Đưa nông sản đặc trưng vươn xa
BHG - Cam Sành, các loại cây ăn quả ôn đới, chè Shan tuyết, dược liệu, lúa đặc sản, Tam giác mạch, bò Vàng vùng cao, gà, lợn địa phương, mật ong Bạc hà, cá Bỗng... là những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, nổi tiếng của tỉnh. Nhưng đến nay chỉ số ít trong đó hình thành chuỗi giá trị, còn lại các sản phẩm dù có hàng hóa nhưng chưa rõ nét, chưa hình thành chuỗi, chưa có thương hiệu và hiệu quả kinh tế không cao.
Các sản phẩm đặc trưng của tỉnh được Hội đồng phân hạng sản phẩm OCOP của tỉnh đánh giá cao. |
Với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng và lịch sử canh tác, sản xuất nông nghiệp của đồng bào các dân tộc, những năm qua tỉnh ta đã phê duyệt 10 chuỗi giá trị triển khai trong giai đoạn 2016-2020 gồm: Cam, chè, Thảo quả, lạc, lúa gạo, trâu, bò, lợn, mật ong, cá đặc sản, gỗ. Đồng thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển nông nghiệp hàng hóa, đặc trưng như các Nghị quyết 209, 86, 29, 09, 58... Qua đó, ngành Nông nghiệp đã chuyển biến tích cực, đóng góp gần 32% vào cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt bình quân trên 4,4%/năm. Phát triển nông nghiệp góp phần đảm bảo an ninh lương thực, tạo việc làm, thu nhập và từng bước nâng cao đời sống của nhân dân, đóng góp tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững, ổn định xã hội, thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Tuy nhiên, các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, đặc sản, chất lượng cao, riêng có của tỉnh chưa được khai thác, phát triển đúng tiềm năng, lợi thế. Hiện nay chỉ có sản phẩm cam Sành, chè Shan tuyết, mật ong Bạc hà, gỗ là có số lượng hàng hóa lớn, bước đầu có sự liên kết trong sản xuất, tiêu thụ, đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân, đóng góp chính vào giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp.
Cây chè Shan tuyết cổ thụ ở xã Cao Bồ (Vị Xuyên) có tuổi thọ hàng trăm năm. |
Toàn tỉnh hiện có trên 20.000 ha chè, trong đó diện tích chè Shan tuyết cổ thụ chiếm 66,6%, sản lượng đạt trên 55.000 tấn/năm. Đã có gần 12.000 ha chè được cấp Chứng nhận GAP (VietGAP và hữu cơ). Sản phẩm chè Shan tuyết Hà Giang đã giành được nhiều giải cao trong các cuộc thi trà quốc tế và hiện đã có mặt trên 20 quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước châu Âu. Giá trị sản xuất ngành Chè năm 2020 đem lại trên 686 tỷ đồng. Diện tích cam có gần 9.000 ha, trong đó đang cho thu hoạch đạt trên 7.760 ha, sản lượng ước đạt 77.810 tấn. Riêng cây cam Sành có diện tích trên 6.100 ha, diện tích cho thu hoạch 5.704,8 ha, sản lượng cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP ước đạt 45.700 tấn. Giá trị ước đạt trên 400 tỷ đồng. Sản lượng mật ong Bạc hà giai đoạn 2016-2020 ước đạt trên 166 nghìn lít/năm, giá trị đạt trên 90 tỷ đồng. Sản phẩm gỗ đã có trên 10.000 ha được cấp Chứng chỉ rừng bền vững FSC, với sản lượng khai thác hàng chục nghìn m3 gỗ mỗi năm…
Với các loại nông sản đặc sản khác dù có diện tích sản xuất lớn như: Dược liệu trên 16.000 ha; Hồng không hạt, lê, mận trên 2.600 ha; 500 ha Tam giác mạch; 107 nghìn con bò Vàng; trên 52.000 con lợn đen Lũng Pù; lúa đặc sản, chất lượng ở 2 huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần đạt gần 7.000 ha… bước đầu đã có hàng hóa, có sự liên kết, thu hút doanh nghiệp, HTX vào đầu tư, một số được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu sản phẩm. Nhưng chưa hình vùng sản xuất hàng hóa tập trung có sản lượng đủ lớn; quy trình sản xuất thông thường; liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ còn lỏng lẻo, dễ phá vỡ; chưa tìm được thị trường tiêu thụ bền vững. Nông nghiệp chưa đáp ứng được vai trò cung cấp sản phẩm cho ngành dịch vụ, du lịch.
Trước thực trạng trên, đầu năm 2021, BTV Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển bền vững cây cam Sành giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết đã và đang đi vào cuộc sống, với hàng chục tỷ đồng được giải ngân cho các hộ vay, từng bước vực dậy và nâng cao thương hiệu, vị thế, giá trị cây cam Sành của tỉnh. Tiếp tục phát huy giá trị các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh, BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị giai đoạn 2021-2025 với định hướng tận dụng lợi thế so sánh về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng các tiểu vùng, tập trung nguồn lực phát triển 5 cây (cây ăn quả ôn đới, chè Shan tuyết, cây dược liệu, lúa đặc sản chất lượng cao, Tam giác mạch), 3 con (bò Vàng, lợn Lũng Pù và mật ong Bạc hà) trở thành sản phẩm nông nghiệp đặc trưng theo chuỗi giá trị gắn với phát triển du lịch. Hướng tới mục tiêu nâng cấp, hoàn thiện chuỗi giá trị đã có và phát triển mới các chuỗi tiềm năng trở thành hàng hóa với quy mô phù hợp từng tiểu vùng và tín hiệu thị trường…
Những Nghị quyết của BTV Tỉnh ủy, BCH Đảng bộ tỉnh cho thấy sự quan tâm, quyết tâm đặc biệt của tỉnh nhằm khai thác tối đa lợi thế các sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp. Đây là cơ hội, động lực thúc đẩy phát triển, khẳng định thương hiệu và đưa sản phẩm nông sản đặc trưng, đặc sản của tỉnh vươn xa trong thời gian tới. Góp phần thực hiện thắng lợi khâu đột phá “Phát triển du lịch, nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị” mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra.
Bài, ảnh: Duy Tuấn