Đảm bảo an toàn hồ chứa thủy điện

15:56, 16/07/2022

BHG - Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh được phê duyệt 77 dự án thủy điện, với tổng công suất lắp máy là 1.061,9 MW. Trong đó có 37 nhà máy thủy điện (NMTĐ) đang phát điện vào lưới điện Quốc gia, với tổng công suất lắp máy là 738,5 MW. Để chủ động phòng, chống và ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, các NMTĐ đã chủ động triển khai các giải pháp sẵn sàng ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng, tài sản do thiên tai gây ra.

Công nhân vận hành Nhà máy thủy điện Sông Miện 5A.
Công nhân vận hành Nhà máy thủy điện Sông Miện 5A.

Thực hiện công điện của Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND tỉnh Hà Giang về công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 101/KH-UBND của UBND tỉnh về phòng, chống thiên tai và tìm kiểm cứu nạn năm 2022. Một trong những nhiệm vụ cấp bách từ nay đến cuối năm được UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện là phải đảm bảo an toàn các hồ, đập, đặc biệt là hồ chứa thủy điện, nhằm chủ động phòng tránh và giảm thiểu thiệt hại do sự cố từ các hồ, đập gây ra.

Hiện, chủ đầu tư các công trình này đã xây dựng phương án phòng, chống lụt bão (PCLB) năm 2022 và đã được phê duyệt. Trong đó, thủy điện Sông Miện 5A, 5B đã đưa vào phát điện 4 tổ máy. Đối với thủy điện Sông Miện 5A có công suất 9MW, 5B có công suất 20MW; tổng lưu lượng hồ chứa khoảng 1.680 km2, là hồ chứa lớn nằm cách trung tâm Tp. Hà Giang khoảng 9 km. Từ khi đưa vào khai thác, chủ đầu tư đã thực hiện quy trình vận hành hồ chứa nghiêm túc, đảm bảo mực nước dưới dòng sông và cắt, giảm lũ cho vùng hạ du trong mùa mưa, lũ. Công tác an toàn hồ đập được giám sát chặt chẽ. Hiện tại, phương án PCLB năm 2022 đối với công trình này đã được phê duyệt.

Ông Nguyễn Văn Tuân, Giám đốc NMTĐ Sông Miện 5, cho biết: Hàng năm, đơn vị lập kế hoạch về PCLB theo quy trình vận hành diện tích hồ chứa và phương án đối phó với tình huống khẩn cấp, thiên tai, được chính quyền địa phương và công ty phê duyệt; mỗi năm trước mùa mưa bão, công ty đều kiểm tra các thiết bị vận hành gửi về Bộ và Sở Công thương; xây dựng kế hoạch 4 tại chỗ. Việc vận hành nhà máy phải tuân thủ nghiêm các quy trình kỹ thuật; yêu cầu đảm bảo an toàn cho công trình luôn đặt lên hàng đầu, nhất là vào mùa mưa lũ, không để xảy ra sự cố ảnh hưởng đến người dân sinh sống vùng lân cận. Ngoài việc chủ động xả hồ đón lũ, nhà máy đã trang bị hệ thống quan trắc. Theo đó, toàn bộ các thông tin lưu lượng nước về, nước xả và tình trạng đập được truyển trực tiếp về Cục Tài nguyên nước, Sở TN&MT tỉnh Hà Giang.

Ngay từ đầu năm, Sở Công thương đã ban hành kế hoạch kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn chủ đầu tư chấp hành các quy định về đầu tư xây dựng và vận hành, khai thác các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh; các kế hoạch và công văn triển khai các biện pháp tăng cường đảm bảo an toàn hồ đập và dự án thủy điện… Trong 6 tháng đầu năm, tuy mới bắt đầu mùa mưa nhưng tình hình mưa lũ diễn ra phức tạp, đã có một số trận mưa to và rất to, nên lưu vực sông Lô, sông Miện lên cao. Tuy nhiên, các NMTĐ trên sông Lô, sông Miện đã phối hợp vận hành tuân thủ theo quy trình vận hành hồ chứa và Quy chế phối hợp vận hành hồ chứa thủy điện nên đảm bảo việc thoát lũ kịp thời, cơ bản không gây ngập úng cho vùng thượng du và hạ du của nhà máy.

Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Xuân Phúc, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết: Qua kiểm tra tại các công trình thủy điện, các chủ đầu tư đã thực hiện nghiêm túc và chấp hành các quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa, như: Rà soát và báo cáo hiện trạng đập, hồ chứa trước mùa mưa và đảm bảo an toàn vận hành, chống lũ. Trước khi tích nước phát điện, công trình thủy điện có đập, hồ chứa đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy trình vận hành, phương án bảo vệ đập. Đồng thời, chuẩn bị nhân lực, thiết bị, vật tư, sẵn sàng ứng phó với các tình huống an toàn của đập theo phương án được phê duyệt. Với các công trình thủy điện đang thi công, được cơ quan có thẩm quyền phân cấp phê duyệt phương án ứng phó thiên tai cho công trình và vùng hạ du đập để triển khai thực hiện.

Với sự chủ động của các đơn vị NMTĐ, sự kiểm tra, đôn đốc thường xuyên của UBND tỉnh và các ngành chuyên môn, đến nay hoạt động của các NMTĐ trên địa bàn tỉnh cơ bản duy trì ổn định và đảm bảo an toàn.

Bài, ảnh: Văn Quân


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đóng máy biến áp T2 Trạm biến áp 110kV Bình Vàng
BHG - Ngày 14.7, Công ty Điện lực Hà Giang tổ chức lễ đóng máy biến áp T2 Trạm biến áp 110kV Bình Vàng. Dự buổi lễ có lãnh đạo huyện Vị Xuyên, Công ty Điện lực Hà Giang.
15/07/2022
Hoàng Su Phì xây dựng Nông thôn mới bền vững từ cơ sở
BHG - Trong những năm qua, phong trào xây dựng Nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì diễn ra sôi nổi, thu hút sự tham gia của cả cộng đồng, phát huy được sức mạnh tổng hợp của xã hội.
15/07/2022
Bộ Công thương triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm
BHG - Sáng 14.7, Bộ Công thương tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm. Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công thương chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Hà Giang có lãnh đạo Sở Công thương và đại diện một số ngành liên quan.
14/07/2022
Chắp cánh cho nông sản Xín Mần xuất ngoại
BHG - Nhằm tạo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, thời gian qua, huyện Xín Mần đã triển khai nhiều giải pháp, tạo cơ chế, đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Trong đó có liên kết với Công ty TNHH Việt Nam Misaki để xuất khẩu nông sản sang thị trường Nhật Bản, qua đó giúp ngành Nông nghiệp có hướng đi bền vững, từng bước nâng cao thu nhập cho nhân dân.
14/07/2022