Nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững
BHG - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, tỉnh ta triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu và có nhiều cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng đói, nghèo đeo bám.
Nuôi cá lồng giúp người dân xã Khâu Vai (Mèo Vạc) nâng cao thu nhập. |
Qua thống kê, theo chuẩn nghèo đa chiều, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh đầu năm 2022 có trên 79 nghìn hộ, chiếm 42,08% tổng số hộ toàn tỉnh. Mức độ thiếu hụt các nhu cầu xã hội cơ bản của hộ nghèo, cận nghèo chủ yếu tập trung ở các tiêu chí: Việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin. Nguyên nhân nghèo, cận nghèo được xác định chủ yếu do không có đất sản xuất; không có vốn sản xuất, kinh doanh; không có lao động; không có công cụ, phương tiện sản xuất; không có kiến thức về sản xuất; không có kỹ năng lao động, sản xuất; có người ốm đau, bệnh nặng, tai nạn…
Giám đốc Sở Lao động TB&XH Sùng Đại Hùng chia sẻ: Việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh tuy gặp không ít khó khăn, nhưng tỉnh đang phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm trên 4%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn giảm trên 6%/năm; phấn đấu 2 huyện nghèo và 29 xã đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng 2 lần so với năm 2020 (năm 2020 là 9,5 triệu đồng/năm).
Các sản phẩm của HTX thêu thổ cẩm dân tộc Lô Lô thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc mang lại nguồn thu ổn định. |
Xây dựng và triển khai các dự án hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ giống cây, con chất lượng cao; giúp người dân, nhất là người nghèo, người mới thoát nghèo cải thiện năng suất cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu thập. Hình thành và nhân rộng các mô hình sản xuất chuyên canh, liên kết sản xuất, chế biến, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao theo quy mô nhóm hộ, HTX gắn với doanh nghiệp và thị trường tiêu thụ. Hỗ trợ doanh nghiệp và HTX liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của các hộ nghèo, cận nghèo; khuyến khích, tạo điều kiện và hỗ trợ các mô hình phát triển sản xuất, khởi nghiệp; nâng cao trình độ, năng lực sản xuất cho đồng bào các dân tộc thiểu số.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Hoàng Hải Lý cho biết: Để thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững, ngành tập trung thực hiện hiệu quả Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn; phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững theo hướng chú trọng các sản phẩm đặc hữu gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân; hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị về chè, cam, bò, mật ong, vùng trồng dược liệu quý. Tập trung nguồn lực phát triển 5 cây (cây ăn quả ôn đới, chè Shan tuyết, dược liệu, lúa đặc sản chất lượng cao, Tam giác mạch) và 3 con (bò Vàng, lợn đen, mật ong Bạc hà)…
Ngoài những giải pháp mang tính căn cơ, tỉnh ta tập trung khơi dậy tiềm năng, thế mạnh; xây dựng và phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, với những sản phẩm du lịch mang tính đặc hữu; hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc; bảo tồn, phát huy giá trị Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì và các di sản văn hoá cấp quốc gia. Tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tham gia vay, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, nhất là vốn vay tín dụng ưu đãi, gắn với hướng dẫn phương thức sản xuất, khuyến nông, khuyến công và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất.
Xác định “trao cần câu, không trao con cá”, tỉnh chú trọng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, phù hợp với tình hình thực tế, điều kiện huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn; khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, lãng phí. Bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân. Tin rằng, những giải pháp vừa trước mắt, vừa lâu dài sẽ khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo, xây dựng quê hương Hà Giang vững vàng nơi biên cương.
Bài, ảnh: ĐẶNG KIM
Ý kiến bạn đọc