Góp phần thay đổi văn hóa tiêu dùng

12:00, 14/12/2021

BHG - Thời gian qua, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được đẩy mạnh đến khắp các thôn, bản vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Tại các chợ truyền thống, cửa hàng bán lẻ, siêu thị… các mặt hàng sản xuất trong nước đã chiếm thị phần lớn. Thói quen và hành vi mua sắm của người tiêu dùng đã có sự đổi thay đáng kể.

Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị HT Quang Trung (thành phố Hà Giang).
Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị HT Quang Trung (thành phố Hà Giang).

Nằm cách trung tâm huyện Hoàng Su Phì khoảng 20 km, chợ phiên xã Thàng Tín là nơi giao lưu, buôn bán của người dân trên địa bàn và các xã lân cận. Chợ họp cố định mỗi tuần một lần. Mặc dù là xã giáp biên, nhưng phần lớn các sản phẩm tại chợ đều là hàng Việt Nam với tỷ lệ chiếm trên 80%. Bà Vàng Thị Sào, thôn Ngài Thầu, xã Thàng Tín cho biết: Vào mỗi buổi chợ phiên, tôi lại mang các sản phẩm nông sản đi bán và mua sắm đồ dùng thiết yếu cho gia đình. Hầu hết các đồ dùng trong gia đình tôi đều là hàng Việt Nam, từ các loại lương thực, thực phẩm, quần áo, đến đồ điện tử, điện lạnh như ti vi, nồi cơm điện, tủ lạnh… Tôi thấy hàng Việt có rất nhiều ưu điểm như giá thành hợp lý, chất liệu tốt, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng nên những năm gần đây, không chỉ gia đình tôi mà nhiều hộ khác trong thôn, xã cũng tích cực mua sắm, tiêu dùng các mặt hàng sản xuất trong nước.

Tại cửa hàng buôn bán thiết bị điện máy Thọ Hoàn, thị trấn Việt Quang (Bắc Quang), thời gian qua, cửa hàng đã nhập nhiều đồ dùng, thiết bị điện tử, điện lạnh do các doanh nghiệp trong nước sản xuất. Các mặt hàng phong phú, đa dạng về mẫu mã, giá cả, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của khách hàng. Anh Bùi Đức Thọ, chủ cửa hàng cho biết: Gia đình tôi luôn ưu tiên nhập các sản phẩm hàng Việt Nam. Khi khách hàng đến lựa chọn thì tôi cũng luôn giới thiệu sản phẩm hàng Việt nhiều hơn. Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các sản phẩm hàng Việt tại cửa hàng gia đình tôi vẫn đa dạng, giá cả luôn bình ổn, không có tình trạng tăng giá bán bất thường. 

Dạo một vòng quanh các cửa hàng bán lẻ, siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Giang, có thể dễ dàng nhận thấy các cửa hàng đều ưu tiên bố trí không gian bày bán các sản phẩm xuất xứ trong nước. Quanh các khu vực bán hàng bình ổn giá, hàng Việt Nam chất lượng cao được đông đảo người dân lựa chọn mua hàng. Tại chuỗi siêu thị Vinmart, trên kệ hàng của hệ thống, hàng Việt luôn chiếm hơn 70%, đặc biệt luôn duy trì nhiều mặt hàng nông sản sạch sản xuất trong nước, đảm bảo thực phẩm tươi, ngon đến tay người tiêu dùng. Theo quản lý siêu thị Vinmart tại tổ 1, phường Quang Trung (TPHG) các mặt hàng có xuất xứ trong nước luôn được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn vì chất lượng sản phẩm tốt và có giá thành hợp lý.

Những năm qua, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tạo sự đồng thuận của cả cộng đồng, được triển khai rộng khắp đến nông thôn, khu vực miền núi, biên giới, vùng sâu, xa, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH toàn tỉnh. Các cấp, ngành đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động để người tiêu dùng trong tỉnh biết, hiểu, đánh giá đúng về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, khả năng sản xuất, kinh doanh; thực hiện các giải pháp khuyến khích, định hướng tiêu dùng và vận động nhân dân tích cực sử dụng hàng Việt. Qua đó, người tiêu dùng dần nhận thức đúng đắn về sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm hàng hóa dịch vụ sản xuất trong nước; từng bước thay đổi thói quen mua sắm, tiêu dùng. Qua hơn 10 năm triển khai Cuộc vận động đã góp phần đẩy mạnh phân phối hàng hóa đến địa bàn nông thôn, tạo điều kiện đưa hàng Việt Nam đến tay người tiêu dùng ở địa bàn vùng sâu, xa; nâng cao sức mua, kích cầu tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, làm thay đổi bức tranh thương mại và cải thiện đời sống nhân dân. 

Đồng chí Triệu Quốc Lương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Giang cho biết: Thời gian tới, MTTQ sẽ tích cực phối hợp với các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về Cuộc vận động tới các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, HTX nhận thức rõ vai trò, lợi ích và hiệu quả của việc tham gia Cuộc vận động, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Phối hợp đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử; hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX xây dựng điểm bán hàng Việt, đặc biệt là “Điểm bán hàng nông sản tỉnh Hà Giang”; đẩy mạnh tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, vùng sâu, xa… Cùng với đó, tích cực phối hợp trong công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng nhái, các hành vi gian lận thương mại; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. 

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG


Cùng chuyên mục

Quyết Tiến phấn đấu đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao gắn với phát triển du lịch

BHG - Quyết Tiến là xã đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM) năm 2019, có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 6.469 ha với 13 thôn cùng 13 dân tộc anh em sinh sống; xã có hơn 1.770 hộ với trên 7.710 khẩu; có nhiều di sản văn hóa, địa chất đa dạng sinh học; khí hậu mát mẻ, đất đai phì nhiêu, địa hình một số thôn tương đối bằng phẳng thuận tiện cho trồng rau, trồng dược liệu, các dân tộc vẫn giữ được nhiều nét truyền thống đặc sắc…

14/12/2021
Phụ nữ Vị Xuyên tích cực thi đua yêu nước

BHG - Tích cực thi đua lao động sản xuất; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng NTM; cải tạo vườn tạp; xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo; khởi nghiệp; bảo vệ môi trường… Phụ nữ Vị Xuyên đang ngày càng khẳng định vai trò, vị thế của mình trong xã hội, góp phần thực hiện thành công các chỉ tiêu phát triển KT – XH ở địa phương.

 

14/12/2021
Toàn tỉnh có hơn 7.600 hộ thoát nghèo trong năm 2021

BHG - Theo kết quả rà soát của Sở Lao động – TBXH, tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 7.640 hộ thoát nghèo; đưa tổng số hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 34.848 hộ; chiếm tỷ lệ 18,54% tổng số hộ toàn tỉnh và giảm 3,75% tổng số hộ nghèo so với đầu năm 2021.

14/12/2021
Khơi nguồn cho phụ nữ khởi nghiệp

BHG - Ngày nay, không chỉ làm tốt vai trò trong gia đình, những phụ nữ tỉnh ta đã tự tin theo đuổi đam mê, mạnh dạn làm kinh tế để độc lập, chủ động xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc hơn. Một trong những mạch nguồn khơi gợi cho chị em mạnh dạn vươn lên phải kể đến Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025" của Thủ tướng Chính phủ. Đề án đã giúp hàng nghìn phụ nữ thay đổi, tự tin chung sức xây dựng Nông thôn mới và thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế

14/12/2021