Nông nghiệp Vị Xuyên tươi sáng
BHG - Trong bối cảnh chịu tác động lớn của dịch Covid -19, giá vật tư tăng, dịch bệnh trên vật nuôi phức tạp, lan rộng khiến hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp gặp nhiều thách thức. Nhưng vượt lên khó khăn, bằng nhiều giải pháp chỉ đạo, điều hành linh hoạt, phù hợp, nông nghiệp Vị Xuyên vẫn đạt nhiều kết quả ấn tượng, phát huy vai trò “trụ đỡ” nền kinh tế trong đại dịch.
Người dân xã Phong Quang thu hoạch Thanh long. |
Nhiều chương trình nông nghiệp hiệu quả
Thiên nhiên ưu đãi cho Vị Xuyên diện tích đất đai rộng lớn, màu mỡ, khí hậu thuận lợi; người dân có kinh nghiệm và chủ động ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Đó là tiềm năng để huyện triển khai nhiều chương trình, phương án nông nghiệp trọng tâm, đặc trưng, mang tính đột phá theo Nghị quyết đại hội Đảng các cấp. Qua đó hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung hàng hóa. Tiêu biểu như: Chương trình liên kết trồng mía xuất khẩu với tổng diện tích 97,68 ha, trong năm xuất khẩu được 7.300 tấn, doanh thu đạt 7,5 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với các cây trồng hàng năm khác. Kế hoạch mở rộng sản xuất lúa thuần chất lượng cao theo chuỗi giá trị với quy mô 100 ha tại 3 xã Đạo Đức, Linh Hồ, Việt Lâm, năng suất bình quân đạt 58 tạ/ha, sản lượng đạt 580 tấn, liên kết với Công ty Cát Thành, Việt Anh GACP bao tiêu sản phẩm cho người dân. Liên kết với Công ty Hồ Toản (Tuyên Quang) trồng ngô sinh khối, trong năm đã bán trên 230 tấn ngô cho doanh nghiệp. Triển khai mô hình luân canh 3 vụ (Lúa Mùa sớm - Ngô sinh khối vụ Đông - Ngô sinh khối vụ Xuân) quy mô 26,2 ha tại 7 xã, mang lại thu nhập ổn định cho người dân, nâng cao hiệu số sử dụng đất, tăng thu nhập trên 1 đơn vị canh tác trồng cây hàng năm. Phát triển gia trại rau, hoa ứng dụng công nghệ cao với diện tích nhà lưới trên 28 nghìn m2; tập trung trồng dưa các loại, cà chua, rau thủy canh, rau trái vụ với doanh thu bình quân đạt trên 1.385 triệu đồng/ha/năm. Phát triển cây trồng thế mạnh địa phương với chè, cam, Thảo quả. Đến nay, toàn huyện có 2.868,6 ha chè, trong đó 2.450,6 ha chè hữu cơ và 418 ha chè VietGAP; 422,9 ha cam (cam Sành 322,8 ha, cam Vàng trên 100 ha), diện tích cho thu hoạch 318,3 ha; sản lượng cam niên vụ 2021 - 2022 đạt trên 2.833 tấn. Thảo quả có 2.802,3 ha. Duy trì thực hiện 63 cánh đồng mẫu 5 cùng với tổng diện tích 434,08 ha/2.100 hộ.
Bên cạnh đó, huyện triển khai Đề án trồng rừng sản xuất gắn với cây dược liệu giai đoạn 2021-2025, đã thực hiện trồng mới trên 276 ha Quế. Phương án trồng Na tại Thanh Thủy, Thuận Hòa, Phong Quang với quy mô 20 ha; trồng Hồng không hạt tại xã Xín Chải; trồng Bắp cải, Su hào trái vụ tại Lao Chải, Xín Chải; trồng Nhãn với diện tích 43 ha tại xã Trung Thành, sản lượng hàng năm đạt trên 100 tấn; nhân rộng mô hình nuôi Ốc nhồi ruộng thương phẩm tại xã Phương Tiến. Có 13 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu đề nghị tỉnh công nhận sản phẩm Ocop năm 2021, trong đó 12 sản phẩm mới và 1 sản phẩm nâng sao.
Trồng hoa mang lại thu nhập cao cho người dân xã Đạo Đức. Ảnh: AN GIANG |
Chương trình cải tạo vườn tạp được triển khai sâu rộng; trong năm có 419 hộ thực hiện với diện tích 407 nghìn m2; đã giải ngân cho 227 hộ nghèo vay vốn số tiền 6.590 triệu đồng theo Nghị quyết 58 của HĐND tỉnh.
Tìm thị trường cho nông sản
Năm 2021, ngành Nông nghiệp Vị Xuyên vững vàng vượt qua đại dịch với nhiều kết quả nổi bật: Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt gần 18 nghìn ha; tổng sản lượng lương thực cả năm đạt trên 57,4 nghìn tấn. Diện tích, năng suất, sản lượng các loại cây trồng chính đều tăng so với năm 2020. Giá trị thu hoạch bình quân trên ha đất canh tác cây hàng năm đạt 67,5 triệu đồng; tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp đạt 42,6%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 70,5%. Toàn huyện có 26.167 con trâu, bò; 86.257 con lợn; 766.349 gia cầm và 17 trang trại chăn nuôi. Sản lượng thịt hơi tiêu thụ đạt trên 9.437 tấn. Diện tích nuôi thủy sản đạt 425,46 ha, sản lượng đạt trên 297 tấn. Có 63 HTX, 69 tổ hợp tác, nhóm sở thích đang hoạt động hiệu quả, cung cấp nhiều dịch vụ và sản phẩm nông nghiệp chất lượng.
Làm sao để được mùa nhưng không mất giá là “bài toán” khó đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid – 19. Giữa những thách thức đan xen, huyện đã triển khai nhiều giải pháp để tìm kiếm thị trường cho nông sản như: Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại bằng nhiều hình thức; hỗ trợ xây dựng các điểm bán sản phẩm dọc tuyến Quốc lộ 2; tập huấn cho người dân, doanh nghiệp, HTX đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử; tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu; ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ nông sản; tạo điều kiện thuận lợi để HTX Thuận Hòa xây dựng Trung tâm giới thiệu các sản phẩm Ocop, sản phẩm đặc sản của huyện.
Đặc biệt, huyện chú trọng thu hút đầu tư, liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho người dân, tiêu biểu như: Liên kết trồng mía xuất khẩu, ngô sinh khối, lúa thuần chất lượng, dược liệu. HTX Tân Thành liên kết tiêu thụ nông sản với hộ sản xuất Nguyễn Văn Tuấn và HTX Tân Đức; HTX dầu lạc Đồng Yên (Bắc Quang) liên kết với người dân trồng lạc tại các xã Kim Thạch, Kim Linh. Trong chăn nuôi, liên kết phát triển một số sản phẩm theo chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn như: Liên kết với HTX sản xuất và dịch vụ nông - lâm nghiệp Gia Vi sản xuất thịt trâu; HTX Tấn Đạt với sản phẩm cá, thịt các loại; HTX dịch vụ chăn nuôi Lương Nam với các sản phẩm từ lợn. Đại diện hệ thống siêu thị Vinmart+, Liên minh HTX tỉnh, Bưu điện tỉnh đều tạo điều kiện thuận lợi để xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm cho người dân vào hệ thống siêu thị và trên các sàn thương mại điện tử. Qua đó, nhiều sản phẩm đã đến được tay người tiêu dùng thông qua các sàn thương mại điện tử: Sendo, Lazada, Voso, Posmart, Vietnam post.
Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên Hoàng Thanh Tịnh nhấn mạnh: “Nghị quyết chuyên đề “Phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị giai đoạn 2021 – 2025” vừa được BCH Đảng bộ huyện ban hành với mục tiêu đến năm 2025, giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản đạt 2.130 tỷ đồng; trên 70% sản phẩm nông nghiệp đặc trưng được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết. Đây được xem là “cẩm nang” quan trọng để nông nghiệp tiếp tục phát triển bền vững với nhiều giải pháp trọng tâm như: Thu hút đầu tư, liên kết vùng sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với chương trình Ocop; tuyên truyền người dân thay đổi phương thức sản xuất từ nhỏ lẻ sang hàng hóa tập trung đáp ứng cầu thị trường, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh cho sản phẩm; tìm kiếm, quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ”.
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN