Bền bỉ dòng vốn tín dụng “Tam nông”
BHG - Phát huy vai trò trụ đỡ cho sự phát triển lĩnh vực “Tam nông”, những năm qua, Agribank Hoàng Su Phì đã tập trung nguồn vốn tín dụng và triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, sát cánh cùng nông dân vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu.
Khách hàng giao dịch tại Agribank Hoàng Su Phì. |
Là khách hàng quen thuộc của Agribank Hoàng Su Phì, anh Lù Văn Chương, thôn Nắm Ản, xã Tụ Nhân đã nhiều lần vay vốn tại ngân hàng để phát triển chăn nuôi hàng hóa. Từ năm 2018, gia đình anh đã vay 300 triệu đồng để nuôi trâu hàng hóa theo chính sách Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh. Sau đó vài năm, anh đã trả hết nợ cho ngân hàng và tiếp tục vay vốn để đầu tư, mở rộng quy mô chuồng trại. Hiện, gia đình anh luôn duy trì số lượng đàn trâu từ 10 – 15 con theo hình thức nuôi vỗ béo. Ngoài ra, xây dựng chuồng trại nuôi lợn nái với số lượng 40 con để xuất bán con giống cho các hộ chăn nuôi. Tận dụng chất thải từ chăn nuôi, anh xây dựng bể hơn 300 m2 nuôi giun Quế để chăn nuôi gà và làm phân bón cho cây trồng. Anh Chương cho biết: “Nhờ có nguồn vốn, sự giúp sức kịp thời của Agribank mà gia đình tôi có kinh phí để phát triển mô hình, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống”.
Là địa phương có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho sự sinh trưởng, phát triển của cây chè Shan tuyết, tuy nhiên hầu hết người dân chỉ sản xuất quy mô nhỏ với phương thức sao, sấy thủ công nên giá trị kinh tế từ cây chè chưa cao. Nhận thức rõ điều đó nên anh Nguyễn Đức Thiệu, thôn Khu Chợ, xã Thông Nguyên đã mạnh dạn vay hàng tỷ đồng từ Agribank huyện để đầu tư dây chuyền sản xuất, chế biến chè. Anh Thiệu chia sẻ: “Từ năm 2007, gia đình tôi đã mạnh dạn vay vốn từ Agribank để đầu tư chế biến chè. Vài năm sau, tôi lại tiếp tục vay vốn để mở rộng quy mô sản xuất, đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập khá. Đặc biệt, 2 năm trở lại đây, trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19, tôi và nhiều khách hàng khác đã được giảm lãi xuất theo ưu đãi của ngân hàng, giúp chúng tôi chủ động hơn trong việc duy trì, khôi phục sản xuất sau dịch bệnh”.
Những năm qua, Agribank Hoàng Su Phì đã triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng, chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển nông nghiệp, nông thôn và giảm nghèo bền vững. Đồng thời, không ngừng nỗ lực đổi mới cách thức phục vụ, chủ động đến tận xã, thôn đồng hành cùng bà con trong quá trình vay vốn và phát triển sản xuất. Trong bối cảnh chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, Chi nhánh đã triển khai nhiều biện pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị tác động bởi dịch bệnh. Qua đó, giúp nhiều doanh nghiệp, HTX và người lao động trên địa bàn vượt qua thời điểm khó khăn; tiếp tục khôi phục sản xuất, kinh doanh sau đại dịch. Tính đến 30.4.2022, tổng dư nợ nội bảng của Chi nhánh đạt 441 tỷ 227 triệu đồng; so với đầu năm tăng 10 tỷ 143 triệu đồng, tỷ lệ tăng 2,3%.
Cùng với đó, Agribank Hoàng Su Phì còn tích cực chuyển đổi số, tạo điều kiện cho khách hàng được khai thác nhiều ứng dụng trên nền tảng công nghệ, đáp ứng nhu cầu giao dịch mọi lúc, mọi nơi của khách hàng. Triển khai các dịch vụ tại địa bàn nông thôn như thanh toán tiền điện, nước, gửi tiền tiết kiệm online... Thời gian tới, Chi nhánh tiếp tục thực hiện đa dạng các chương trình cho vay phục vụ phát triển ngành nghề nông nghiệp, nông thôn.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc