Thanh niên Đặng Phụ Vần làm giàu từ chè Shan tuyết
BHG - Trong khi đa số thanh niên của bản làng đi lao động ngoài tỉnh, anh Đặng Phụ Vần, sinh năm 1993, dân tộc Dao, thôn Phìn Trái, xã Xuân Minh (Quang Bình) chọn con đường ở lại quê hương lập nghiệp từ cây chè Shan tuyết. Dựa vào thế mạnh của vùng chè hữu cơ rộng lớn, ngoài các sản phẩm hiện có, anh cũng đang ấp ủ dự định sản xuất chè chất lượng cao để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.
Anh Đặng Phụ Vần (phải) giới thiệu sản phẩm chè. |
Cùng lãnh đạo xã Xuân Minh, chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất chè của anh Đặng Phụ Vần. Pha ấm trà nóng mời khách, anh Vần chia sẻ: “Thôn Phìn Trái chẳng có gì ngoài cây chè Shan tuyết. Nơi đây khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm, cây chè sinh trưởng và phát triển tự nhiên nên đượm hương thơm, vị ngọt tinh khiết của núi rừng. Qua thời gian, có những cây chè đã hàng chục năm tuổi. Bởi vậy, cây chè được coi là chủ lực giảm nghèo của đồng bào người Dao. Đến nay, hầu như các hộ trong thôn đều trồng chè với tổng diện tích đạt 54 ha”.
Sinh ra, lớn lên ở vùng đất còn nhiều gian khó, thanh niên Đặng Phụ Vần từng đi làm công nhân xa nhà. Song với suy nghĩ, trăn trở phải xây dựng cuộc sống ổn định hơn, thấy vùng quê có nhiều chè, sẵn nguồn nguyên liệu, anh đã quyết chí khởi nghiệp từ cây chè Shan tuyết. Năm 2019, anh mở xưởng làm chè, gồm 3 bộ máy sản xuất theo dây chuyền hiện đại. Trung bình mỗi năm cơ sở sản xuất được 30 tấn chè vàng, 1 tấn chè khô, đem lại lợi nhuận 200 triệu đồng. Đồng thời, tạo công ăn việc làm cho 3 công nhân với mức thu nhập từ 7 - 9 triệu đồng/tháng.
Lãnh đạo xã Xuân Minh (Quang Bình) hướng dẫn anh Đặng Phụ Vần phương pháp canh tác chè hữu cơ. |
Dẫn chúng tôi tham quan cơ sở chế biến và đồi chè của gia đình, anh Vần cho biết: “Thời ông bà, bố mẹ ai cũng biết làm chè truyền thống, từ nhỏ tôi đã gắn bó với cây chè, nên khi bắt tay vào lập nghiệp mọi thứ đều thuận lợi. Những năm gần đây, thị trường có xu hướng dễ tiêu thụ chè vàng, nắm bắt điều đó, tôi đã tập trung sản xuất loại chè này. Nhờ uy tín, chất lượng chè đảm bảo, thương lái ở tỉnh Hải Dương tự tìm đến thu mua. Đối với các loại chè khô, cơ sở sản xuất theo nhu cầu của khách đặt. Cây chè Shan tuyết ngày càng được khẳng định về giá trị kinh tế, giá thu mua chè búp tươi để làm chè vàng đạt 15.000 đồng/kg, làm chè khô từ 20.000 - 70.000 đồng/kg tùy loại”.
Theo anh Vần, so với các ngành, nghề sản xuất, kinh doanh khác, nghề làm chè rất vất vả, thức đêm thường xuyên, tốn nhiều thời gian và công sức. Vì vậy, để tạo bước đi chắc chắn ngay từ đầu, bên cạnh việc đầu tư sản xuất, làm chủ khoa học công nghệ cũng cần quan tâm mở rộng vùng nguyên liệu, hướng dẫn người dân chăm sóc, thu hái chè đúng kỹ thuật. Cùng sự tuyên truyền, vận động của xã, bà con trong thôn tích cực canh tác chè theo hướng hữu cơ, không sử dụng thuốc trừ cỏ, thân thiện với môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Với tâm huyết và hoài bão của tuổi trẻ, nhằm đa dạng các sản phẩm từ chè, chàng thanh niên người Dao Đặng Phụ Vần đang nỗ lực tìm tòi, thử nghiệm, tìm hướng phát triển một số dòng chè khô đặc sản để xây dựng thương hiệu riêng. Đi trong ngát hương chè, chúng tôi kỳ vọng mô hình khởi nghiệp của anh Vần sẽ góp phần nâng tầm thương hiệu chè Xuân Minh, nâng cao thu nhập cho người dân, làm giàu cho mảnh đất quê hương.
Bài, ảnh: MỘC LAN
Ý kiến bạn đọc