Hội nghị trực tuyến triển khai Đề án liên quan đến quản lý đất đai của Bộ TN&MT
BHG - Sáng 25.12, tại tỉnh Hà Tĩnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Đề án “Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, Ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng” (gọi tắt là Đề án); đánh giá hiệu quả hoạt động tập huấn nghiệp vụ cho Văn phòng đăng ký đất đai toàn quốc. Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân chủ trì hội nghị tại điểm cầu trung tâm. Dự tại điểm cầu Hà Giang có lãnh đạo Sở TN&MT và phòng, ban, đơn vị trực thuộc; Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo các huyện: Bắc Quang, Vị Xuyên, Quang Bình, Bắc Mê, Hoàng Su Phì; các công ty lâm nghiệp trên địa bàn.
Các đại biểu dự hội nghị trực tuyến với Bộ TN&MT tại điểm cầu của tỉnh. |
Theo báo cáo của Bộ TN&MT, hiện nay cả nước có hơn 9 triệu ha đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh. Trong đó, có 745 tổ chức (bao gồm các công ty nông, lâm nghiệp, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, ban quản lý rừng và các tổ chức khác), có hơn 7 triệu ha (tại 52 tỉnh thành, thành phố) tiếp tục rà soát tại Đề án. Thực tiễn hiện nay cũng cho thấy, nhiều diện tích đất sau khi được giao còn bị bỏ hoang, lãng phí, nhiều diện tích không được sử dụng đúng mục đích, đất bị tranh chấp, lấn chiếm. Trước thực trạng đó, ngày 7.1.2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 32 phê duyệt Đề án với mục tiêu tăng cường hiệu lực quản lý, hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng, các tổ chức khác và hộ gia đình, cá nhân sử dụng có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh. Trên cơ sở đó, Bộ TN&MT đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện Đề án, tổ chức các Đoàn công tác đi kiểm tra, hỗ trợ về ký thuật; thống kê quỹ đất các nông, lâm trường bàn giao về địa phương… Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện tại các địa phương vẫn còn chậm.
Đối với hoạt động của Văn phòng đăng ký đất đai, đến nay đã có 59/63 tỉnh, thành cả nước thành lập Văn phòng đăng ký đất đai. Nhờ đó, công tác quản lý đất đai của nhà nước về đất đai ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Tại Hà Giang, công tác quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, công ty lâm nghiệp mặc dù đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao song hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc. Tình trạng lấn chiếm, lãng phí tài nguyên đất còn diễn ra. Đối với hoạt động của Văn phòng đăng ký đất đai đã đi vào nề nếp, tuy nhiên việc hạn chế về con người, trang thiết bị vẫn là những khó khăn lớn nhất trong hoạt động hiện nay.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Minh Ngân khẳng định công tác quản lý đất đai nói chung và quản lý đất có nguồn gốc từ các nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, các hộ gia đình trên cả nước đã có sự chuyển biến rõ nét. Có được kết quả trên bên cạnh sử chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, thành phố thì trong thời gian qua, ngành TN&MT đã dành sự quan tâm, chú trọng trong công tác lập quy hoạch, xây dựng dữ liệu địa chính để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước. Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục đầu tư cả về nguồn lực, nhân lực và xây dựng chiến lược dài hạn để thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý đất đai. Tăng cường công tác kiểm tra, hỗ trợ các tỉnh, thành thực hiện công tác quản lý nhà nước. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đất đai… Nhằm đảm bảo Đề án được triển khai theo đúng các nội dung, yêu cầu, nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tin, ảnh: Văn Long