Cây chè cổ thụ xã Đường Hồng cần được bảo tồn, xây dựng thương hiệu

15:37, 26/04/2022

BHG - Xã Đường Hồng (Bắc Mê) hiện có 39 ha cây chè; trong đó có hàng nghìn cây chè cổ thụ, tuổi đời từ 50 - 100 năm. Đây là cơ hội để địa phương xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị những cây chè cổ, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ dân. Thế nhưng, hiện vẫn chưa có cá nhân, tổ chức nào đến cùng xã xây dựng thương hiệu chè cổ thụ này.

Chè cổ tại xã Đường Hồng trồng phân tán trên những ngọn núi cao.
Chè cổ tại xã Đường Hồng trồng phân tán trên những ngọn núi cao.

Đi bộ vượt dốc gần 1 tiếng đồng hồ, chúng tôi cũng đến được đồi chè của thôn Khuổi Luông, ngỡ ngàng khi những cây chè cổ thụ hiện ra trước mắt. Theo người dân ở đây, bên những cách rừng của xã Đường Hồng có trên 5 ha chè cổ thụ, tập trung tại các thôn Khuổi Luông, Bản Đúng, Nà Lầu với tuổi đời hàng trăm năm vẫn đang xanh tốt. Riêng thôn Khuổi Luông có trên 2.000 cây chè cổ.

Ông Triệu Văn Sếnh, Trưởng thôn Khuổi Luông cho biết: Diện tích cây chè cổ toàn thôn hiện có hơn 2.000 cây. Có những gia đình hiện đang chăm sóc hàng trăm cây chè cổ từ thế hệ trước để lại. Chưa biết hết giá trị của những cây chè cổ, nhiều hộ vẫn xem những cây chè này như mọi cây chè bình thường khác, thu hái về cũng chỉ để dùng hoặc cho người thân, bạn bè. Rất mong các cơ quan chuyên môn quan tâm đến giá trị của cây chè cổ thụ, quảng bá, giới thiệu cho nhiều người biết đến, đồng thời, giúp đỡ chúng tôi về kỹ thuật, chăm sóc và đầu ra cho sản phẩm để lưu giữ, bảo tồn giá trị cây chè cổ thụ.

Cây chè cổ có đường kính 120 cm tại thôn Khuổi Luông.
Cây chè cổ thụ tại thôn Khuổi Luông.

Bà Hoàng Thúy Trịch, Chủ tịch UBND xã Đường Hồng cho biết: Xã đang tuyên truyền, vận động bà con nhân rộng diện tích chè, đặc biệt là duy trì và bảo tồn diện tích chè cổ thụ. Tuy nhiên để bà con có kiến thức về chất lượng cũng như cách chăm sóc, xã đề nghị các cơ quan chức năng, ngành chuyên môn hỗ trợ kỹ thuật hướng dẫn người dân thu hái chè đúng quy trình không để ảnh hưởng đến chất lượng, sự sinh trưởng và phát triển của cây.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc HTX chè Kiên Giang chia sẻ: Sau khi đơn vị đến kiểm tra, khảo sát cây chè cổ thụ tại thôn Khuổi Luông, theo cảm quan của chúng tôi, chất lượng cây chè rất có giá trị. Chè có nhiều tuyết trắng, chè đậm, ngọt hậu. HTX sẽ kết hợp với chính quyền và bà con trên vùng nguyên liệu chè thu mua theo giá thỏa thuận. Tuy nhiên đơn vị cũng có ý kiến với các cơ quan, ngành chuyên môn cần quan tâm hơn nữa, nhất là việc duy trì, bảo tồn và phát triển cây chè cổ thụ này để không bị mai một.

Thu hái chè cổ thụ ở thôn Khuổi Luông.
Thu hái chè cổ thụ ở thôn Khuổi Luông.

Việc bảo tồn, gìn giữ và phát triển chè cổ thụ trên địa bàn xã vẫn chưa được quan tâm một cách thỏa đáng. Hơn nữa, số diện tích chè cổ thụ đều ở các thôn bản vùng cao, hầu như không được đầu tư thâm canh. Do điều kiện tự nhiên và sinh thái phù hợp nên giống chè đã được người dân trồng từ hàng trăm năm nay theo phương thức phân tán. Do đặc thù vùng khí hậu và chất đất đã tạo nên hương vị đặc trưng riêng của cây chè nơi đây. Tuy nhiên, việc bảo tồn, quảng bá và phát huy chè cổ tại xã Đường Hồng nói riêng và một số xã khác của huyện trong thời gian qua chưa được các cấp, ngành chuyên môn thường xuyên chỉ đạo và có các giải pháp phù hợp nhằm tuyên truyền, hướng dẫn người dân mở rộng diện tích, đầu tư thâm canh để tăng năng suất, đem lại nguồn thu nhập cho người dân.

Thiết nghĩ, để bảo tồn và phát triển chè cổ tại xã Đường Hồng, tiến tới xây dựng thương hiệu chè cổ thụ, cấp có thẩm quyền của huyện Bắc Mê cần sớm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khảo sát, nghiên cứu thực địa, xây dựng dự án hỗ trợ cải tạo toàn bộ diện tích chè cổ thụ hiện có. Đối với cấp ủy, chính quyền cơ sở (nơi có chè cổ thụ) chủ động tuyên truyền, vận động nhân dân bảo tồn, chăm sóc, phát huy giá trị của chè, tích cực tìm kiếm thị trường để tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm quý hiếm này.

Bài, ảnh: Văn Quân


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

“Gỡ khó” phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số
BHG - Từ kết quả phân định xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi theo trình độ phát triển, tỉnh ta đã khảo sát, đánh giá sự hụt giảm, thay đổi chính sách sau khi các xã, thôn ra khỏi danh sách vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK); huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm “gỡ khó”, phát triển bền vững KT-XH vùng đồng bào DTTS...
25/04/2022
Hà Giang đăng ký 6 mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025
BHG - Tính đến hết năm 2021, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh ta có 1 đơn vị cấp huyện (thành phố Hà Giang) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 47 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; có 11 xã đạt 15-18 tiêu chí, 115 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, 92 xã đạt từ 9 tiêu chí trở xuống, 69 thôn NTM.
24/04/2022
Hiệu quả liên kết trồng ngô sinh khối ở Vị Xuyên
BHG - Trồng ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi cho hiệu quả cao hơn so với trồng ngô thu hạt truyền thống. Ngô sinh khối ít chịu ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết hơn, thời gian sinh trưởng ngắn, cho hiệu quả kinh tế cao.
22/04/2022
Giá xăng tăng gần 700 đồng một lít

Từ 15h hôm nay, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 660 đồng, RON 95 tăng 680 đồng và dầu tăng 800-970 đồng một lít.


21/04/2022