Đổi thay ở xã Vĩnh Hảo

11:12, 11/04/2022

BHG - Sau hơn 3 năm thực hiện Nông thôn mới (NTM) nâng cao ở xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang) có những đổi thay rất đáng ghi nhận: Hạ tầng được xây dựng khá hoàn thiện; đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng cao.

Chăn nuôi gà Hoà Bình liên kết với doanh nghiệp đang trở thành phong trào của người dân xã Vĩnh Hảo.
Chăn nuôi gà Hoà Bình liên kết với doanh nghiệp đang trở thành phong trào của người dân xã Vĩnh Hảo.

Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Hảo, Hoàng Văn Xuân cho biết: Xây dựng NTM nâng cao ở Vĩnh Hảo tập trung trước mắt vào 2 việc là: Hoàn thiện hệ thống đường giao thông nông thôn và chuyển đổi các mô hình phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập cho người dân. Để đạt được mục tiêu về hạ tầng giao thông Vĩnh Hảo đã huy động gần như mọi nguồn lực để lo cho dân. Năm 2019, UBND xã Vĩnh Hào rà soát lại toàn bộ hệ thống đường giao thông nông thôn, đường liên thôn, xóm. Qua đó, xây dựng phương án cứng hoá bê tông cho từng đoạn đường chưa hoàn thiện của mỗi thôn; sau khi rà soát, đánh giá thực tiễn UBND xã Vĩnh Hảo tiến hành họp bàn với nhân dân. Các phương án đóng góp làm đường bê tông được công khai chi tiết của từng đoạn đường, đến từng thôn rồi đưa ra cho dân bàn, góp ý. Cũng qua đó, động viên tinh thần tự lực, tự cường từ cơ sở, để lấy sức dân làm đườg và cũng là để người dân hưởng thụ. Sau gần 2 năm kiên trì triển khai vừa làm, vừa thuyết phục, Vĩnh Hảo cơ bản làm xong gần 7 km đường bê tông về các thôn bản hoàn toàn bằng sức dân đóng góp. Có một hạ tầng tốt, UBND xã tiếp tục cắt cử cán bộ vào thôn bàn bạc với người dân thay đổi cách thức làm ăn mới. Trước mắt, có 2 cây trồng chủ lực là cam và chè được chuyển hướng chăm bón. Từ bỏ cách làm “ăn sổi ở thì” sang thâm canh theo hướng VietGap, hữu cơ. Tính đến cuối năm 2021, gần như toàn bộ diện tích cam trong xã có gần 500 ha, chè có trên 700 ha là 2 cây trồng chủ lực đều được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGap. Sản phẩm chủ lực đạt chất lượng an toàn đã nâng cao giá trị cho người sản xuất. Thực tiễn cho thấy: Giá bán cam Sành tiêu chuẩn VietGap của Vĩnh Hảo gần đây nhất đạt mức cao kỷ lục lên tới 35 – 37 ngàn đồng/kg; giá bán chè búp tươi đầu Xuân này cũng tăng khoảng 15% về giá bán so cùng kỳ và được khách hàng chấp nhận. Anh Hoàng Văn Thắng, Giám đốc HTX cam Sành VietGap xã Vĩnh Hảo, cho biết: Giá bán cam cao là nhờ bà con trong xã thay đổi cách chăm bón, tiếp cận thị trường. Phương châm phát triển của bà con trồng cam, chè cũng được xác định là, ổn định về diện tích, gia tăng về giá trị để ổn định giá bán, thị trường tiêu dùng và cũng là ổn định sản xuất, thu nhập cho người làm nông. Các HTX ở Vĩnh Hảo ngày càng liên kết chặt với nhau để cùng tổ chức sản xuất, tổ chức bán hàng. Còn người nông dân trong xã bây giờ chỉ chuyên lo một việc là làm ra những sản phẩm nông sản tốt nhất cung cấp cho tiêu dùng.

Trang trại nuôi bò nhập ngoại Braman của anh Mạc Văn Tỉnh, thôn Thống Nhất mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trang trại nuôi bò nhập ngoại Braman của anh Mạc Văn Tỉnh, thôn Thống Nhất mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, nông dân Vĩnh Hảo cũng có nhiều cách làm mới hiệu quả. Anh Mạc Văn Tỉnh, thôn Thống Nhất nói về cách lập trang trại nuôi bò thịt giống nhập ngoại của mình. Đầu năm 2020, gia đình anh nhập 20 con bò giống Braman của Campuchia về nuôi với giá mua là 22 triệu đồng/con. Đến cuối năm 2021, tức chỉ sau 1 năm nuôi anh bán đàn bò với giá bán bình quân là 46 triệu đồng/con. Đầu năm 2022, gia đình anh tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất với nhiều hứa hẹn cho tương lai. Anh Tỉnh cho biết thêm: Bò Braman Campuchia là giống bò có khả năng thích nghi rộng, sức sống khoẻ, ít dịch bệnh; chất lượng thịt cao, rất thơm ngon được thị trường chấp nhận; thị phần còn rất lớn để người chăn nuôi mở rộng sản xuất. Nuôi bò lấy thịt để bán, lấy phân bò để trồng trọt cũng là cách làm nông nghiệp khép kín. Đó là cách làm khoa học, hiệu quả trong chuyển đổi tư duy làm kinh tế nông nghiệp ở Vĩnh Hảo hiện nay. Còn anh Cấn Văn Phú lại xây dựng chuồng trại chuyên nuôi lợn thương phẩm cho biết: Với 380 m2 chuồng nuôi lợn thịt quay vòng 3 lứa/năm. Trong năm 2021, gia đình anh Phú có doanh thu trên 2 tỷ đồng nhờ nuôi lợn thịt, đem lại lợi nhuận không hề nhỏ với nhà nông trong giai đoạn hiện nay.

Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Hảo, Hoàng Văn Xuân cho biết: Vĩnh Hảo hiện có gần 30 mô hình chuyển đổi cách làm mới từ trồng trọt đến chăn nuôi. Tất cả các mô hình đều dựa vào lợi thế về đất đai, sức lao động tại chỗ. Song, quan trọng nhất là tất cả số mô hình chuyển đổi đều làm theo xu hướng sản xuất sạch, gắn với bảo vệ môi trường và xu hướng tiêu dùng sản phẩm OCOP, chất lượng VietGap, hữu cơ. Sản xuất gắn với nhu cầu thị trường đang trở thành cách làm bắt buộc để tạo ra sản phẩm hàng hoá. Kiên quyết không làm tràn lan, làm theo phong trào đám đông để tránh tình trạng được mùa lại mất giá. Vĩnh Hảo đang nỗ lực động viên, khuyến khích người nông dân tham gia vào các tổ chức HTX hoặc Tổ hợp tác để cùng làm, cùng quảng bá và tiêu thụ sản phẩm địa phương ra toàn quốc.

Chỉ sau hơn 2 năm thực hiện xây dựng NTM nâng cao ở Vĩnh Hảo đã khơi dậy nhiều cách thức làm ăn, chỉ đạo hết sức sáng tạo. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo ở Vĩnh Hảo hiện nay chỉ còn 30/1.294 hộ; số hộ khá, giàu 330 hộ theo tiêu chí mới; thu nhập bình quân đầu người tăng trên 41 triệu đồng/người/năm. Sự đổi thay đó đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền cơ sở, đánh dấu sự chuyển biến tích cực trong suy nghĩ của người dân để chuyển hướng làm ăn hiệu quả, gắn với nhu cầu thị trường sản xuất hàng hoá. Tin tưởng, thời gian không xa nữa Vĩnh Hảo sẽ là xã phát triển toàn diện, xây dựng làng quê giàu mạnh, văn minh đáng để sống và đáng để cho mọi người ghé thăm, học hỏi.

Bài, ảnh: Nguyễn Hùng


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thúc đẩy kinh tế rừng gỗ lớn tại Bắc Quang
BHG - Bình quân mỗi năm, Bắc Quang khai thác trên 1.000 ha rừng kinh tế, cung cấp từ 70.000 – 85.000 m3 gỗ cho chế biến, tiêu dùng (chưa kể đến các Công ty lâm nghiệp trên địa bàn). Năm 2021, Bắc Quang có độ che phủ rừng đạt tới 66,5% được đánh giá cao nhất tỉnh. Phát triển kinh tế rừng, đặc biệt là rừng gỗ lớn đã, đang mang lại giá trị “kép” cho nền kinh tế...
31/03/2022
Thành quả lớn từ sự chung sức, đồng lòng của nhân dân
BHG - Sau hơn 10 năm triển khai, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) đã thực sự tạo ra những thay đổi lớn đối với cuộc sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 47/175 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, kinh tế ngày càng khởi sắc, diện mạo nông thôn đổi thay rõ rệt.
30/03/2022
Giao ban tiến độ sản xuất nông, lâm nghiệp 3 tháng đầu năm
BHG - Chiều 30.3, Sở NN&PTNT đã chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến về tiến độ sản xuất nông, lâm nghiệp quý I-2022. Đồng chí Hoàng Hải Lý, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở NN&PTNT chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Sở, Thường trực UBND huyện, thành phố và Phòng NN&PTNT tại điểm cầu các huyện, thành phố.
30/03/2022
Agribank Quản Bạ hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả
BHG - Trong những năm qua, từ nguồn vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh huyện Quản Bạ đã giúp nhân dân trên địa bàn huyện có điều kiện phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Agribank Quản Bạ dần trở thành ngân hàng quen thuộc với nông dân, là người bạn đồng hành cùng nông dân trong quá trình giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
29/03/2022