Phấn đấu tăng độ che phủ rừng lên 60%
BHG - Bám sát kế hoạch phát triển lâm nghiệp bền vững, thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh công tác trồng rừng, phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ che phủ rừng đạt 60%. Để đạt được mục tiêu này, ngành Lâm nghiệp xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi nỗ lực rất lớn để hoàn thành.
Người dân xã Quản Bạ (Quản Bạ) làm tốt công tác chăm sóc và bảo vệ rừng. |
Hiện nay, tổng diện tích rừng tự nhiên của tỉnh là 792.948,3 ha. Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm vào cuộc của các cấp, ngành công tác quản lý bảo vệ rừng đã có sự chuyển biến tích cực ở nhiều địa phương; tài nguyên rừng đã và đang được quản lý, bảo vệ tốt góp phần nâng cao độ che phủ rừng. Năm 2015- 2020, diện tích rừng tăng 24.922,8 ha, tương đương với tỷ lệ che phủ rừng đạt 58%. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2025 đạt 60% và thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã khẩn trương triển khai các nhiệm vụ rà soát, xác định quỹ đất rừng phòng hộ, đặc dụng, đất trồng mới, rừng sản xuất, đất quy hoạch trồng cây xanh đô thị, đất phát triển trồng cây xanh phân tán vùng nông thôn... để chuẩn bị giống trồng rừng phù hợp theo đúng mục tiêu đề ra.
Để đạt được nhiệm vụ này, tỉnh xác định cần tập trung vào nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, kết hợp với trồng bổ sung; bảo vệ môi trường sinh thái, phòng hộ đầu nguồn, giảm thiểu tác hại của thiên tai, tăng khả năng sinh thuỷ của rừng và bảo tồn đa dạng sinh học; hạn chế suy giảm rừng, mất rừng và ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngăn chặn tình trạng cháy rừng, khai thác rừng trái phép, phấn đấu giảm ít nhất 10% số vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp so với giai đoạn 2015-2020.
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về lâm nghiệp, mở các đợt tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của mọi tầng lớp nhân dân, các cấp chính quyền và các chủ rừng về công tác bảo vệ rừng (BVR), phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) như: Xây dựng, biên soạn các bản tin, tờ rơi ngắn gọn, dễ nhớ để tuyên truyền tại các ngày chợ, thông qua các cuộc họp thôn; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức ký cam kết BVR và PCCCR đến từng hộ dân, phát huy vai trò của già làng, trưởng bản; hoạt động của các tổ, đội PCCCR cơ sở. Nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong công tác quản lý BVR, PCCCR. Tuyên truyền các kỹ thuật sản xuất lâm nghiệp theo hướng thâm canh cao, sử dụng giống tốt để nâng cao hiệu quả kinh doanh rừng.
Tập trung công tác bảo vệ toàn bộ diện tích đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng tự nhiên sản xuất, đối với diện tích chưa được giao do xã quản lý thì khoán cho cộng đồng, các tổ chức quản lý, thành lập các tổ BVR do lực lượng dân quân làm nòng cốt hoặc tổ đội do chính người dân của cộng đồng, thôn bản đề cử để thực hiện công tác BVR và được hưởng lợi từ những chính sách hỗ trợ BVR. Rà soát toàn bộ diện tích có cây gỗ tái sinh để xác định những diện tích có khả năng thành rừng, đưa vào khoanh nuôi xúc tiến tái sinh ngay từ đầu năm 2021, ưu tiên áp dụng các biện pháp khoanh nuôi có trồng bổ sung trên diện tích núi đất. Hạn chế chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Thực hiện tốt công tác trồng rừng, kiểm soát chặt chẽ việc trồng rừng sau khai thác theo quy định. Hỗ trợ có lựa chọn để trồng rừng tập trung, áp dụng kỹ thuật thâm canh cao, sử dụng giống tốt, kiểm soát chặt chẽ công tác gieo ươm giống trên địa bàn tỉnh...
Bên cạnh đó, các chủ rừng cần có biện pháp quản lý hiệu quả đối với diện tích rừng được giao; chính quyền địa phương quan tâm đến các chính sách khuyến khích đầu tư trồng rừng, mở rộng, nâng cấp một số tuyến đường vào các khu vực rừng trồng, rừng sản xuất. Khuyến khích nhân dân phát triển trồng rừng kết hợp chăn nuôi dưới tán rừng để đem lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, góp phần nâng cao diện tích rừng, tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh, nâng cao chất lượng rừng và cải thiện sinh kế cho người trồng rừng.
Bài, ảnh: LÊ HẢI
Ý kiến bạn đọc