Tạo bứt phá từ nuôi lợn đen Lũng Pù
BHG - Lợn đen Lũng Pù – một giống lợn quý chỉ có ở Mèo Vạc. Giống lợn này được thuần hóa và nuôi dưỡng từ lâu đời, có sức đề kháng cao, chất lượng thịt thơm ngon. Đây cũng là giống lợn được Viện Chăn nuôi Quốc gia khẳng định cần được nghiên cứu bảo tồn và khai thác có hiệu quả cho cộng đồng. Với những thuận lợi này, huyện Mèo Vạc đã và đang tập trung phát triển nghề chăn nuôi lợn, qua đó góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của huyện.
Giống lợn đen Lũng Pù có sức đề kháng tốt, chất lượng thịt cao, được người tiêu dùng ưa chuộng. |
Chăn nuôi lợn có vai trò quan trọng trong chăn nuôi ở Mèo Vạc, đứng thứ hai sau nuôi bò. Thực hiện chủ trương phát triển chăn nuôi lợn hàng hóa, những năm qua, tổng đàn lợn của huyện tăng khá mạnh, bình quân tăng trưởng 9,96%/năm. Đến hết năm 2021, toàn huyện có trên 39.000 con lợn đen Lũng Pù (chiếm 40,01% tổng đàn gia súc của huyện), sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 1.500 tấn (chiếm 46,37% tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng của huyện), giá trị sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 127,5 tỷ đồng (chiếm 32,85% tổng giá trị sản lượng các loại thịt hơi xuất chuồng). Đến nay, đã có một sản phẩm thịt lợn đen Lũng Pù của Hợp tác xã (HTX) Tuấn Dũng (thị trấn Mèo Vạc) được công nhận sản phẩm đạt sao OCOP cấp tỉnh.
Để có kết quả trên, huyện Mèo Vạc tập trung triển khai, thực hiện nhiều giải pháp, như chú trọng công tác bảo tồn và phát triển giống lợn đen Lũng Pù, phòng, chống dịch bệnh… Hiện nay, trên địa bàn huyện có một tổ chức thực hiện bảo tồn và phát triển giống lợn đen Lũng Pù là HTX Tuấn Dũng. HTX hiện đang duy trì nuôi hơn 100 lợn nái sinh sản, 300 lợn thịt thương phẩm; hàng năm xuất bán ra thị trường khoảng 1.500 lợn giống có chất lượng tốt. Cùng với đó, từ nguồn vốn của các Chương trình 30a, 135 và nguồn ngân sách địa phương, huyện triển khai thực hiện nhiều mô hình phát triển chăn nuôi lợn hiệu quả. Đơn cử như mô hình chăn nuôi sản xuất giống lợn đen theo hình thức gia trại tại xã Lũng Pù; mô hình chăn nuôi lợn nái sinh sản xã Khau Vai; dự án chăn nuôi lợn xã Pả Vi…
Tuy nhiên, việc phát triển sản phẩm lợn đen Lũng Pù trong giai đoạn vừa qua còn một số hạn chế, cần khắc phục như: Tổ chức sản xuất thực hiện chưa tốt dẫn đến phát triển quy mô chăn nuôi, sản lượng thịt lợn còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng của huyện, chưa đáp ứng nhu cầu thị trường; việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi còn chậm; công tác sản xuất lợn giống, chế biến thức ăn, quy trình kỹ thuật chăm sóc, công tác phòng, chống dịch bệnh chưa thực hiện tốt dẫn đến năng suất, sản lượng chăn nuôi thấp, giá thành chi phí sản xuất còn cao, làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm, khó khuyến khích đầu tư phát triển mở rộng sản xuất…
Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mèo Vạc: Khắc phục những hạn chế trên, nhiệm vụ đặt ra hiện nay là tập trung đẩy mạnh phát triển chăn nuôi chuỗi giá trị sản phẩm lợn đen Lũng Pù hàng hóa để tạo công ăn việc làm, giúp người dân nâng cao thu nhập và từng bước giảm nghèo, tiến tới làm giàu cho người dân địa phương. Cơ sở để huyện thực hiện nhiệm vụ này chính là những lợi thế về diện tích đất đai, lực lượng lao động dồi dào, nguồn giống chất lượng tốt, nguồn thức ăn chăn nuôi phong phú. Thêm vào đó, với truyền thống phát triển chăn nuôi lợn có từ lâu đời, người dân đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý trong chọn giống, nuôi dưỡng, chăm sóc phát triển đàn lợn. Đặc biệt, hiện nay có nhiều tài liệu, quy trình kỹ thuật hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi giống lợn đen Lũng Pù do Bộ Nông nghiệp và PTNT, Viện Chăn nuôi Quốc gia, Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành đã giúp người dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất.
Đến năm 2025, huyện Mèo Vạc đặt mục tiêu phát triển sản phẩm lợn đen Lũng Pù trở thành hàng hóa chủ lực quan trọng, tạo cơ sở để huyện thúc đẩy công tác giảm nghèo nhanh và bền vững, cũng như thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT – XH của địa phương. Để đạt mục tiêu này, nhiều nhiệm vụ, giải pháp được huyện đặt ra, trong đó trọng tâm là nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hành, áp dụng kỹ thuật chăn nuôi, chế biến sản phẩm cho cán bộ kỹ thuật và người chăn nuôi; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chế biến để nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm; tập trung sắp xếp, bố trí lại mô hình tổ chức sản xuất theo hướng sớm phát huy hiệu quả, vai trò động lực của các doanh nghiệp, HTX trong trong chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…
Bài, ảnh: TRẦN KẾ
Ý kiến bạn đọc