Hà Giang tươi sáng "bức tranh" kinh tế sau 130 năm thành lập tỉnh
BHG - Trải qua 130 năm xây dựng và phát triển, mảnh đất địa đầu cực Bắc của Tổ quốc đã vượt qua muôn vàn khó khăn. Với sự đồng lòng, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã tạo nên “bức tranh” kinh tế ngày một tươi sáng.
Vượt qua gian khổ!
Ngày 20.8.1891, tỉnh Hà Giang được thành lập; trải qua 130 năm, nhân dân các dân tộc Hà Giang đoàn kết, gắn bó, vượt qua gian khổ của chiến tranh, thiên nhiên khắc nghiệt để ngày một phát triển. Giai đoạn 1891-1930, người dân Hà Giang chịu sự khai thác và bóc lột của thực dân Pháp. Ngoài việc đặt Hà Giang vào chế độ quân quản, thực dân Pháp còn duy trì và củng cố quan hệ bóc lột phong kiến sẵn có. Nhiều dân tộc trong tỉnh không có người biết chữ, tỷ lệ mù chữ chiếm trên 95% dân số. Nhiều tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan không được ngăn chặn và có chiều hướng phát triển. Đói rét, bệnh tật, cờ bạc, rượu chè và nạn nghiện hút cùng các hủ tục đã giết dần, giết mòn đồng bào các dân tộc Hà Giang.
Hệ thống đường giao thông trên địa bàn tỉnh Hà Giang được quan tâm đầu tư tới tận thôn bản giúp người dân đi lại thuận tiện. |
Bước vào cuộc đấu tranh giành chính quyền (1930-1945), nhất là từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dưới ánh sáng cách mạng của Đảng, tinh thần yêu nước của nhân dân các dân tộc Hà Giang được tiếp thêm sức mạnh. Ngày 25.12.1945, Đảng bộ tỉnh Hà Giang được thành lập, từng bước lãnh đạo nhân dân các dân tộc vượt qua mọi khó khăn, giải quyết tận gốc nạn thổ phỉ (1947-1962), ra sức phát triển kinh tế, văn hóa, tăng cường xây dựng, củng cố lực lượng vũ trang, thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, chi viện sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), đế quốc Mỹ xâm lược (1954-1975), góp phần vào đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Trong thời kỳ hợp nhất hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang thành tỉnh Hà Tuyên (1976-1991), nhân dân các dân tộc Hà Tuyên đoàn kết một lòng, đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và giành được những thành tựu đáng kể trong phát triển kinh tế. Năm 1979, tỉnh Hà Tuyên bước vào cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc (1979-1989). Nhân dân vừa tham gia phục vụ và khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa đẩy mạnh sản xuất, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống. Vào thời kỳ đầu thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng (1986-1991), Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Tuyên đoàn kết, sáng tạo, với nhiều giải pháp phát triển kinh tế; thực hành tiết kiệm trong tiêu dùng lương thực.
Trồng hoa Tam giác mạch để phục vụ phát triển du lịch - Hướng đi mới của Hà Giang trong những năm gần đây. |
Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII đã quyết định chia tách tỉnh Hà Tuyên thành 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang. Ngày 01.10.1991, tỉnh Hà Giang chính thức được tái thành lập. Đến nay, trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đoàn kết, khắc phục khó khăn, chủ động, sáng tạo tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân, thay đổi cơ bản bộ mặt cơ sở vật chất, hạ tầng KT – XH của tỉnh. “Bức tranh” KT – XH có nhiều khởi sắc; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt khá, có nhiều giai đoạn tốc độ tăng trưởng bình quân cao hơn mức bình quân chung của cả nước.
Tươi mới “bức tranh” kinh tế
Hiện nay, sản xuất nông nghiệp của tỉnh được chú trọng phát triển toàn diện; phát triển mạnh các loại cây trồng, vật nuôi có năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân hàng năm đạt trên 5%. Tập trung đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gắn sản xuất với thị trường; thực hiện chương trình thâm canh, tăng vụ, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tiếp tục đưa các cây trồng có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, tăng diện tích gieo cấy từ 1 vụ lên 2 vụ; tăng cường đưa cán bộ khuyến nông về cơ sở chuyển giao các tiến bộ KHKT cho người lao động.
Đời sống người dân vùng cao Hà Giang đang ngày một cải thiện, nâng cao (Trong ảnh: Một buổi chợ phiên ở thị trấn Mèo Vạc). |
Tỉnh triển khai chính sách trợ giá, trợ cước vận chuyển giống lúa lai, ngô lai, phân bón đến các xã. Tích cực thực hiện chính sách định canh định cư, khai hoang đất đai, cải tạo những diện tích hoang hóa để trồng trọt. Tổng diện tích cây hàng năm năm 2020 tăng lên 175.843 ha, tăng hơn 2 lần so với năm 1991. Diện tích cây lâu năm năm 2020 đạt 37.849 ha, tăng lên 4,7 lần so với năm 1991; trong đó, diện tích cam, quýt năm 2020 đạt 8.887 ha, tăng 9,2 lần so với năm 1991; Diện tích chè năm 2020 đạt 20.353 ha, tăng 4,4 lần so với năm 1991. Tổng sản lượng lương thực năm 2020 đạt 41,1 vạn tấn, tăng 3,2 lần so với năm 1991. Lương thực bình quân đầu người năm 2020 đạt 470kg/người/năm, tăng 1,8 lần so với năm 1991.
Chăn nuôi phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong nông nghiệp, thông qua nhiều hình thức hỗ trợ phát triển chăn nuôi như: Chương trình phát triển 30 nghìn con trâu, bò giai đoạn 2001-2005 đã giúp các hộ nghèo mua được 17.500 con trâu, bò; Đề án phát triển nửa triệu con đại gia súc hàng hóa giai đoạn 2018-2020; Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh năm 2015 hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn cho các hộ mua giống trâu, bò, xây dựng chuồng trại và nuôi ong. Tổng đàn gia súc năm 2020 đạt 101,6 vạn con, tăng 2,3 lần so với năm 1991. Đặc biệt, tỉnh đã có chương trình hỗ trợ trồng cỏ làm thức ăn cho đàn gia súc cho các huyện vùng cao núi đá đầu những năm 2000 và đến nay đã trở thành chương trình sâu rộng, thiết thực, hiệu quả trên toàn tỉnh; tổng diện tích cỏ hiện có trên 23.400 ha. Ngành lâm nghiệp tích cực trồng, chăm sóc, khoanh nuôi, bảo vệ rừng, nâng độ che phủ rừng từ 26% năm 1991 lên 58% vào cuối năm 2020.
Sản xuất công nghiệp chuyển biến tích cực, mở rộng quy mô và phát triển thêm nhiều ngành nghề sản xuất mới. Giá trị sản xuất tăng bình quân hàng năm đạt trên 10%. Sản xuất công nghiệp phát triển theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, loại hình kinh doanh và thành phần kinh tế. Có nhiều cơ sở khai khoáng, tuyển quặng, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến chè, chế biến nông lâm sản, sản xuất các mặt hàng tiêu dùng và xuất khẩu đi vào hoạt động có hiệu quả. Khai thác và phát huy tiềm năng về thủy điện, đến nay toàn tỉnh có 36 nhà máy thủy điện đang hoạt động, sản lượng điện đạt trên 2.659,5 triệu kwh/năm, hàng năm đóng góp gần 25% giá trị vào tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh. Các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống được khơi dậy và khuyến khích phát triển, mở ra hướng phát triển mới, tạo đà phát triển thủ công nghiệp trong nông thôn, góp phần giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Hoạt động thương mại – dịch vụ chuyển đổi từ nền kinh tế tự cấp, tự túc sang nền kinh tế thị trường, tỉnh tập trung sắp xếp lại hệ thống thương nghiệp quốc doanh, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia, đáp ứng ngày một đầy đủ và thuận lợi cho nhu cầu sản xuất và đời sống xã hội trên địa bàn tỉnh. Mở rộng và đầu tư nâng cấp mới hệ thống chợ, điểm bán lẻ về nông thôn, chợ biên giới và ở vùng sâu, vùng xa. Các cơ sở khách sạn, nhà hàng, dịch vụ vui chơi giải trí phát triển; các khu du lịch, điểm du lịch đã và đang được xây dựng. Kinh tế cửa khẩu phát triển, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá không ngừng tăng về quy mô và chủng loại hàng hoá.
Năm 2010, Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành công viên địa chất toàn cầu đầu tiên tại Việt Nam và thứ 2 ở Đông Nam Á; tỉnh tích cực tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước. Từ đó, lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến với Hà Giang năm 2020 ước đạt 1,5 triệu lượt khách, tăng hơn 8 lần so với năm 2010.
Giai đoạn 1998-2003, với chủ trương “Đại công trường xây dựng, Nhà nước và nhân dân cùng làm” về điện, đường, trường, trạm, toàn tỉnh hoàn thành một khối lượng xây dựng cơ bản to lớn, làm thay đổi diện mạo từ thành thị đến các thôn bản ở vùng sâu, vùng xa. Riêng giai đoạn 2000-2005, hoàn thành và đưa vào sử dụng 1.162 công trình với tổng vốn đầu tư 1.194,5 tỷ đồng. Đến năm 2005, 100% số xã có nhà lớp học 2 tầng trở lên, 140 xã có trụ sở làm việc 2 tầng... Năm 2000, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm; cuối năm 2020, 100% số xã có đường nhựa, bê-tông đến trung tâm. Hệ thống các công trình thủy lợi đảm bảo tưới được cho toàn bộ 35.379 ha lúa 2 vụ trên địa bàn tỉnh. Hệ thống cấp nước sinh hoạt cho đồng bào vùng cao được đầu tư xây dựng, giải quyết nước ăn cho 6,5 vạn người ở các xã vùng cao. Tín dụng hàng năm đều tăng trưởng khá; tỉnh có nhiều biện pháp tạo nguồn thu và nuôi dưỡng nguồn thu; tăng tỷ lệ huy động vào ngân sách Nhà nước. Năm 1991 thu ngân sách trên địa bàn đạt 2,5 tỷ đồng, đến năm 2020 đã tăng lên 2.500 tỷ đồng. Các thành phần kinh tế phát triển đa dạng, tích cực tham gia đầu tư phát triển, đến cuối năm 2020 có 2.152 doanh nghiệp, 722 HTX.
Để tiếp tục giữ vững thành quả phát triển kinh tế, tận dụng các cơ hội phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đang tiếp tục đồng lòng triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển KT – XH; sáng tạo, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Hà Giang là tỉnh phát triển về du lịch, thương mại, dịch vụ và nông nghiệp đặc trưng hàng hóa; đến năm 2030 là tỉnh có KT – XH phát triển khá trong khu vực Trung du miền núi phía Bắc; đến năm 2045 là tỉnh có KT – XH trung bình khá của cả nước.
HẢI ĐĂNG