Tổng kết 20 năm công tác bảo tồn Voọc mũi hếch tại Hà Giang
BHG - Sáng 23.12, Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã (FFI) tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm công tác bảo tồn Voọc mũi hếch tại Hà Giang và chia sẻ kế hoạch bảo tồn loài giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Tham dự có giám đốc Tổ chức FFI Việt Nam; lãnh đạo các sở, ngành liên quan; UBND các huyện Quản Bạ, Bắc Mê, Vị Xuyên cùng các chuyên gia, nhà khoa học.
Toàn cảnh hội nghị |
Quan hệ hợp tác nghiên cứu, bảo tồn đa dạng sinh học giữa Tổ chức FFI và Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã được xây dựng từ năm 2002. Từ đó đến nay, Chi cục và Tổ chức FFI đã thực hiện được nhiều dự án, tập trung vào các lĩnh vực như: Nghiên cứu, giám sát sinh học; tuần tra, bảo vệ rừng; tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo tồn đa dạng sinh học và xây dựng mô hình đồng quản lý, bảo vệ rừng. Qua đó, đã phát hiện quần thể Voọc mũi hếch quý hiếm tại rừng Khau Ca năm 2002 và tại vùng rừng Tùng Vài (Quản Bạ) năm 2007; xây dựng đề xuất hành động bảo tồn loài Voọc mũi hếch và Ngọc Lan ở vùng rừng Tùng Vài năm 2010; xây dựng thành công mô hình đồng quản lý bảo vệ rừng tại Khu bảo tồn Loài và Sinh cảnh Voọc mũi hếch Khau Ca năm 2011. Các hoạt động trên đã góp phần không nhỏ vào công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và đặc biệt bảo tồn quần thể Voọc mũi hếch là 1 trong 25 loài linh trưởng cực kỳ quý hiếm trên thế giới tại Khu bảo tồn Loài và Sinh cảnh Voọc mũi hếch Khau Ca và khu rừng Cao Mã Pờ, Tả Ván, Tùng Vài.
Tại hội nghị, Tổ chức FFI đã chia sẻ kế hoạch bảo tồn loài giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu bảo vệ nghiêm ngặt, phát triển bền vững tất cả các quần thể Voọc mũi hếch và sinh cảnh của chúng. Trong đó, tập trung nhóm giải pháp chính, gồm: Xây dựng, lập kế hoạch bảo vệ quần thể và sinh cảnh; duy trì và nâng cao hoạt động tuần tra, giám sát, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại đối với Voọc mũi hếch và rừng; phục hồi và mở rộng sinh cảnh; nâng cao nhận thức và phát triển cộng đồng, tạo việc làm cho người dân sinh sống gần vùng rừng. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, bảo tồn nhằm gia tăng số lượng quần thể của loài với sự tham gia tích cực của tất cả các bên liên quan.
Tin, ảnh: MỘC LAN