Phát triển nông nghiệp bền vững
BHG - Chuyển đổi mạnh mẽ tư duy từ mở rộng diện tích, tăng năng suất, sản lượng sang phát triển trọng tâm, trọng điểm, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng giá trị canh tác, đem lại hiệu quả kinh tế cao - đó là chia sẻ của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hoàng Hải Lý về mục tiêu tái cơ cấu, phát triển ngành Nông nghiệp tỉnh ta trong năm vừa qua và giai đoạn tới.
Sản phẩm cam niên vụ 2021-2022 có chất lượng và giá trị cao hơn những năm trước, đem lại thu nhập lớn cho người dân. |
Theo đánh giá, giai đoạn 2015 – 2020, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh cơ bản hoàn thành các mục tiêu đặt ra như mở rộng quy mô sản xuất, tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa và chuẩn hóa các tiêu chuẩn sản xuất VietGAP, hữu cơ, an toàn thực phẩm… đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Tốc độ tăng trường của ngành Nông nghiệp đạt 3,93%/năm. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 42 vạn tấn, đảm bảo an ninh lượng thực và một phần trở thành hàng hóa. Duy trì phát triển trên 8.000 ha cam, khoảng 20.000 ha chè; trong đó diện tích cam VietGAP hiện có gần 3.700 ha, chè VietGAP 5.000 ha, chè hữu cơ 4.600 ha. Toàn tỉnh có trên 277 nghìn con trâu, bò, với 165 gia trại, trang trại quy mô lớn. Giá trị canh tác/đơn vị diện tích đất đạt 50 triệu đồng/ha.
Với đặc thù một tỉnh trên 80% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn, ngành Nông nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế và sự phát triển của tỉnh. Trong 17 chỉ tiêu chủ yếu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đặt ra trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, có 4 chỉ tiêu lớn liên quan trực tiếp đến kết quả phát triển nông, lâm nghiệp như: Tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân 5 năm đạt 8%; thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng/năm (năm 2025), tỷ lệ hộ nghèo duy trì giảm 4%/năm; tỷ lệ che phủ rừng đạt 60%. Đồng thời 2/3 đột phá của Nghị quyết cũng tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp là: Phát triển du lịch, nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị và tạo sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, cho nhân dân.
Mô hình cải tạo vườn tạp trồng rau ở xã Sảng Tủng (Đồng Văn). |
Đưa nghị quyết Đảng bộ tỉnh vào cuộc sống, tiếp tục tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành 4 nghị quyết chuyên đề triển khai trong giai đoạn 2021-2025 về: Cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững; phát triển bền vững cây cam Sành; phát triển lâm nghiệp bền vững; phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị. Các nghị quyết khẳng định rõ định hướng, quan điểm phát triển ngành Nông nghiệp của tỉnh hướng vào trọng tâm, trọng điểm, chú trọng nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, hiệu quả kinh tế cao, tập trung ưu tiên phát triển các loại cây trồng, vật nuôi đặc trưng, chủ lực, giá trị như: Cam, chè Shan tuyết, cây ăn quả ôn đới, dược liệu, gạo chất lượng cao và con bò vàng, lợn đen, mật ong Bạc hà. Cùng với đó chuyển đổi tư duy của người dân trong sản xuất nông nghiệp, khai thác tối đa tiềm năng đất đai bằng cải tạo vườn tạp, đồi tạp không cho thu nhập hoặc cho thu nhập thấp nhằm nâng cao giá trị canh tác, tăng thu nhập.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hoàng Hải Lý cho biết: Ngành Nông nghiệp xác định tư duy tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai các nhiệm vụ là không tập trung tăng trưởng số lượng, lấy tăng trưởng về giá trị làm trọng tâm, làm đến đâu, chắc đến đó. Xác định các vùng có lợi thế về khí hậu và thổ nhưỡng, từ đó thống nhất với các địa phương định hình vùng sản xuất, đưa ra định hướng sản xuất cụ thể cho các sản phẩm, nâng cao giá trị cây trồng, vật nuôi lợi thế, chủ lực. Đồng thời rà soát lại các sản phẩm OCOP, tập trung hỗ trợ phát triển các sản phẩm có đủ số lượng, chất lượng xây dựng mối liên kết giữa người dân, doanh nghiệp, HTX để hình thành chuỗi sản xuất giá trị chất lượng cao. Khai thác nền tảng công nghệ số trong quảng bá, tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm.
Thực tế đã chứng minh, việc phân vùng sản xuất tập trung như: Phát triển cây cam ở các huyện vùng thấp; cây chè ở các huyện phía Tây và một số địa phương vùng thấp, thành phố Hà Giang; cây Lê ở Đồng Văn, Mèo Vạc; cây Hồng không hạt ở Quản Bạ, Yên Minh; cây mận địa phương ở Hoàng Su Phì, Xín Mần; cây dược liệu ở Quản Bạ; cây Bạc hà phục vụ nuôi ong lấy mật ở 4 huyện vùng Cao nguyên đá; rau màu ở Vị Xuyên, Quản Bạ, thành phố Hà Giang… đã đem lại hiệu quả bước đầu. Năm 2021, nhiều sản phẩm như cam, chè, mật ong, thịt bò, lợn… được đưa lên các sàn giao dịch điện tử và hệ thống mạng xã hội tiêu thụ. Niên vụ cam 2021-2022, trên 100 tấn cam được tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử; hàng nghìn tấn cam được tiêu thu trong các chuỗi cửa hàng, siêu thị ở các thị trường lớn như Hà Nội; giá thành cam tại vườn đạt khoảng 10 -12 nghìn đồng/kg, cao hơn gần 2 lần so với những năm trước. Sản phẩm chè Shan tuyết của các thương hiệu lớn như Phìn Hồ, Tây Côn Lĩnh có giá bình quân 1 -2 triệu đồng/kg trở lên, tiêu thụ ở nhiều quốc gia trên thế giới…
Dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do dịch Covid – 19, dịch bệnh hại trên cây trồng, vật nuôi, nhưng với những bước chuyển căn bản trong tư duy, điều hành và tổ chức thực hiện, ngành Nông nghiệp của tỉnh vẫn có sự tăng trưởng cao: Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2021 (theo giá hiện hành) đạt trên 13.980 tỷ đồng, tăng 9,47% so với năm 2020; trồng rừng tập trung được 6.281,9 ha, tăng 10,36% so với cùng kỳ năm 2020; đến nay đã có 3.090 hộ đã cải tạo vườn tạp, với tổng diện tích vườn được cải tạo trên 300 ha; cải tạo trên 200 ha cam; có gần 40 dự án/kế hoạch liên kết sản xuất được tỉnh, huyện xem xét, thông qua, thực hiện… Thương hiệu, giá trị các sản phẩm chủ lực đã nâng lên rõ rệt, góp phần nâng giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân/ha đất canh tác đạt 53,03 triệu đồng… Khẳng định hướng đi đúng và là tiền đề để ngành Nông nghiệp hoàn thành các mục tiêu tái cơ cấu trong giai đoạn tới.
Bài, ảnh: DUY TUẤN
Ý kiến bạn đọc