Thúc đẩy kinh tế rừng gỗ lớn tại Bắc Quang
BHG - Bình quân mỗi năm, Bắc Quang khai thác trên 1.000 ha rừng kinh tế, cung cấp từ 70.000 – 85.000 m3 gỗ cho chế biến, tiêu dùng (chưa kể đến các Công ty lâm nghiệp trên địa bàn). Năm 2021, Bắc Quang có độ che phủ rừng đạt tới 66,5% được đánh giá cao nhất tỉnh. Phát triển kinh tế rừng, đặc biệt là rừng gỗ lớn đã, đang mang lại giá trị “kép” cho nền kinh tế...
Trồng rừng gỗ lớn đang là xu hướng phát triển kinh tế lâm nghiệp tại Bắc Quang. |
Không khí sản xuất, chế biến nguyên liệu gỗ sôi động nhất tại Bắc Quang là Cụm công nghiệp Nam Quang. Phó Giám đốc nhà máy ván ép công nghệ cao xuất khẩu Công ty TNHH Thương mại Thái Hoàng, Nguyễn Ngọc Thịnh nhận xét: Rất may cho doanh nghiệp đã xây dựng nhà máy ở trọng điểm vùng nguyên liệu gỗ. Từ cuối năm 2017 đến nay chưa khi nào xảy ra khan hiếm nguyên liệu gỗ để sản xuất. Theo thiết kế công suất của nhà máy đạt trên 12.000 m3 ván ép xuất khẩu/năm. Tương đương mỗi tháng, nhà máy cần từ 5.000 – 7.000 m3 gỗ nguyên liệu. Gần như tất cả nguồn nguyên liệu chế biến ván ép xuất khẩu đều được nhà máy thu mua tại địa bàn. Giá thu mua năm 2021 dao động quanh mức 1.200.000đ/m3. Có thời điểm vượt lên trên 1.400.000đ/m3. Tương tự, Nhà máy chế biến Giấy Hải Hà, Nhà máy chế biến gỗ thuộc Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ Bắc Quang... cũng sử dụng hàng trăm mét khối gỗ nguyên liệu từ rừng trồng tại các hộ quanh vùng. Bắc Quang hiện nay đã, đang có hàng trăm cơ sở thu mua, chế biến gỗ từ rừng trồng. Các cơ sở này trải dài, rộng khắp các xã, thị trấn trong huyện. Có một nhận xét rất đáng lưu tâm: Bắc Quang đang trở thành một “công xưởng lớn” về ngành gỗ. Nói như vậy để thấy, gỗ nguyên liệu để phục vụ chế biến, tiêu dùng và xuất khẩu đang có thị trường rất rộng mở. Ngành gỗ nguyên liệu đang tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội cho cả tỉnh, cả vùng. Nhu cầu về sử dụng gỗ đang cần một sản lượng vô cùng lớn để tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp. Thực tiễn đã cho thấy: Xu hướng chuyển đổi đất sản xuất lâm nghiệp ngày một nhiều và hình thành rõ nét ở Bắc Quang. Ý thức của người dân đã chuyển từ sản xuất lâm nghiệp đơn thuần, sang phát có trọng tâm, trọng điểm đó là trồng rừng gỗ lớn.
Báo cáo của UBND huyện Bắc Quang cho biết: Năm qua, Bắc Quang đã đăng ký thay đổi 4.181 ha đất để trồng rừng gỗ lớn. Bình quân, mỗi năm trồng từ 1.000 - 1.500 ha rừng. Trồng rừng đi đôi với xây dựng Chứng chỉ rừng cũng là một cách làm bài bản để nâng cao giá trị của rừng trồng. Hết năm 2021, Bắc Quang đã có gần 2.900 ha rừng trồng gỗ lớn được cấp Chứng chỉ rừng theo hướng phát triển xanh, bền vững FSC. Phát triển trồng rừng kinh tế đã gắn liền với sự phát triển của các nhà máy, cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn. Thực tế cũng ghi nhận: Bắc Quang hiện đang có 5 doanh nghiệp tại Cụm công nghiệp Nam Quang sử dụng trực tiếp nguyên liệu gỗ trồng tại địa bàn. Ngoài ra, trong huyện còn có 98 cơ sở thu mua, chế biến gỗ bóc, gỗ thanh đang hoạt động. Tại các xã đã có ít nhất 4 doanh nghiệp liên kết thuê đất của người dân để trồng rừng. Diện tích cho thuê trong liên kết gần 700 ha. Hết năm 2021, cả 4 doanh nghiệp thuê đất đã trồng được trên 282 ha rừng. Nhu cầu về gỗ nguyên liệu ngày một lớn làm cho nhiều công ty, doanh nghiệp tìm về Bắc Quang để thuê đất, liên kết với người dân trồng rừng, trồng cây dược liệu gắn với rừng...
Tuy nhiên, trồng cây gỗ lớn ở Bắc Quang còn vướng mắc về công tác giao đất, giao rừng còn chậm vì thiếu nguồn lực, nhân lực đo, vẽ bản đồ để lập hồ sơ làm thủ tục giao đất cho người dân. UBND tỉnh, các cơ quan hữu quan của tỉnh, huyện cần có giải pháp đồng bộ để sớm giao đất cho người dân. Thực tế cũng có những doanh nghiệp thuê cơ quan chức năng đo, vẽ bản đồ làm thủ tục cấp quyền sử dụng đất cho mình. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng đã phải đợi mất nhiều năm vẫn chưa có kết quả. Dẫn đến, tiền thì không thấy trả lại, bản đồ thực trạng về đất đai vẫn chìm trong im lặng. Sự việc tuy đơn lẻ nhưng làm cản trở việc đầu tư phát triển kinh tế của đơn vị, địa phương và để lại những hệ lụy không hề nhỏ. Bởi vậy, giải pháp tập trung, làm nhanh gọn để hoàn thiện các thủ tục về đất đai giao kịp thời cho người dân, doanh nghiệp sẽ tạo ra nguồn lực mạnh mẽ để Bắc Quang thúc đẩy phát triển kinh tế trồng rừng gỗ lớn. Và đó cũng là cách để Bắc Quang phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với nhu cầu thị trường. Đồng thời, từng bước nâng cao giá trị sử dụng đất đai, tạo ra đòn bẩy phát triển kinh tế, xã hội bền vững.
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng
Ý kiến bạn đọc