Đồng Văn đẩy mạnh liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

11:08, 18/01/2022

BHG - Hiện nay, việc xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn theo chuỗi liên kết là hướng đi mới giúp người nông dân nâng cao giá trị sản phẩm bền vững. Đối với huyện vùng cao Đồng Văn, nông nghiệp vẫn đang phát triển với quy mô nhỏ lẻ, hiệu quả chưa cao, đa phần sản xuất theo kiểu truyền thống thì sự liên kết càng cần thiết, nhất là liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu hàng hóa. Từ thực tế đó, những năm gần đây, huyện dành nhiều nguồn lực hỗ trợ các doanh nghiệp, Hợp tác xã (HTX) trên địa bàn đẩy mạnh hoạt động liên kết, tiêu thụ sản phẩm cho người dân, bước đầu đạt được kết quả tích cực.

Người dân xã Tả Lủng (Đồng Văn) thu hoạch sâm Khoai.
Người dân xã Tả Lủng (Đồng Văn) thu hoạch sâm Khoai.

HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ thương mại tổng hợp Po Mỷ (HTX Po Mỷ) là một trong những HTX triển khai xây dựng và thực hiện các chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm mang lại hiệu quả cao trên địa bàn huyện Đồng Văn. Hiện, HTX Po Mỷ đang liên kết tiêu thụ các loại sản phẩm nông sản như: Quả lê, mận, sâm Khoai. Trong đó, việc liên kết tiêu thụ sản phẩm sâm Khoai với người dân xã Tả Lủng mang lại hiệu quả tích cực. Bà Lưu Thị Hòa, Giám đốc HTX Po Mỷ cho biết: Năm 2019, sau khi khảo sát tại xã Tả Lủng, chúng tôi phát hiện ra cây sâm Khoai và nhận định đây sẽ là một sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng, tạo ra sinh kế bền vững cho bà con nhân dân xã Tả Lủng nói riêng và huyện Đồng Văn nói chung. Bởi vậy, HTX đã quyết định ký kết thỏa thuận hợp tác, bao tiêu toàn bộ sản phẩm sâm Khoai cho 12 hộ dân tham gia dự án trồng trong xã. Song song với việc bán củ tươi, HTX Po Mỷ còn tiến hành thử nghiệm và cho ra mắt sản phẩm phở sâm Khoai với vị ngọt tự nhiên khá đặc biệt. Đồng thời HTX cũng đang nghiên cứu chế biến thêm các sản phẩm từ sâm Khoai, đã cho ra thị trường năm 2021 như: Nước ép sâm, sâm Khoai sấy…

Đồng chí Dương Văn Nghị, Chủ tịch UBND xã Tả Lủng cho biết: Việc liên kết tiêu thụ sản phẩm đã giúp người dân trong xã dần thay đổi nhận thức về canh tác nông nghiệp, nâng cao ý thức về canh tác an toàn, tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao. Trong quá trình liên kết sản xuất, xã cùng với HTX luôn đồng hành cùng người dân, hỗ trợ kỹ thuật, giám sát quá trình thực hiện để đảm bảo có những sản phẩm đạt chất lượng. Hiện, các hộ dân tham gia vào chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm sâm Khoai bước đầu có thu nhập ổn định.

Trên địa bàn huyện Đồng Văn hiện có 1 doanh nghiệp, 10 HTX và 26 Tổ hợp tác tham gia liên kết tiêu thụ, chế biến sản phẩm nông sản. Trong đó, có 3 HTX thực hiện liên kết tiêu thụ chế biến sản phẩm Tam giác mạch; 1 doanh nghiệp, 3 HTX và 10 Tổ hợp tác thành lập chuỗi liên kết tiêu thụ chế biến sản phẩm mật ong Bạc hà; 2 HTX liên kết tiêu thụ chế biến sản phẩm từ lanh; 1 HTX liên kết tiêu thụ chế biến sản phẩm ớt Gió; 1 HTX liên kết tiêu thụ chế biến sản phẩm lê, mận, sâm Khoai. Huyện đang tiếp tục thực hiện các dự án liên kết theo chuỗi giá trị bò, dê, gà và rau tại xã Lũng Cú với sự tham gia của HTX toàn thôn Thèn Pả và 846 hộ dân.

Đồng chí Phạm Đức Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết: Hoạt động liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp bền vững, từng bước giúp nâng cao lợi ích của các đối tượng tham gia vào chuỗi liên kết, đặc biệt là người nông dân. Từ đó tiến tới hạn chế tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tăng quy mô sản xuất hàng hóa, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Việc liên kết tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng còn tránh tình trạng “được mùa, mất giá”, sản xuất tràn lan. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với những nội dung cụ thể như: Hỗ trợ tư vấn liên kết; đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật; đào tạo nghề; hỗ trợ về giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm; chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới… từng bước tạo ra các chuỗi liên kết bền vững, xây dựng các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện.

Bài, ảnh: My Ly


Cùng chuyên mục

Trồng cam hữu cơ, hướng đi bền vững cho nhà vườn

BHG - Nhằm phát triển bền vững cây cam, một trong những loại cây đặc sản của tỉnh, một số nhà vườn tại huyện Bắc Quang, Quang Bình đã trồng cam Sành hữu cơ. Qua đó, giúp nâng cao chất lượng, giá trị, thương hiệu "Cam Sành Hà Giang". 

17/01/2022
Tem truy xuất nguồn gốc nâng tầm giá trị hàng hóa

BHG - Trong bối cảnh hiện nay, truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang dần trở thành xu thế tất yếu khi người tiêu dùng yêu cầu ngày càng cao về tính minh bạch của nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tích cực triển khai tem truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm đặc hữu của tỉnh, qua đó góp phần bảo vệ thương hiệu, tạo niềm tin với khách hàng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý của cơ quan nhà nước.

17/01/2022
Ngô Đông sinh khối mở ra cách làm mới ở Bằng Hành

BHG - Trồng ngô sinh khối không còn là cách làm mới. Tuy nhiên, ở xã Bằng Hành (Bắc Quang), trồng ngô Đông sinh khối liên kết với doanh nghiệp mở đường cho cách làm mới của bà con nông dân. Thu nhập của người trồng ngô sinh khối ước đạt từ 34 – 37 triệu đồng/ha chỉ sau khoảng 75 – 80 ngày trồng. Ngô sinh khối, đang tạo tư duy, cách làm vụ Đông rất rõ nét tại vùng quê này.

17/01/2022
Cô gái dân tộc Dao đa năng ở Giàn Thượng

BHG - Dáng người nhỏ nhắn, gương mặt hiền lành, giọng nói truyền cảm, đôi tay thoăn thoắt, nhiệt tình "vác tù và hàng tổng"… là những nhận xét ấn tượng mà người dân và khách hàng dành cho cô gái người Dao Trương Thị Niệm, sinh năm 1988, thôn Giàn Thượng, xã Tiên Kiều (Bắc Quang).

17/01/2022