Tháo gỡ khó khăn đầu tư xây dựng các công trình điện đáp ứng nhu cầu phát triển KT - XH

19:18, 29/12/2021

BHG - Hiện nay trên địa bàn tỉnh ta đã được phê duyệt 77 dự án thủy điện, với tổng công suất lắp máy là 1.061,9 MW. Trong đó có 36 nhà máy thủy điện đang phát điện vào lưới điện Quốc gia, với tổng công suất lắp máy là 725,7 MW; các nhà máy thủy điện đang vận hành phát điện thương mại ổn định, đáp ứng yêu cầu hệ thống điện của tỉnh và quốc gia. Sản lượng điện đến hết tháng 11.2021 đạt 2.512,020 triệu kWh, tăng 4,82% so với cùng kỳ năm 2020. 11 công trình thủy điện đang thi công xây dựng, với tổng công suất lắp máy là 92 MW, dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2022-2023. Có 28 dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư với tổng công suất lắp máy 232,8 MW, trong đó có 17 dự án đã thẩm định xong thiết kế xây dựng, đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, giao đất, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trước năm 2025.

Nhà máy Thủy điện Nậm Mạ I (Tùng Bá, Vị Xuyên).
Nhà máy Thủy điện Nậm Mạ I (Tùng Bá, Vị Xuyên).

Trong giai đoạn 2016 – 2025, việc lập quy hoạch phát triển điện Quốc gia có xét đến năm 2035 và quy hoạch phát triển thủy điện vừa và nhỏ tại tỉnh ta đã tạo môi trường thuận lợi, thu hút được nhiều nhà đầu tư tiềm năng. Các dự án thủy điện được xây dựng trong những năm qua là thành phần quan trọng trong việc thu ngân sách cho các địa phương; các dự án thủy điện đều khai thác hiệu quả, ổn định, an toàn; các đập đa chức năng được xây dựng để tưới tiêu, kiểm soát lũ, tạo điều kiện cho nhân dân nuôi thủy sản nâng cao đời sống.

Trung tâm điều khiển Nhà máy Thủy điện Nậm Mạ I (Tùng Bá, Vị Xuyên).
Trung tâm điều khiển Nhà máy Thủy điện Nậm Mạ I (Tùng Bá, Vị Xuyên).

Để nguồn điện của các nhà máy thủy điện hòa vào điện lưới Quốc gia, giải tỏa công suất cho các nhà máy, Bộ Công thương và ngành Điện đã triển khai các dự án thành phần như: Trạm 220 kV Bắc Quang, công suất 2x250 MVA và đường dây đấu nối 220 kV (Bắc Quang-Yên Bái) đã hoàn thành phần xây dựng, đang triển khai lắp đặt máy biến áp, thiết bị; dự kiến hoàn thành xong trong tháng 2.2022. Về tuyến đường dây 220 kV đấu nối đã hoàn thành đúc móng 110/117 vị trí; 7 vị trí do liên quan đến quy hoạch đất quốc phòng nên tạm dừng thi công. Đối với đường dây 110 kV xuất tuyến sau trạm 220 kV Bắc Quang đang triển khai thi công. Trạm biến áp 110 kV Thanh Thủy và đường dây đấu nối đang chuẩn bị đầu tư; dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2022. Lắp đặt máy biến áp 110 kV T2 Bình Vàng, công suất 25 MVA đang hoàn thiện bước chuẩn bị đầu tư; dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trong Quý I/2022. Đối với mạch vòng 110 kV (Sông Chảy – Hoàng Su Phì - Tân Quang - Trạm 220kV), chủ đầu tư là các doanh nghiệp thủy điện trên dòng sông Chảy đã thống nhất tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng để giải tỏa công suất các nhà máy thủy điện trong khu vực. Hiện nay dự án đang hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư, dự kiến quý III/2022 thi công, quý II/2023 hoàn thành đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Công thương, một số dự án này đang gặp khó khăn nếu không được tháo gỡ sẽ ảnh hưởng đến tiến độ như Trạm biến áp 220/110 kV Bắc Quang có 7 vị trí vướng mắc về quy hoạch đất quốc phòng. Mạch vòng đường dây 110 kV Xín Mần - Hoàng Su Phì - Tân Quang - Trạm 220 kV Bắc Quang đang chậm so với tiến độ cam kết. Quá trình đầu tư xây dựng dự án thủy điện chịu sự quản lý rất nhiều hệ thống văn bản pháp luật đa lĩnh vực từ thủ tục về đầu tư, xây dựng, tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, thu hồi đất, giao đất, tái định canh, định cư, đấu nối, thỏa thuận mua bán điện, quản lý vận hành nhà máy, quản lý vận hành hồ chứa, quản lý an toàn đập, cấp phép hoạt động phát điện, hoạt động thị trường điện lực, thuế... 

Việc đầu tư xây dựng các tuyến đường dây 35 kV, 110 kV, các trạm biến áp truyền tải điện năng để đấu nối từ các nhà máy thủy điện do chủ đầu tư thực hiện đã làm tăng suất đầu tư trên 1 MW; trong khi đó giá bán điện hàng năm không tăng; giá bán bình quân thấp hơn so với các dạng năng lượng khác như năng lượng mặt trời, gió. Vì vậy mất bình đẳng trong cơ chế thị trường phát điện cạnh tranh. Do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, giá máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển trên thế giới và trong nước tăng cao, ảnh lớn đến tiến độ đầu tư các dự án lưới điện cũng như nguồn điện.

Trên cơ sở đánh giá về tình hình phát triển KT-XH của tỉnh, tình hình sản xuất, kinh doanh điện lực; tiến độ đầu tư xây dựng các công trình nguồn, lưới điện trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh, Sở công thương đã kiến nghị, đề xuất với Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lục Việt Nam, Tổng công ty Điện lực miền Bắc tiếp tục chỉ đạo các nhà thầu thi công xây dựng, cung cấp thiết bị đẩy nhanh tiến độ đầu tư, thi công tuyến đường dây 220 kV đấu nối và Trạm biến áp 220 kV Bắc Quang – Hà Giang, lắp đặt đồng bộ đưa vào vận hành hai máy biến áp và các xuất tuyến 110 kV sớm đưa vào sử dụng theo kế hoạch; Tổng Công ty Truyền tải lưới điện Quốc gia sớm thống nhất với Bộ Quốc phòng để giải quyết vướng mắc về quy hoạch đất, đưa ra giải pháp để thi công 7 vị trí móng cột tuyến đường dây 220 kV đảm bảo đưa vào khai thác sử dụng Trạm 220 kV Bắc Quang; đề nghị Bộ Công thương báo cáo Chính phủ xem xét điều chỉnh giá bán điện của các dự án thủy điện vừa và nhỏ phù hợp với tình hình thực tế.

Có thể khẳng định, điện là ngành kinh tế “xương sống”, các nhà máy thủy điện là nguồn thu ngân sách lớn, ổn định của tỉnh ta. Vì vậy, việc sớm tháo gỡ khó khăn để xây dựng, phát triển các nhà máy thủy điện cùng các dự án thành phần để truyền tải, giải tỏa công suất cho các nhà máy thủy điện sẽ góp phần tích cực cho công cuộc phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN, cũng như an sinh xã hội bền vững.

Bài, ảnh: VĂN NGHỊ


Cùng chuyên mục

Thắng lợi cây trồng vụ Đông ở Quang Bình

BHG - Phó trưởng Trạm Khuyến nông huyện Quang Bình, Dương Mai Long cho biết: Sản xuất cây vụ Đông ở Quang Bình bắt đầu từ cuối tháng 9, ngay sau thu hoạch lúa Mùa sớm. Có những loại cây trồng chỉ sau 45 ngày đã cho thu hoạch; cây trồng chậm nhất cũng không quá 3 tháng. Mỗi ha trồng cây vụ Đông nếu làm tốt, thu nhập của người nông dân chẳng thua kém gì trồng cây chính vụ trong năm.

29/12/2021
Quản Bạ giải ngân đạt 99,9% vốn đầu tư công

BHG - Tính đến ngày 17.12, tổng số vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) của huyện Quản Bạ bao gồm vốn chuyển nguồn 2020 sang năm 2021 là 287 tỷ 315,374 triệu đồng, trong đó thu hồi vốn ứng trước là 30 tỷ 938 triệu đồng, đã giải ngân 286 tỷ 936,675 triệu đồng, đạt 99,9% KH. Cụ thể: Tổng số công trình đầu tư XDCB tỉnh bố trí vốn năm 2021 gồm 37 công trình với 29 công trình quyết toán, 2 công trình hoàn thành chưa quyết toán, 6 công trình chuyển tiếp với kế hoạch vốn đầu tư XDCB là 245 tỷ 788,389 triệu đồng...

28/12/2021
Nông nghiệp Vị Xuyên tươi sáng

BHG  - Trong bối cảnh chịu tác động lớn của dịch Covid -19, giá vật tư tăng, dịch bệnh trên vật nuôi phức tạp, lan rộng khiến hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp gặp nhiều thách thức. Nhưng vượt lên khó khăn, bằng nhiều giải pháp chỉ đạo, điều hành linh hoạt, phù hợp, nông nghiệp Vị Xuyên vẫn đạt nhiều kết quả ấn tượng, phát huy vai trò "trụ đỡ" nền kinh tế trong đại dịch.

28/12/2021
Họp báo công bố số liệu thống kê KT - XH năm 2021

BHG - Chiều 28.12, Cục Thống kê tỉnh tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê KT - XH năm 2021. Tham dự có lãnh đạo các sở, ngành cùng các cơ quan báo chí, thông tấn T.Ư và địa phương.

28/12/2021