Hoàng Su Phì nỗ lực xây dựng Nông thôn mới

16:52, 20/06/2022

BHG - Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM), khu vực nông thôn huyện Hoàng Su Phì đã có những chuyển biến rõ nét, kết cấu hạ tầng KT-XH được quan tâm đầu tư xây dựng, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên đáng kể. Hiện nay, cấp ủy, chính quyền huyện đang tập trung mọi nguồn lực, huy động sự tham gia của các tầng lớp nhân dân để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng NTM trong năm 2022.

Nhân dân làm đường bê tông nông thôn tại xã Thàng Tín.
Nhân dân làm đường bê tông nông thôn tại xã Thàng Tín.

Là huyện miền núi, biên giới, có xuất phát điểm thấp, điều kiện KT-XH còn nhiều khó khăn, song với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, đến nay huyện có 3 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, gồm: Thông Nguyên, Nậm Ty, Hồ Thầu. Toàn huyện không còn xã nào đạt dưới 9 tiêu chí. Tuy nhiên, các tiêu chí đạt được chủ yếu là những tiêu chí “mềm”, ít cần nguồn lực, như: Quy hoạch, thủy lợi, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, hình thức tổ chức sản xuất, hệ thống tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh, an ninh trật tự xã hội… Còn các tiêu chí như: Thu nhập, hộ nghèo, giao thông… được đánh giá là các tiêu chí khó thực hiện do khả năng huy động nguồn lực tại chỗ hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập bình quân của người dân vẫn ở mức thấp.

Phó Chủ tịch UBND huyện, Triệu Sơn An cho biết: Xác định chương trình xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, liên tục, lâu dài, huyện đã và đang chủ động lồng ghép các nguồn lực để triển khai thực hiện, đảm bảo đồng bộ theo mục tiêu chung của huyện, duy trì các xã đã đạt chuẩn, tăng thêm tiêu chí tại các xã còn lại. Trong năm 2022, phấn đấu xã Hồ Thầu đạt thêm 1 tiêu chí nâng cao; thực hiện đạt thêm 4 tiêu chí tại 2 xã Nậm Dịch và Tân Tiến theo bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021 - 2025. Phấn đấu đạt thêm 7 thôn NTM tại 6 xã. Để đạt các chỉ tiêu này, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và các xã xây dựng kế hoạch cụ thể với những nhiệm vụ, giải pháp sát thực. Đối với 3 xã đã đạt chuẩn NTM, cùng với nhiệm vụ duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, huyện cũng chỉ đạo nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân; nâng cao chất lượng các tiêu chí an sinh xã hội như văn hóa, giáo dục, y tế, cảnh quan môi trường nông thôn theo hướng bền vững.

Trong quá trình thực hiện, cấp ủy, chính quyền huyện tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cách thức tiếp cận theo hướng từ cơ sở thôn, bản; giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo các phần việc cụ thể cho cấp cơ sở và cộng đồng thôn đảm nhiệm nhằm phát huy tối đa nội lực và tinh thần chủ động, sáng tạo của người dân và cộng đồng dân cư theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Xây dựng kế hoạch, xác định lộ trình cụ thể, phân công rõ trách nhiệm để thực hiện Chương trình phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Bí thư Chi bộ thôn Bản Máy, xã Bản Máy, Lục Xuân Hương cho biết: Việc giao trực tiếp nhiệm vụ cho thôn, bản và cộng đồng dân cư đã giúp người dân hiểu rõ hơn quyền lợi, trách nhiệm của mình trong xây dựng NTM. Trong quá trình triển khai thực hiện, mọi vấn đề liên quan đều được Ban cán sự thôn công khai, minh bạch, lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Khi người dân hiểu, tin tưởng thì việc huy động sức dân thực hiện các tiêu chí NTM rất thuận lợi, dễ dàng.

Để nâng cao đời sống nhân dân, góp phần thực hiện thành công tiêu chí thu nhập và hộ nghèo trong xây dựng NTM, Hoàng Su Phì tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch; triển khai hiệu quả Chương trình OCOP. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào các dự án nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản, thực phẩm; xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm có thế mạnh của địa phương. Tăng cường liên doanh, liên kết sản xuất, phát triển các mô hình kinh tế hợp tác nhằm khắc phục những hạn chế của sản xuất cá thể, nông hộ nhỏ lẻ, hình thành chuỗi sản xuất bền vững, giúp người dân nâng cao thu nhập. Cùng với đó, chú trọng các hoạt động đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng lao động tại địa phương.

Bên cạnh việc lồng ghép các nguồn lực đầu tư, huyện cũng tăng cường huy động sự tham gia đóng góp tự nguyện của cộng đồng dân cư, người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động “Ngày thứ Bảy hướng về NTM” với những công trình, phần việc cụ thể, có sự tham gia thường xuyên, liên tục của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức từ các phòng, ban chuyên môn của huyện đến cơ sở để thúc đẩy phong trào thi đua xây dựng NTM. Từ đó, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn.

Bài, ảnh: YÊN HOA


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nâng cao năng lực tiếp cận thị trường và tiêu thụ nông sản
BHG - Thời gian qua, khi các hoạt động xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh hoạt động cầm chừng do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở Công thương đã tích cực phối hợp với các ngành, tham mưu cho UBND tỉnh đổi mới phương thức xúc tiến thương mại; tư vấn, hướng dẫn cho các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh thực hiện giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Qua đó đã góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX nâng cao năng lực tiếp cận thị trường và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thuận lợi.
20/06/2022
Sức sống mới ở xã NTM Liên Hiệp
BHG - Đây là chè Nà Ôm, chất lượng OCOP của Liên Hiệp sau gần 1 năm về đích NTM. Nước màu cánh dán, hương nhẹ, vị chát ngọt kèm theo chút ngầy ngậy béo. Thật tuyệt vời. Khoe sản phẩm OCOP chè, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Liên Hiệp (Bắc Quang), Hoàng Văn Chuông kéo tay tôi: Chúng mình vào Nà Ôm xem cho thực tế...
19/06/2022
PCI xác định “điểm nghẽn” trong điều hành kinh tế
BHG - Mặc dù chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 của tỉnh ta tăng 2 bậc so với năm 2020 nhưng vẫn xếp hạng ở nhóm tương đối thấp so với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Thông qua PCI giúp chính quyền tỉnh xác định rõ ưu thế cũng như “điểm nghẽn” trong điều hành kinh tế. Từ đó, đưa ra quyết sách phù hợp để điều hành kinh tế hiệu quả, thúc đẩy doanh nghiệp (DN) thuộc khu vực kinh tế tư nhân phát triển.
19/06/2022
Xây dựng thôn phát triển toàn diện ở thị trấn Đồng Văn
BHG  - Thị trấn Đồng Văn là trung tâm chính trị, văn hóa, du lịch của huyện Đồng Văn. Với tiềm năng, thế mạnh riêng, thị trấn được quy hoạch gắn với phát triển du lịch bền vững của tỉnh, huyện. Để thúc đẩy phát triển đồng đều giữa các vùng, các thôn, tổ dân phố trên địa bàn, cấp ủy, chính quyền thị trấn đã triển khai kế hoạch xây dựng các thôn phát triển toàn diện. Trong đó, Lùng Lú là thôn được chọn làm điểm, bước đầu tạo hiệu ứng tích cực, thúc đẩy phong trào xây dựng quê hương trong đông đảo tầng lớp nhân dân.
17/06/2022