Bệnh thán thư, nấm hồng trên cây hồng không hạt gây khô cành, rụng quả
BHG - Cứ như mọi năm, vào thời gian này, anh Cháng Thìn Lù ở thôn Thanh Long, xã Thanh Vân, huyện Quản Bạ đang chuẩn bị thu hái quả hồng không hạt bán ra thị trường. Tuy nhiên năm nay, hơn 300 gốc hồng không hạt của gia đình anh lác đác chỉ còn có vài quả trên cây, vì quả đã rụng hết. Tất cả cũng chỉ vì bệnh thán thư, nấm hồng trên cây hồng không hạt gây ra. Anh Lù ngậm ngùi chia sẻ.
Bệnh thán thư, nấm hồng trên cây hồng không hạt gây khô cành, rụng quả |
Hiện tại, gia đình anh Lù có trên 300 gốc hồng và đều đang cho thu hoạch quả. Bình quân mỗi năm gia đình thu hoạch từ 4 – 5 tấn quả, với giá bán tại vườn từ 30.000 – 35.000 đồng/kg gia đình anh có nguồn thu từ 130 - 150 triệu đồng. Trước đó, khi phát hiện dấu hiệu bệnh thán thư gây ra cho vườn hồng nhà mình, anh Lù đã được Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện tới vườn kiểm tra, tư vấn và hỗ trợ phun thuốc đặc trị. Tuy nhiên, do độ ẩm cao cùng với tán lá dày nên không thể trị tận gốc bệnh thán thư gây ra.
Được biết, hiện tại các xã có diện tích hồng không hạt lớn như Nghĩa Thuận, Tùng Vài, Thanh Vân, thị trấn Tam Sơn, Bát Đại Sơn, xã Quản Bạ cũng đã xuất hiện bệnh thán thư, nấm hồng trên cây hồng không hạt. Tuy nhiên do phát hiện sớm và kịp thời xử lý nên đã hạn chế được sự phát triển lây lan của bệnh.
Nguyên nhân gây bệnh thán thư, nấm hồng trên cây hồng không hạt là do độ ẩm cao, sương mù nhiều. Đặc biệt, bệnh thường phát triển mạnh trong giai đoạn cây hồng ra lộc, ra nụ hoa, quả non. Nếu không phòng trừ kịp thời bệnh thán thư, nấm hồng sẽ làm khô cành, lá rụng, quả rụng và thối gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng, phát triển của cây hồng không hạt.
Tin, ảnh Na Vin
Ý kiến bạn đọc