Vững vàng trong gian khó
BHG - Năm 2021, một năm với nhiều biến động trong đời sống KT-XH khi dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát, diễn biến phức tạp, cả hệ thống chính trị phải căng mình ứng phó với đại dịch. Nhưng càng trong khó khăn, thách thức, càng cho thấy sự quyết tâm, đoàn kết, tương thân, tương ái của mọi tầng lớp nhân dân trong thực hiện “mục tiêu kép”, từ đó tiếp tục tạo “thế và lực” cho mảnh đất địa đầu Tổ quốc trên chặng đường phát triển mới.
Sản xuất, chế biến gỗ tại Công ty Công nghiệp và xuất, nhập khẩu Lâm nghiệp Hà Giang (Khu công nghiệp Bình Vàng). |
Chung sức, đồng lòng vượt qua đại dịch
Năm 2021, đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại với cường độ mạnh hơn, tốc độ lây nhiễm tăng gấp nhiều lần. Đặc biệt là từ cuối tháng 10, số địa phương từ “vùng xanh” chuyển sang “vùng cam”, “vùng đỏ” tăng lên nhanh chóng. Trong thời điểm khó khăn, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đã cùng chung một ý chí “chống dịch như chống giặc”, thần tốc truy vết, khoanh vùng, khống chế dịch. Để bảo đảm công tác chỉ đạo được kịp thời, xuyên suốt, nhiều cuộc họp khẩn về phòng, chống dịch đã được tổ chức trực tuyến 3 cấp.
Với mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, tỉnh đã áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh cấp bách, mạnh mẽ, quyết liệt và chưa có tiền lệ. Hàng loạt khu vực bị phong tỏa khẩn cấp, nhiều cơ sở giáo dục được trưng dụng phục vụ công tác phòng, chống dịch. Học sinh toàn tỉnh được nghỉ học, nhiều cán bộ, công chức của các cơ quan, đơn vị thực hiện làm việc tại nhà. Chính trong thời điểm khó khăn, càng thấy rõ tinh thần và ý chí vươn lên vượt mọi thử thách của cả hệ thống chính trị. Nhân dân bình tĩnh, tin tưởng, chung sức, đồng lòng thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Chỉ trong thời gian ngắn, tỉnh ta đã cơ bản khống chế được tình hình dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại trong điều kiện bình thường mới.
Nỗ lực phục hồi, phát triển KT-XH và đảm bảo đời sống cho nhân dân trong tình hình dịch bệnh, tỉnh đã triển khai kịp thời chính sách hỗ trợ cho các đối tượng theo các nghị quyết, quyết định của Chính phủ. Trong đó, đã điều chỉnh giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 940 đơn vị với 10.667 lao động, số tiền giảm là 1.356,6 triệu đồng. Hỗ trợ 9 doanh nghiệp vay để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất đối với 113 lao động, số tiền 955 triệu đồng. Giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp 1,0% cho 953 đơn vị và 11.758 lao động với tổng số tiền 1.188,493 triệu đồng. Giải quyết hưởng hỗ trợ thất nghiệp cho 11.525 lao động với kinh phí hơn 25.600 triệu đồng. Gia hạn thời gian nộp thuế cho 182 tổ chức, cá nhân; giảm giá tiền điện cho 1.924 khách hàng; cơ cấu thời hạn trả nợ tín dụng cho 1.362 khách hàng với tổng giá trị nợ đã được cơ cấu là 665,9 tỷ đồng…
Tạo nền tảng khôi phục, tăng trưởng kinh tế
Năm 2021 là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm, giai đoạn 2021-2025. Do đó, Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh đã năng động, sáng tạo thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phục hồi và phát triển KT-XH một cách hiệu quả. Nhìn lại năm qua, bức tranh toàn cảnh của tỉnh ta vẫn hiện lên những “gam” màu tươi sáng. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá hiện hành) ước đạt 7.288,6 tỷ đồng, tăng 17,18% so với năm 2020. Có 216 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 2.101,4 tỷ đồng; có 90 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Thu ngân sách nhà nước đạt trên 2.700 tỷ đồng, đạt 144,6% dự toán T.Ư giao, tăng so với năm 2020 là 170,4 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh phát triển tín dụng để hỗ trợ cho phát triển KT-XH, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, đáp ứng nhu cầu vốn hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. Tổng nguồn vốn hoạt động của các tổ chức tín dụng ước đạt 27.690 tỷ đồng (tăng 8,4% so với cuối năm 2020). Tổng dư nợ tín dụng đạt 25.863 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cuối năm 2020. Tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc và đôn đốc các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm. Trong năm có 20 dự án đầu tư mới được chấp thuận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 3.409,9 tỷ đồng.
Duy trì các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; tiếp tục thực hiện 15 chương trình tín dụng cho hộ nghèo và hộ chính sách. Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 3,75%. Tập trung huy động các nguồn vốn để thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới. Đầu tư hoàn thiện 203 km đường bê tông các loại. Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh tăng được 96 tiêu chí, đưa tổng số tiêu chí lên 2.455 tiêu chí, có thêm 3 xã đạt chuẩn Nông thôn mới.
Dù trong bối cảnh tác động của dịch bệnh, nhưng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cũng được các cấp, ngành đặc biệt chú trọng. Trong năm, các huyện, thành phố đã thực hiện đào tạo nghề cho trên 5.000 người; cho vay hỗ trợ tạo việc làm với tổng số tiền 120 tỷ đồng, tăng 40,2% so với năm 2020. Giải quyết việc làm cho 17.428 lao động. Giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp cho 1.703 lao động. Lĩnh vực VH-XH có nhiều chuyển biến tích cực, an sinh xã hội được bảo đảm.
Có thể khẳng định, các chủ trương, chính sách, biện pháp đúng và trúng được triển khai kịp thời chính là yếu tố quan trọng để tỉnh ta kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, từng bước tháo gỡ những khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Kết quả đáng khích lệ đó là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong đó đặc biệt phải kể đến bàn tay chèo lái vững vàng của các cấp ủy, chính quyền. Với kinh nghiệm vượt khó của năm 2021, cùng quyết tâm, bản lĩnh và ý chí vươn lên sẽ tiếp tục củng cố niềm tin, tạo động lực mới cho mảnh đất Hà Giang trong công cuộc phục hồi và phát triển mạnh mẽ KT-XH trên chặng đường mới.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc