Hỗ trợ phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển kinh tế
BHG - Trong những năm qua, công tác hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phong trào giúp hội viên sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Đồng Văn đã và đang triển khai có hiệu quả. Qua đó mở ra nhiều cơ hội cho chị em phụ nữ vươn lên, ổn định cuộc sống, khẳng định vai trò, vị thế trong gia đình và xã hội.
Mô hình phát triển sản phẩm thổ cẩm của HTX Lanh trắng Sà Phìn đã góp phần giải quyết việc làm và tạo nguồn thu nhập ổn định cho nhiều phụ nữ. Ảnh: TƯ LIỆU |
Đồng chí Vương Thị Xuyến, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đồng Văn cho biết: Với mục tiêu khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, sức sáng tạo, phát huy thế mạnh, sở trường của chị em phụ nữ và tạo cơ hội tốt nhất để phụ nữ trong huyện phát huy nội lực, tự tạo việc làm, phát triển kinh tế, góp phần thực hiện chủ trương của tỉnh về phát triển doanh nghiệp và chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Cùng với đó, thực hiện tốt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” của Chính phủ là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Hội đã và đang tích cực triển khai thực hiện. Các chương trình, đề án đã tạo bước đột phá trong tư duy và phương pháp hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh doanh trong giai đoạn mới.
Hội LHPN huyện đã đẩy mạnh phong trào phụ nữ khởi nghiệp và được lan tỏa đến các chi hội, từ đó xuất hiện nhiều gương điển hình. Trong 5 năm qua, các cấp Hội đã hỗ trợ 39/86 phụ nữ khởi sự kinh doanh thành công, thành lập 4 hợp tác xã do Hội Phụ nữ quản lý; duy trì 31 mô hình, tổ phụ nữ liên kết phát triển kinh tế với 380 thành viên; tập trung vào các lĩnh vực như: Chăn nuôi bò vỗ béo, lợn thịt, lợn nái sinh sản, trồng rau sạch, thêu dệt thổ cẩm, dệt lanh, nhộm chàm truyền thống… Cùng với đó, Hội LHPN huyện đã hướng dẫn, tuyên truyền cho các cấp Hội xây dựng được 16 ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh và 5 đề án khởi nghiệp thành công.
Bên cạnh đó, công tác dạy nghề, khơi dậy nghề truyền thống cho chị em hội viên, phụ nữ được các cấp Hội quan tâm. Từ năm 2018 đến nay đã mở được 73 lớp dạy nghề cho 2.190 chị em, chủ yếu đào tạo nghề thêu dệt thổ cẩm và cắt may trang phục dân tộc, kỹ thuật chăn nuôi, kỹ thuật trồng nấm... Ngoài ra, Hội LHPN huyện còn hỗ trợ, kết nối, giới thiệu sản phẩm thêu dệt thổ cẩm của dân tộc Mông đến thị trường trong và ngoài nước, các hội chợ triển lãm; đưa các sản phẩm thêu, dệt thổ cẩm từ vải lanh lên sàn giao dịch AFDEX của Hội Nông dân Việt Nam giới thiệu cho bạn bè quốc tế và kết nối với các tổ chức như: UNESCO, Chu La, Đại sứ quán Hà Lan, Đại sứ quán Anh…
Vì vậy, phong trào phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh được lan tỏa đến các chi hội, xuất hiện nhiều gương điển hình như: Chị Sùng Thị Sy, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Nông lâm nghiệp thôn Sà Phìn A, xã Sà Phìn; Vàng Thị Khen, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Minh Khoa, xã Sảng Tủng cho thu nhập bình quân đầu người đạt 20 triệu đồng/năm; mô hình trồng rau sạch Chi hội tổ 2, thị trấn Đồng Văn; trồng hoa hồng Chi hội thôn Xóm Mới, thị trấn Phố Bảng; may trang phục dân tộc chi hội Tả Lủng B, xã Sảng Tủng, khu phố 1, 2 thị trấn Phố Bảng, Sà Phìn B xã Sà Phìn...
Với nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh phát triển kinh tế ở huyện Đồng Văn đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Qua đó, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong đời sống xã hội, đồng thời tạo những đột phá trong công tác Hội và phong trào phụ nữ trên địa bàn tỉnh nói chung, huyện Đồng Văn nói riêng.
Bài, ảnh: Hồng Cừ
Ý kiến bạn đọc