Bộ Công thương triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm
BHG - Sáng 14.7, Bộ Công thương tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm. Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công thương chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Hà Giang có lãnh đạo Sở Công thương và đại diện một số ngành liên quan.
Lãnh đạo Sở Công thương và các ngành liên quan dự hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm; triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của ngành công thương. |
Trong 6 tháng đầu năm 2022, bức tranh kinh tế Việt Nam đã từng bước khởi sắc khi tất cả các ngành, lĩnh vực đều tăng trưởng ấn tượng. Trong đó, Bộ Công thương đã linh hoạt điều hành, quyết liệt triển khai các giải pháp huy động mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế. Kết quả, sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì và đang dần phục hồi, tốc độ tăng ước đạt 9,87% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất - nhập khẩu tăng cao, trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá, tăng 17,3%; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động thương mại, vận tải, du lịch tiếp tục phục hồi tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 27,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đối với tỉnh Hà Giang, hoạt động công thương 6 tháng đầu năm 2022 đạt nhiều kết quả tích cực. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 3.800 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ; hoạt động thương mại và dịch vụ đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, nhu cầu tiêu dùng của người dân đã tăng trở lại; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 6.800 tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm ngoái; Cục Quản lý thị trường đã kiểm tra 411 vụ, xử lý 315 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước gần 1,2 tỷ đồng.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2023 sắp tới, việc điều chỉnh chính sách tài chính - tiền tệ; giá xăng dầu và nguyên vật liệu đều tăng cao sẽ tạo áp lực lạm phát. Do vậy, đòi hỏi toàn ngành Công thương cần theo dõi chặt biến động cung cầu, giá cả hàng hoá để sẵn sàng các phương án giải pháp ứng phó, điều tiết kịp thời. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh sản xuất, nhất là các nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào; kiểm soát nhập khẩu và chủ động nguồn cung trong nước thay thế cho nguồn nhập khẩu. Tiếp tục thúc đẩy tiêu dùng, phát triển thương mại điện tử gắn với thương mại truyền thống để khai thác hiệu quả xu hướng chuyển đổi số. Thực hiện đột phá về thể chế chính sách; cải cách thủ tục hành chính, khơi thông mọi nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.
Tin, ảnh: Na Vin
Ý kiến bạn đọc