Khát vọng thịnh vượng huyện cửa ngõ phía Nam
BHG - Cuối tháng 5, những cơn mưa đầu Hạ xối xả trút xuống mặt đất. Sông Lô, sông Bạc, suối Thủy, suối Sảo... cuồn cuộn nước chảy. Huyện động lực kinh tế cửa ngõ phía Nam của tỉnh - Bắc Quang đang chuyển mình rất mạnh mẽ.
Quảng trường 15.5 trung tâm huyện Bắc Quang. |
Quảng trường 15.5, tại trung tâm thị trấn Việt Quang với diện tích trên 1,2 ha sáng rực. Bí thư Huyện ủy Bắc Quang, Hà Việt Hưng cho biết: Quảng trường được khánh thành đúng ngày 15.5, Ngày thành lập huyện Bắc Quang tròn 75 tuổi. Công trình có ý nghĩa biểu trưng cho sự phát triển sau 75 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đồng thời, công trình còn là quà tặng của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Bắc Quang dâng Bác kính yêu nhân dịp kỷ niệm lần thứ 132 năm Ngày sinh của Người.
Tôi về xã Bằng Hành, chiếc nôi của Cách mạng Tháng 8. Cách đây đúng 75 năm trước, đoàn quân Việt Minh được thành lập ngay dưới chân cầu Thác Vệ. Từ 54 chiến sĩ, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Lê Quảng Ba, Bế Triều phong trào cách mạng đã vươn lên lớn mạnh cả vùng Trọng Con: Bằng Hành, Liên Hiệp, Vô Điếm, Kim Ngọc, Hữu Sản... Từ Thác Vệ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Bắc Quang, Hà Giang nhất tề đứng lên cướp chính quyền từ tay thực dân Pháp và bọn tay sai góp phần cùng cả nước làm cuộc Cách mạng Tháng 8.1945 thành công. Bí thư Đảng ủy xã Bằng Hành, Ma Trọng Luận tự hào: Đảng bộ, nhân dân Bằng Hành đang quyết tâm phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM vào cuối năm 2022. Chỉ trong 5 tháng đầu năm, Bằng Hành cơ bản hoàn thành 16/19 chỉ tiêu về xây dựng NTM. Hiện tại, Bằng Hành đã có 4/10 thôn bản hoàn thành 11/12 tiêu chí về xây dựng thôn NTM.
Sản xuất ván ép xuất khẩu tại Công ty Thái Hoàng (Cụm công nghiệp Nam Quang). |
Tính đến đầu tháng 5.2022, Bắc Quang xây dựng cho mình một hệ thống cơ sở hạ tầng vững chắc, đồng bộ về: Điện, đường, trường, trạm. Hạ tầng tạo thành nền tảng thúc đẩy phát triển KT - XH, giảm nghèo. Nổi bật nhất là hệ thống đường giao thông kết nối 23 xã, thị trấn toàn huyện và trở thành trung tâm mở của các đường giao thông kết nối vùng, miền từ khắp mọi nơi. Trong đó, hệ thống đường Quốc lộ 2 chạy qua huyện có tổng chiều dài 52,9 km; đường Quốc lộ 279 chạy ngang có chiều dài 41 km; đường Tỉnh lộ 177 chạy qua có chiều dài 19,5 km. Ngoài ra, Bắc Quang còn có hệ thống giao thông đường thủy trên sông Lô dài trên 38 km rất thuận lợi cho giao thương phát triển kinh tế giữa các vùng, miền.
Chủ tịch UBND Huyện Bắc Quang, Phùng Viết Vinh cho biết: Thế mạnh nổi bật và riêng có của Bắc Quang về sản xuất nông nghiệp là quy hoạch rõ vùng canh tác. Vùng trồng cây ăn quả có múi ở 7 xã trọng điểm, cây cam Sành là cây chủ lực, với sản lượng ước đạt trên 44.000 tấn (năm 2021). Vùng phát triển cây chè xuất khẩu trên 5.000 ha, trồng tại 11 xã nơi có thổ nhưỡng phù hợp; sản lượng chè hàng năm ước đạt trên 27.000 tấn chè búp tươi phục vụ chế biến, xuất khẩu tạo công ăn, việc làm cho hàng vạn lao động. Sản lượng lúa hàng năm ước đạt trên 56.000 tấn/năm. Sản xuất lúa, gạo hàng hoá tập trung trên 71 cánh đồng mẫu lớn. Đồng thời, duy trì chăn nuôi đại gia súc tập trung ở 45 trang trại, gia trại; chăn nuôi chiếm tỷ trọng trên 35% giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Sản lượng gỗ rừng trồng kinh tế phục vụ chế biến, tiêu dùng, xuất khẩu đạt trên 77.000 m3 (năm 2021). Hiện nay, Bắc Quang đang cơ cấu lại sản xuất lâm nghiệp chuyển từ trồng rừng kinh tế, sang trồng cây quế một loài cây lưỡng dụng vừa lấy gỗ, lại vừa dùng chế biến, xuất khẩu dược liệu. Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt bình quân hàng năm trên 1.850 tỷ đồng.
Nằm ở cửa ngõ phía Nam của tỉnh, huyện Bắc Quang đã đưa ra nhiều giải pháp thu hút đầu tư. Trong đó, thu hút nguồn lực để phát triển đô thị dọc tuyến Quốc lộ 2. Đến nay, đã xây dựng thành công các đô thị loại V tại: Thị trấn Vĩnh Tuy, Hùng An, Việt Quang. Hiện tại, đang đẩy nhanh xây dựng xã Tân Quang thành đô thị loại V vào cuối năm 2024. Xây dựng các cụm xã động lực khu vực để thu hút đầu tư ở: Đồng Yên, Kim Ngọc. Thu hút xây dựng các cơ sở chế biến: Gỗ ván ép xuất khẩu, Nhà máy Giấy đế tại Cụm công nghiệp Nam Quang; thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các công trình thủy điện trên sông Lô, sông Chảy. Bắc Quang cũng đang tiếp tục trải thảm đỏ thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông, lâm sản như: Chế biến chè xuất khẩu, dược liệu, liên kết sản xuất rau, củ, quả và bảo quản cam Sành tại 12 HTX. Bắc Quang hiện đã có 31 sản phẩm nông sản đạt chất lượng OCOP từ 3 sao, đến 4 sao đủ sức cạnh tranh trên thị trường tiêu dùng cả nước. Năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng đạt trên 1.760 tỷ đồng; thu ngân sách Nhà nước đạt gần 150 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 42 triệu đồng/năm. Tỷ lệ nghèo toàn huyện chỉ còn dưới 4%. Bắc Quang đang phấn đấu về đích huyện NTM vào cuối năm 2025 để trở thành huyện NTM đầu tiên của tỉnh.
Phát triển kinh tế đi đôi với công tác “trồng người”. Đến nay, huyện đã có cơ sở vật chất các trường học khang trang. Đội ngũ cán bộ, giáo viên được đào tạo đạt chuẩn, nhiệt huyết với nghề, yêu trẻ. Bắc Quang đang phấn đấu đến năm 2025 sẽ có ít nhất 50% số trường đạt chuẩn mức độ 1 về giáo dục. Quyết tâm của ngành Giáo dục là đào tạo cho huyện nguồn nhân lực đáp ứng mục tiêu xây dựng Bắc Quang ngày một phát triển, lớn mạnh, hùng cường vì hạnh phúc của mọi người dân.
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng
Ý kiến bạn đọc