục hồi mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2022, là động lực tăng trưởng cho ngành dịch vụ.

Lạm phát tăng cao ở Mỹ và Liên minh châu Âu làm gia tăng áp lực lạm phát trong nước. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ thận trọng của Việt Nam và việc kiểm soát giá hiệu quả, đặc biệt đối với các mặt hàng xăng dầu, giúp kiềm chế lạm phát ở mức 3.8% năm 2022 và 4.0% năm 2023, không thay đổi so với dự báo đã đưa ra trong báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á vào tháng 4/2022.

Triển vọng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với những rủi ro ngày càng tăng. Suy thoái kinh tế toàn cầu có thể ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Sự thiếu hụt lao động dự kiến sẽ tác động đến sự phục hồi nhanh chóng của các ngành dịch vụ và sản xuất hàng xuất khẩu sử dụng nhiều lao động trong năm 2022.

Báo cáo nhận định, việc chậm giải ngân đầu tư công và các khoản chi xã hội so với kế hoạch, đặc biệt là chậm thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của chính phủ có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng trong năm nay và năm sau./.

Theo dangcongsan.vn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Giá xăng, dầu tiếp tục giảm
Mỗi lít xăng giảm 450-630 đồng, dầu giảm 380-1.970 đồng, đưa giá bán lẻ xăng về mức thấp nhất từ đầu năm.
21/09/2022
Thị trấn Phố Bảng nhân rộng mô hình kinh tế hiệu quả
BHG - Cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, thời gian qua, thị trấn Phố Bảng (Đồng Văn) đã đẩy mạnh phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp có ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất. Từ đó góp phần nâng cao hiệu quả, giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.
21/09/2022
Con đường no ấm cho đồng bào vùng cao
BHG - Hà Giang là tỉnh miền núi, nhiều khó khăn, điều kiện tự nhiên không thuận lợi, với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) chiếm 87,7% dân số. Nhận thấy điều đó, tỉnh ta đã đẩy mạnh công tác đào tạo, hướng nghiệp và giải quyết việc làm (GQVL) cho lao động địa phương. Truyền dạy cho thế hệ trẻ những kỹ năng, kiến thức thiết thực, để gìn giữ và phát huy các làng nghề truyền thống. Đồng thời, liên kết với các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước tạo việc làm, thu nhập ổn định cho ĐBDTTS vùng sâu, vùng cao, biên giới, góp phần thực hiện công tác giảm nghèo bền vững (GNBV), tạo đà phát triển KT – XH của tỉnh nhà…
21/09/2022
Hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân huyện Mèo Vạc và Quản Bạ
BHG - Ngày 20.9, tại cửa hàng Nông sản vùng miền – Sản phẩm OCOP tỉnh, Hội Nông dân tỉnh tổ chức tuần lễ giới thiệu "Nông sản an toàn và sản phẩm OCOP huyện Mèo Vạc và Quản Bạ" .
20/09/2022