Xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng mận máu Hoàng Su Phì
BHG - Những năm gần đây, mận máu dần trở thành cây trồng chủ lực của huyện Hoàng Su Phì, thu nhập từ cây mận máu không ngừng được nâng lên. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây mận máu mang lại, huyện đang từng bước xây dựng thương hiệu mận máu thành sản phẩm đặc trưng của huyện.
Cây mận máu của gia đình ông Lù Sào Dỉ, thôn Cóc Rạc, xã Thàng Tín được thương lái đặt mua toàn bộ quả với giá 5 triệu đồng. |
Vườn mận máu rộng 5.000m2 của gia đình ông Lù Sào Dỉ, thôn Cóc Rạc, xã Thàng Tín có khoảng 200 gốc, trong đó khoảng 30 gốc đang cho thu hoạch. Niên vụ năm 2021, quả mận máu giá bán cao mang lại nguồn thu cho gia đình trên 30 triệu đồng. Năm nay, từ khi mận ra hoa, gia đình chủ động bón phân, tưới nước giữ ẩm cho đất và thường xuyên theo dõi diễn biến sâu bệnh nên cây sinh trưởng, phát triển tốt, đậu quả với tỷ lệ cao, chất lượng tốt. Ông Dỉ chia sẻ: Năm nay cây mận máu được mùa, được giá, nếu hái quả bán có giá từ 30 – 50 nghìn đồng/kg, do nhà không có lao động nên tôi bán quả theo từng cây, tùy vào năm tuổi và sản lượng mà thương lái đặt mua, cây thì 1 triệu, cây 3 triệu, có cây 5 triệu đồng, cả vườn thu được hơn 60 triệu đồng.
Do thời gian thu hoạch mận máu tương đối ngắn, nên thương lái thường đến tận vườn thu mua cả cây và thuê người hái. Anh Lù Kính Biền, thương lái thu mua mận máu tại xã Thàng Tín cho biết: Giá mận năm nay ổn định, đem ra chợ huyện đến đâu bán hết đến đấy.
Niềm vui của người dân khi mận máu được mùa, được giá. |
Năm 2020, mận máu xã Chiến Phố đạt sản phẩm OCOP 4 sao, do đó giá bán cao hơn từ 15 - 20% so với các nơi khác, trên 60% diện tích mận máu được thương lái từ tỉnh Lào Cai sang thu mua, giá dao động từ 40 – 70 nghìn đồng/kg. Trong khi thực tế mận máu Thàng Tín có chất lượng, mẫu mã và sản lượng hàng năm không kém so với mận máu Chiến Phố. Vì vậy huyện Hoàng Su Phì đang xây dựng kế hoạch xây dựng vùng sản xuất hàng hóa đối với cây mận máu xã Thàng Tín.
Đồng chí Triệu Sơn An, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện chỉ đạo xã Thàng Tín thành lập HTX dịch vụ để làm cơ sở xây dựng thương hiệu, đồng thời xây dựng vườn ươm cây mận máu nhằm mở rộng diện tích, phấn đấu đến năm 2025 toàn huyện có 700 ha cây mận máu, trong đó có ít nhất 500 ha cho thu hoạch. Song song với đó là tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ. Ban hành cơ chế hỗ trợ người dân mua cây giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, hỗ trợ chi phí xây dựng mô hình… Ứng dụng kỹ thuật vào trồng, chăm sóc cây và hướng đến phát triển bền vững cây mận máu theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, góp phần xóa đói giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho người dân.
Bài, ảnh: Đức Long (Huyện Hoàng Su Phì)
Ý kiến bạn đọc