Vận động người Việt dùng hàng Việt trong tình hình mới
BHG - Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động lớn đến mọi lĩnh vực, ngành nghề, cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của đông đảo người dân, doanh nghiệp. Qua đó đã hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần thực hiện mục tiêu phục hồi nhanh nền kinh tế do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm do các doanh nghiệp, HTX trong tỉnh sản xuất. |
Sau 10 năm triển khai thực hiện, CVĐ đã đạt được những kết quả quan trọng, phát huy được mạnh mẽ lòng yêu nước, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam, thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển. Tại tỉnh ta, việc triển khai CVĐ đã giúp người tiêu dùng trong tỉnh nhận thức đúng đắn hơn về chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong nước; tâm lý “sính ngoại” của một bộ phận người tiêu dùng có sự thay đổi. Tại các chợ truyền thống, cửa hàng bán lẻ, siêu thị… các mặt hàng sản xuất trong nước đã chiếm thị phần lớn. Tỷ lệ tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm trong nước ngày càng tăng, đặc biệt là vùng nông thôn, miền núi. Ông Nguyễn Xuân Hải, chủ một cửa hàng điện tử, điện lạnh ở thị trấn Vị Xuyên cho biết: Vào thời điểm cuối năm, giáp Tết Nguyên đán, cửa hàng đã nhập số lượng lớn hàng hóa với nhiều chủng loại khác nhau, trong đó trên 90% là hàng Việt Nam sản xuất để cung ứng cho người dân. Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các sản phẩm tại cửa hàng gia đình tôi vẫn bảo đảm đầy đủ, phong phú với giá cả ổn định. Những năm gần đây, người dân cũng ưu tiên sử dụng các mặt hàng sản xuất trong nước do chất lượng tốt, giá thành hợp lý. Qua đó, không chỉ tiết kiệm chi phí cho người tiêu dùng mà còn góp phần chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp trong nước trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.
Năm 2021, Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp với các tổ chức thành viên thực hiện tuyên truyền về CVĐ gắn với đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại tại địa bàn các xã biên giới được 25 buổi, thu hút trên 2.200 lượt người nghe. Hội Nông dân tỉnh tổ chức tuyên truyền được 915 cuộc với trên 31.000 lượt hội viên tham gia. Hội Phụ nữ tỉnh lồng ghép tuyên truyền được 700 cuộc, thu hút trên 25.000 lượt hội viên. Báo Hà Giang, Đài PT-TH tỉnh thường xuyên tuyên truyền đậm nét về kết quả CVĐ; phản ánh các hoạt động kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; phản ánh sự nỗ lực của các cơ sở sản xuất trong tỉnh trong việc nâng cao chất lượng các mặt hàng phục vụ người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Sở Công thương cũng chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, các cơ sở sản xuất trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường quảng bá, xúc tiến tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử. Trong năm tổ chức được 2 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi. Triển khai các hoạt động khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất trên địa bàn nâng cao năng lực sản xuất. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường cũng được lực lượng chức năng tăng cường với 1.024 cuộc kiểm tra, xử lý 688 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước trên 3 tỷ đồng.
Trong bối cảnh đất nước tiếp tục hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ và đặc biệt là những tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với nền kinh tế; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 28 (ngày 26.10.2021) về việc tăng cường thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới. Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền bằng các hình thức đa dạng đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của CVĐ trong tình hình mới. Từ đó, tạo sự thống nhất trong các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở và sự đồng thuận trong nhân dân, góp phần lan toả, nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với việc ưu tiên sử dụng, mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước.
Tăng cường quảng bá, giới thiệu các sản phẩm, thương hiệu của tỉnh, nhất là các sản phẩm OCOP; nhân rộng các điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt” tại các địa phương trong tỉnh. Tổ chức tốt các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, biên giới. Đẩy mạnh hoạt động tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; quảng bá, khuyến khích, định hướng, vận động tiêu dùng hàng hoá Việt Nam, bảo đảm CVĐ đi vào thực chất, thành công và phù hợp với tình hình hiện nay.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG