Phó thủ tướng: Kiểm soát chặt giá xăng dầu, sách giáo khoa

11:24, 14/06/2022

Tại cuộc họp về điều hành giá chiều 13/6, đại diện các bộ ngành nhìn nhận, áp lực lạm phát thời gian qua rất cao và nguy cơ lạm phát cuối năm là hiện hữu. Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu "dự báo sớm hơn" giá các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, cước vận tải, y tế và quản lý giá với sách giáo khoa.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, so với cùng kỳ, CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2022 tăng 2,25% so với cùng kỳ; lạm phát cơ bản 5 tháng đầu năm 2022 tăng 1,1% so với đầu năm.

CPI tăng chủ yếu do giá xăng dầu. 13 đợt điều chỉnh giá mặt hàng này từ đầu năm, trong đó 6 đợt tăng giá (tính tới cuối tháng 5) khiến CPI tăng 1,8 điểm phần trăm.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo điều hành giá, chiều 13/6. Ảnh: VGP
Phó thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo điều hành giá, chiều 13/6. Ảnh: VGP

Từ chiều 13/6, mỗi lít xăng đã tăng lên mức kỷ lục mới, vượt 32.000 đồng. Nhận diện sức ép xăng dầu tiếp tục tăng, gây hiệu ứng tới nhiều dịch vụ, hàng hoá trong nước, Phó thủ tướng Lê Minh Khai cho rằng, việc điều hành giá sẽ rất khó khăn nên các bộ, ngành cần đánh giá kỹ tình hình để có giải pháp.

Ông yêu cầu điều hành, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu linh hoạt; có các kịch bản đảm bảo nguồn cung và dự phòng phương án nhập khẩu khi cần thiết; kiểm soát, xử lý nghiêm buôn lậu xăng dầu qua biên giới và lợi dụng găm hàng, tăng giá.

Với giá sách giáo khoa, ông Khái cũng đề nghị Bộ Giáo dục & Đào tạo, Tài chính có giải pháp bình ổn, quản lý giá mặt hàng này phù hợp thực tế, đảm bảo "mọi học sinh đều được tiếp cận sách giáo khoa với giá hợp lý".

Trước đó, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, nhiều đại biểu Quốc hội đặt vấn đề, giá sách giáo khoa quá cao, dùng một năm rồi bỏ gây lãng phí cho phụ huynh học sinh. Ông Phớc cho biết, hai bộ Tài chính và Giáo dục & Đào tạo sẽ có biện pháp bình ổn mặt hàng này.

Hệ luỵ của việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu là lạm phát kỳ vọng tăng cao, ảnh hưởng tới mục tiêu điều hành lạm phát chung của nền kinh tế. Lo ngại điều này, Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính điều hành chính sách tiền tệ và tài khoá linh hoạt, kiểm soát lạm phát kỳ vọng.

Với một số mặt hàng thiết yếu "sát sườn" đời sống người dân, ông Khái đề nghị theo dõi sát diễn biến thị trường, để "dự báo sớm hơn", có biện pháp điều hành linh hoạt, đảm bảo cung cầu.

Những hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, Phó thủ tướng lưu ý, "hết sức cân nhắc", đánh giá tác động chi tiết, báo cáo cấp có thẩm quyền, mới được tăng giá. Với mặt hàng doanh nghiệp tự định giá, nếu bất thường phải kiểm tra để có chấn chỉnh kịp thời.

Theo VNEXPRESS.NET


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phương thức canh tác độc đáo tạo nên vẻ đẹp ruộng bậc thang
BHG - Hàng ngàn năm nay những người nông dân cần mẫn và sáng tạo, từ sức lao động và đôi bàn tay bao thế hệ đã tạo nên những “tuyệt tác” là quần thể ruộng bậc thang mang vẻ đẹp hài hòa với thiên nhiên mà bất kỳ ai được chiêm ngưỡng khi vào mùa cũng phải ca ngợi. Có thể ví sự lao động miệt mài của họ như đang thêu hoa dệt gấm trên những “tấm gương nước” khổng lồ giữa thiên nhiên mây trời.
31/05/2022
Lão nông làm giàu từ nuôi chim Bồ câu
BHG - Đến với xã Thái An (Quản Bạ), mỗi khi có người tới hỏi mua chim Bồ câu thì người ta đều chỉ tới gia đình ông Ma Xín Hầu ở thôn Cán Hồ. Vì ông là một trong những người tiên phong trong việc phát triển kinh tế gia đình với mô hình nuôi chim Bồ câu.
31/05/2022
Thành phố Hà Giang nhiều dự án khó giải phóng mặt bằng
BHG - Thành phố Hà Giang đang trên đà đổi mới, phát triển với sự quan tâm hỗ trợ của T.Ư, của tỉnh bằng những chương trình, dự án đầu tư xây dựng quy mô để từng bước đưa thành phố hướng đến văn minh, hiện đại, xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh. Tuy nhiên, những dự án này hiện đang chậm tiến độ, một trong những nguyên nhân chính được xác định là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (BTGPMB).
31/05/2022
Bền bỉ dòng vốn tín dụng “Tam nông”
BHG - Phát huy vai trò trụ đỡ cho sự phát triển lĩnh vực “Tam nông”, những năm qua, Agribank Hoàng Su Phì đã tập trung nguồn vốn tín dụng và triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, sát cánh cùng nông dân vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu.
31/05/2022