Hội nghị trực tuyến về quy hoạch phát triển điện lực quốc gia
BHG - Sáng 15.4, Chính phủ tổ chức họp trực tuyến toàn quốc về quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì tại điểm cầu Hà Nội. Dự tại điểm cầu Hà Giang có lãnh đạo một số sở, ngành.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Giang |
Hiện nay, sự phát triển của ngành điện Việt Nam đang gặp nhiều thách thức khi nhu cầu điện tiếp tục tăng cao; nguồn năng lượng sơ cấp đang dần cạn kiệt và khả năng cung cấp hạn chế, dẫn đến sớm phải nhập khẩu nhiên liệu; các yêu cầu ngày càng khắt khe hơn về bảo vệ môi trường trong hoạt động điện lực… Do vậy, để đảm bảo cung cấp điện ổn định, phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của đất nước, cần thiết phải xây dựng Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quy hoạch sẽ định hướng tương lai phát triển của ngành điện; định lượng các giá trị mục tiêu cung cấp điện; xác định quy mô, tiến độ và phân bổ không gian của các công trình nguồn điện, lưới điện và đề xuất các giải pháp thực hiện quy hoạch. Mục tiêu của quy hoạch sẽ đáp ứng đầy đủ điện năng trong mọi tình huống và đáp ứng nhu cầu phát triển.
Đối với Hà Giang, hiện trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt 77 dự án thủy điện với tổng công suất lắp máy hơn 1.000 MW. Có 36 nhà máy thủy điện đang phát điện vào lưới điện Quốc gia; đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế, an sinh xã hội của tỉnh…
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh, quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 đã đáp ứng đầy đủ điện năng trong mọi tình huống. Đây sẽ là cơ sở tài liệu để các đơn vị tính toán, phân tích, đánh giá sự phát triển của ngành điện lực trong thời kỳ quy hoạch trước, chỉ ra các tồn tại và bài học kinh nghiệm; đánh giá tác động của dịch COVID -19 tới tốc độ tăng trưởng kinh tế và dự báo nhu cầu sử dụng điện. Đối với các đề xuất tại hội nghị, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công thương từng bước nghiên cứu, hoàn thiện Quy hoạch để khi ban hành đáp ứng nhu cầu về năng lượng trong phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên phát triển các nguồn thủy điện, nhất là các dự án lợi ích tổng hợp; đưa nhà máy thuỷ điện tích năng vào vận hành phù hợp với phát triển của hệ thống điện quốc gia nhằm nâng cao hiệu quả vận hành của hệ thống điện. Tiếp tục quan tâm, đầu tư xây dựng hạ tầng cung cấp điện, phấn đấu đến năm 2030 sẽ đưa điện lưới quốc gia tới mọi miền của đất nước, vùng sâu, vùng xa, biên cương, hải đảo...
Tin, ảnh: VĂN NGHỊ
Ý kiến bạn đọc