Nhân đôi niềm vui mùa cam Sành

15:04, 12/01/2022

BHG - Tháng Chạp về trên quê hương cực Bắc, những vườn cam Sành trĩu quả ánh lên sắc vàng tươi mê hoặc báo hiệu mùa thu hoạch. Cam được mùa, được giá, được hỗ trợ xúc tiến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm bằng hình thức truyền thống và cả trên nền tảng số. Tất cả như cộng hưởng, nhân đôi niềm vui mùa cam Sành.

Cam Sành Hà Giang được dán tem truy xuất nguồn gốc, vừa bảo vệ thương hiệu, vừa tạo niềm tin với tiêu dùng.
Cam Sành Hà Giang được dán tem truy xuất nguồn gốc, vừa bảo vệ thương hiệu, vừa tạo niềm tin với tiêu dùng.

Niên vụ 2021 – 2022, vùng trọng điểm cam của tỉnh, gồm: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên có trên 6.600 ha cam Sành, diện tích cho thu hoạch đạt hơn 5.600 ha. Năng suất bình quân ước đạt 103 tạ/ha, sản lượng đạt trên 58.500 tấn. Toàn tỉnh có 4.268,9 ha cam Sành/74 cơ sở/3.554 hộ được cấp Giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP (diện tích VietGAP chiếm 75,3% diện tích cam cho sản phẩm). Đặc biệt, 100% tổ sản xuất/hợp tác xã (HTX) cam VietGAP được cấp quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Hà Giang” cho sản phẩm cam Sành.

Hiện nay, tại vùng trọng điểm cam của tỉnh, khoảng 15.000 tấn cam Sành đã được tiêu thụ. Trong đó, sản lượng tiêu thụ ngoại tỉnh lên đến 70%, còn lại là tiêu thụ nội tỉnh. Sản lượng chưa tiêu thụ còn trên 40.000 tấn; trong đó, cam loại I chiếm hơn 50%/tổng sản lượng chưa tiêu thụ. Đây là loại cam đảm bảo 9/9 chỉ tiêu về tính chất, chất lượng đặc thù của cam Sành Hà Giang, đạt 5/5 tiêu chuẩn áp dụng và truy xuất nguồn gốc, cụ thể: Trọng lượng quả từ 230 - 260g/quả, độ nhám dưới 5%, không khuyết tật, không rụng cuống, độ brix từ 10,5% trở lên. Hiện nay, cam Sành có giá bán tại vườn dao động từ 12 – 15 nghìn đồng/kg tùy theo phân loại quả và từng vườn, so với niên vụ trước, tăng từ 3 – 5 nghìn đồng/kg.

Theo dự báo của cơ quan chuyên môn: Tình hình tiêu thụ sản phẩm cam niên vụ 2021 – 2022 gặp khó khăn, do dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành, tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động xúc tiến, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm cam; trong khi đó, cam Sành có sản lượng lớn, thời gian thu hoạch và bảo quản ngắn… Để kịp thời thích ứng linh hoạt với tình hình dịch bệnh Covid-19, UBND tỉnh đã ban hành phương án tiêu thụ cam theo từng cấp độ dịch bệnh. Chỉ đạo các sở, ngành, địa phương vào cuộc một cách quyết liệt, chung tay cùng nông dân tiêu thụ sản phẩm cam. Trong đó, thực hiện đồng thời phương thức xúc tiến, tiêu thụ sản phẩm bằng hình thức truyền thống và trên nền tảng công nghệ số (thương mại điện tử, bán hàng Online...). Không những vậy, UBND tỉnh còn ban hành nhiều kế hoạch để định hướng cho các hoạt động xúc tiến thương mại, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cam trong việc nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Hiện nay, ngành Công thương đã, đang triển khai đồng bộ các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cam Sành. Nổi bật có thể kể đến việc ứng dụng chuyển đổi số, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử (GDTMĐT). Trong đó, phối hợp lựa chọn doanh nghiệp, hợp HTX (có đủ điều kiện) sản xuất các sản phẩm chủ lực và trồng cam xây dựng website để kết nối với sàn GDTMĐT. Phối hợp cùng Tập đoàn FPT, Bưu điện tỉnh, Chi nhánh Bưu chính Viettel Hà Giang... hỗ trợ mở gian hàng trực tuyến trên sàn GDTMĐT Sendo, Voso, Postmart; thiết kế gian hàng triển lãm thực tế ảo 3D trên Báo điện tử Vnexpress và quảng bá trực tuyến cam Sành trên nền tảng số của Tập đoàn FPT. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX kết nối tiêu thụ sản phẩm cam vào hệ thống siêu thị, như: Saigon Co.op, Hapro, Big C, Vinmart... Không dừng ở kết quả trên, ngành Công thương còn hỗ trợ ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc phục vụ sản suất và tiêu thụ sản phẩm cam, như: Cập nhật thông tin, hướng dẫn và cấp mã QR code cho 39 HTX, tổ hợp tác, hộ trồng cam; hỗ trợ 8.000 hộp đựng sản phẩm cam và hơn 4,8 triệu tem thông minh truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm cam Vàng, cam Sành với tổng kinh phí thực hiện lên đến gần 720 triệu đồng. Nhìn chung, các HTX cơ bản vận hành tốt gian hàng trực tuyến trên sàn GDTMĐT. Nhờ đó, công tác tiêu thụ sản phẩm bước đầu đạt được những kết quả tích cực.

Đặc biệt, thông qua công tác xúc tiến, tiêu thụ cam Sành của tỉnh, mới đây, 5 đơn vị xuất, nhập khẩu (XNK) và sàn GDTMĐT, gồm: Liên hiệp HTX Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Coop Mart), Tập đoàn Central Retail Việt Nam (Big C), Công ty Cổ phần Siêu thị và XNK Thương mại Việt Nam, Công ty TNHH Mia Fruit, Công ty Cổ phần Sản xuất và XNK Nông sản Thắng Lợi đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về việc tiêu thụ sản phẩm cam Hà Giang với 11 HTX sản xuất cam thuộc huyện Bắc Quang, Quang Bình. Trên cơ sở đó, hỗ trợ, hướng dẫn các HTX nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm tại các siêu thị, cửa hàng, điểm giao dịch, sàn GDTMĐT và xuất khẩu. Giám đốc Đối ngoại và Đầu tư MB – Tập đoàn Central Retail Việt Nam (Big C) Phạm Thị Thùy Linh chia sẻ: Chúng tôi đánh giá cao sản phẩm cam Sành đặc sản của Hà Giang mà thương hiệu đã nức tiếng trên thị trường. Đây cũng là một trong những nông sản đặc sản bán chạy tại hệ thống Siêu thị Big C. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các HTX của Hà Giang cung cấp thông tin, hướng dẫn các điều kiện về thủ tục, giấy tờ để đưa sản phẩm cam vào hệ thống siêu thị…

Giám đốc HTX Nông dân trồng cam sạch xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang), Trần Trung Thuyết cho biết: Để nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX không chỉ sản xuất cam theo quy trình VietGAP mà còn chuyển dần sang hướng hữu cơ. Chúng tôi luôn chú trọng giữ gìn chữ tín trong sản xuất, giữ đúng cam kết về chất lượng, mẫu mã, tem, nhãn xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm với các đối tác thu mua. Qua đó, góp phần xây dựng niềm tin cho doanh nghiệp cũng như nâng cao uy tín, vị thế cam Sành Hà Giang trên thị trường.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG


Cùng chuyên mục

Công bố kết quả sơ bộ tổng điều tra kinh tế và cơ sở hành chính năm 2021

BHG - Chiều 11.1, Ban chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế T.Ư và Ban chỉ đạo Tổng điều tra cơ sở hành chính T.Ư tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết và công bố kết quả sơ bộ Tổng điều tra kinh tế và cơ sở hành chính năm 2021. Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương và Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Điều tra cơ sở hành chính T.Ư, đồng chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Giang có lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

 

12/01/2022
Năm 2021 chỉ số Parindex lần đầu tiên tỉnh đạt trên 83%

BHG - Xác định cải cách  hành chính (CCHC) có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển của cả nước nói chung và của tỉnh ta nói riêng. Thời gian qua, công tác CCHC trên địa bàn tỉnh đã được nâng cao ở mọi ngành, mọi lĩnh vực. Từ đó, nhiều quy trình, thủ tục hành chính được rà soát, đơn giản hóa giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc và hiệu lực quản lý nhà nước.

12/01/2022
Hội nghị giới thiệu và tiêu thụ nông sản huyện Yên Minh

BHG - Chiều 10.1, UBND huyện Yên Minh phối hợp Hợp tác xã (HTX) Tân Thành tổ chức hội nghị giới thiệu tiêu thụ nông sản và triển khai một số hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Yên Minh. Dự Hội nghị có lãnh đạo huyện Huyện Yên Minh, đại diện Viettlpost, bưu điện và hệ thống siêu thị Vinmart Hà Giang; đại diện các HTX trên địa bàn huyện.

11/01/2022
Giá xăng, dầu đồng loạt tăng

Liên Bộ Công Thương – Tài chính vừa thông báo điều chỉnh tăng giá xăng, dầu áp dụng từ 15h ngày 11.1. Theo đó, giá xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 581 đồng/lít, xăng E5 RON 92 tăng 609 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S tăng 660 đồng/lít; dầu hỏa tăng 620 đồng/lít.

11/01/2022
dịch vụ in name card