Chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản còn nhiều vướng mắc

13:20, 18/07/2022

BHG - Nhằm đẩy mạnh phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị định 98/2018/NĐ-CP. Qua 3 năm thực hiện trên địa bàn tỉnh đã bước đầu hình thành các chuỗi liên kết, phát huy được tiềm năng về đất đai, lao động ở địa phương. Tuy nhiên trong thực tế còn gặp một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.

Dự án liên kết chăn nuôi gà thả vườn theo chuỗi giá trị tại xã Hồ Thầu (Hoàng Su Phì).
Dự án liên kết chăn nuôi gà thả vườn theo chuỗi giá trị tại xã Hồ Thầu (Hoàng Su Phì).

Chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của Chính phủ đã được HĐND tỉnh cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 09/2019, quy định cụ thể về đối tượng thụ hưởng, nội dung, định mức hỗ trợ. UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, ban hành các văn bản đôn đốc thực hiện chính sách trên địa bàn. Các sở, ngành chức năng chủ động tham mưu UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn đầu tư, vốn chương trình mục tiêu quốc gia hàng năm cho các huyện hỗ trợ các bên tham gia dự án liên kết. Định hướng, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất nâng cao sức cạnh tranh, kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hội đồng thẩm định hồ sơ dự án/kế hoạch liên kết cấp tỉnh, cấp huyện được thành lập, kiện toàn, đi vào hoạt động. Các địa phương đã tổ chức 320 buổi tuyên truyền chính sách đến hơn 36.500 lượt người.

Đến nay, toàn tỉnh có tổng số 37 dự án/kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được phê duyệt, trong đó cấp tỉnh có 3 dự án, cấp huyện, thành phố có 34 dự án (trồng trọt có 9 dự án/kế hoạch, chăn nuôi có 24 dự án/kế hoạch, thủy sản có 1 kế hoạch).

Đối với 3 dự án được UBND tỉnh phê duyệt gồm chuỗi liên kết cây dược liệu, cây công nghiệp ngắn ngày (lạc) và chuỗi liên kết chăn nuôi (bò); các dự án liên kết theo hình thức tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm; thời gian thực hiện từ 3 – 5 năm. Tổng kinh phí của 3 dự án trên 19,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay các dự án chưa được giải ngân do các chủ đầu tư chưa hoàn thiện hồ sơ, thủ tục liên quan.

Đối với 34 dự án, kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn 8 huyện, thành phố (Đồng Văn, Mèo Vạc, Quang Bình chưa có dự án/kế hoạch được phê duyệt). Có 31 HTX, 3 doanh nghiệp là chủ trì liên kết; các tác nhân tham gia liên kết gồm 6 doanh nghiệp, 51 HTX và 401 hộ sản xuất. Tổng kinh phí thực hiện là 28.208 triệu đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước đã hỗ trợ 15.293 triệu đồng cho các bên tham gia liên kết.

Xã Hồ Thầu (Hoàng Su Phì) là địa phương đang triển khai 4 chuỗi liên kết sản xuất, gồm: Nuôi vịt bầu, gà, lợn thương phẩm, trồng rau bắp cải an toàn. Qua triển khai các mô hình liên kết đã bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Tuy nhiên, theo lãnh đạo xã Hồ Thầu, do sản xuất nông nghiệp mang tính đặc thù theo mùa vụ, sau khi người dân đã xuất bán lứa sản phẩm đầu tiên (đối với chăn nuôi) thì việc tiếp tục tái đàn, duy trì quy mô sản xuất gặp khó khăn. Đối với chuỗi liên kết trồng rau bắp cải thì chỉ sản xuất được theo thời vụ, dẫn đến những vụ còn lại trong năm người dân tự ý chuyển đổi cây trồng tự phát, gây ảnh hưởng đến liên kết trong sản xuất.

Qua thực tế triển khai, sản xuất nông nghiệp thường gặp rủi ro do thiên tai, giá cả thị trường biến động, người dân đôi khi còn thụ động trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp, HTX ngại ký hợp đồng lâu dài với nông dân. Mặt khác, các ngành hàng, sản phẩm khuyến khích phát triển liên kết sản xuất tuy được phê duyệt bổ sung nhưng một số loại cây, con khó khuyến khích phát triển do thiếu quy định hướng dẫn về điều kiện trồng, chăm sóc và chưa có quy trình kỹ thuật, khó chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

Một số doanh nghiệp, HTX thiếu kỹ năng, kinh nghiệm lập hồ sơ; năng lực tổ chức thực hiện dự án còn yếu, chưa nắm bắt được các quy định của nhà nước về thủ tục đầu tư, mua sắm máy móc, thiết bị để triển khai theo nội dung dự án được phê duyệt. Đặc biệt, thực hiện chính sách nhưng địa phương không có kinh phí riêng để thực hiện, chủ yếu là kinh phí lồng ghép. Trong khi các dự án liên kết phải thực hiện theo giai đoạn từ 3 – 5 năm nên quá trình đăng ký phân bổ vốn cũng như giải ngân kinh phí hỗ trợ gặp rất nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, một số nội dung trong Nghị định 98/2018/NĐ-CP chưa quy định cụ thể, dẫn đến vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện như: Chưa quy định nội dung thẩm định, phương thức hỗ trợ (trước đầu tư hay sau đầu tư); chưa đề cập đến các nội dung hỗ trợ nhà lưới, hệ thống tưới tiêu, trong khi đây là hạ tầng quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp. Chưa có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ hạ tầng liên kết, chi phí mua giống, vật tư, dẫn tới các chủ dự án không xác định được việc đầu tư mua sắm các nội dung này có thực hiện thủ tục đấu thầu, chỉ định thầu theo luật hay không…

Có thể khẳng định, sau 3 năm thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã giúp người dân, HTX thay đổi tư duy sản xuất, được chuyển giao KHKT, tập huấn, áp dụng các giải pháp để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; phát huy được tiềm năng về đất đai, lao động của địa phương. Tuy nhiên, các cấp, ngành cần có giải pháp hữu hiệu tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện, để các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm không bị đứt gãy, phát huy được hiệu quả và tính bền vững.

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đảm bảo an toàn hồ chứa thủy điện
BHG - Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh được phê duyệt 77 dự án thủy điện, với tổng công suất lắp máy là 1.061,9 MW. Trong đó có 37 nhà máy thủy điện (NMTĐ) đang phát điện vào lưới điện Quốc gia, với tổng công suất lắp máy là 738,5 MW. Để chủ động phòng, chống và ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, các NMTĐ đã chủ động triển khai các giải pháp sẵn sàng ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng, tài sản do thiên tai gây ra.
16/07/2022
Hoàng Su Phì xây dựng Nông thôn mới bền vững từ cơ sở
BHG - Trong những năm qua, phong trào xây dựng Nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì diễn ra sôi nổi, thu hút sự tham gia của cả cộng đồng, phát huy được sức mạnh tổng hợp của xã hội.
15/07/2022
Đóng máy biến áp T2 Trạm biến áp 110kV Bình Vàng
BHG - Ngày 14.7, Công ty Điện lực Hà Giang tổ chức lễ đóng máy biến áp T2 Trạm biến áp 110kV Bình Vàng. Dự buổi lễ có lãnh đạo huyện Vị Xuyên, Công ty Điện lực Hà Giang.
15/07/2022
Bộ Công thương triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm
BHG - Sáng 14.7, Bộ Công thương tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm. Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công thương chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Hà Giang có lãnh đạo Sở Công thương và đại diện một số ngành liên quan.
14/07/2022