Năm 2022, phấn đấu tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt 8%
BHG - Năm 2021, lĩnh vực tín dụng trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, đáp ứng nhu cầu vốn hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế “tín dụng đen”.
Thông qua các chính sách tín dụng giúp HTX Tuấn Dũng (Mèo Vạc) nâng cao chất lượng và mở rộng tiêu thụ sản phẩm mật ong Bạc hà. |
Trong năm, tổng nguồn vốn hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh ước đạt 27.690 tỷ đồng (trong đó, nguồn vốn huy động tại địa phương đạt 14.636 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cuối năm 2020). Tổng dư nợ tín dụng đạt 25.863 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cuối năm 2020, vượt kế hoạch đề ra. Kết quả các chương trình tín dụng chính, gồm: Cho vay nông nghiệp, nông thôn dư nợ ước đạt 11.219 tỷ đồng, tăng 1.617 tỷ đồng so với năm 2020; cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa dư nợ đạt 1.835 tỷ đồng, tăng 63 tỷ đồng; cho vay chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp dư nợ đạt 12.550 tỷ đồng, tăng 5.928 tỷ đồng; cho vay theo Đề án Đầu tư tín dụng cho HTX của tỉnh dư nợ đạt 76 tỷ đồng, tăng 9 tỷ đồng... Nợ xấu được kiểm soát ở mức an toàn, luôn duy trì mức dưới 1%...
Phấn đấu năm 2022 tăng trưởng tín dụng đạt 8%, tỉnh ta tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức tín dụng; rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm khơi thông nguồn vốn tín dụng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển KT – XH. Phát huy hiệu quả các nguồn vốn tín dụng chính sách để phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách tín dụng hỗ trợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19...
Tin, ảnh: Kim Tiến