"Bức tranh" kinh tế trong đại dịch - Kỳ 2: "Lửa thử vàng, gian nan thử sức"

10:28, 26/12/2021

BHG - Dịch Covid – 19 là “phép thử” mạnh đối với sự phát triển KT – XH của tỉnh, đặc biệt trong điều kiện nguồn lực hạn chế. Trong gian khó, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, kiên định “mục tiêu kép”, tỉnh đã từng bước khống chế dịch bệnh, phục hồi kinh tế với nhiều kết quả ấn tượng.

Người dân xã Đạo Đức (Vị Xuyên) trồng cây vụ Đông cho thu nhập cao.
Người dân xã Đạo Đức (Vị Xuyên) trồng cây vụ Đông cho thu nhập cao.

Thích ứng an toàn, linh hoạt

Chỉ trong khoảng 20 ngày, từ khi có ca F0 đầu tiên trong cộng đồng đến khi dịch cơ bản được kiểm soát, toàn tỉnh ghi nhận trên 5 nghìn F0, trong đó trên 700 F0 trong cộng đồng, hàng chục nghìn F1, F2 được truy vết “thần tốc”, nhiều vùng phải thực hiện phong tỏa, cách ly, các cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân được thành lập; F0, F1 thí điểm cách ly, điều trị tại nhà hiệu quả. Cả hệ thống chính trị và người dân vào cuộc quyết liệt, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. Sự chủ động, linh hoạt, hiệu quả trong phòng chống dịch của tỉnh được T.Ư đánh giá cao, nhiều địa phương học tập kinh nghiệm.

Giám đốc HTX chè Shan tuyết Cao Bồ (Vị Xuyên) Nguyễn Mạnh Ngữ quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử.
Giám đốc HTX chè Shan tuyết Cao Bồ (Vị Xuyên) Nguyễn Mạnh Ngữ quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử.

Trong đại dịch, chủ trương chuyển đổi số của tỉnh được các ngành, địa phương áp dụng hiệu quả. Đầu tiên có thể kể đến ngành Du lịch (DL). Lần đầu tiên, Tuần văn hóa Lễ hội qua miền di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì và Lễ hội hoa Tam giác mạch lần thứ VII được tổ chức thành công trên các nền tảng số thu hút sự quan tâm, theo dõi của nhiều kênh truyền thông, công ty DL, lữ hành và du khách trong, ngoài nước. Cũng trong năm nay, một loạt sự kiện DL được tổ chức thành công như bước “chạy đà” quan trọng cho sự trở lại của ngành trong điều kiện mới: Hội thảo phát triển sản phẩm DL, khám phá tour DL mới, khảo sát Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tọa đàm trực tuyến, làm clip giới thiệu DL Hà Giang, phối hợp với các doanh nghiệp (DN) xây dựng kế hoạch chuyển đổi số ngành DL, triển khai tổng đài đa kênh hỗ trợ du khách, cổng DL thông minh, ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển DL Hà Giang thông qua chuyển đổi số và DL thông minh; chương trình trải nghiệm DL online trực tuyến khám phá mùa hoa Tam giác mạch.

Cùng với DL, hàng trăm tấn cam Hà Giang và trên 100 loại sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh đã bán đến tay người tiêu dùng thông qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT) như: Voso, Sendo, Postmart, lazada và các wedsize, mạng xã hội. Lần đầu tiên, những người nông dân “một nắng hai sương” trên đồng ruộng biết đến công nghệ số, được tập huấn, đào tạo, hướng dẫn vận hành trang thông tin điện tử, trở thành những “công dân số”. Giám đốc HTX chè Shan tuyết Cao Bồ (Vị Xuyên) Nguyễn Mạnh Ngữ chia sẻ: “HTX chuyên sản xuất các loại chè Shan tuyết, chè Vàng, chè Lam, hoa trà Shan tuyết, Bạch trà. Sản phẩm chủ yếu được giới thiệu, quảng bá trên các sàn TMĐT Shopee, Ladada, wedside HTX và các trang Websize về chè, facebook, zalo cá nhân. Khách hàng của HTX chủ yếu ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi năm HTX xuất bán trên 12 tấn chè các loại. Trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, tuy có ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nhưng việc tiêu thụ sản phẩm vẫn đảm bảo, giúp HTX ổn định nguồn thu và duy trì hoạt động tốt”. 

Các cơ quan, đơn vị ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, làm việc, học tập online, giao dịch không dùng tiền mặt để đảm bảo phòng chống dịch. Bên cạnh đó, để bù đắp thiếu hụt trong phát triển kinh tế, tỉnh chỉ đạo các địa phương tập trung phát triển nông nghiệp bền vững, chú trọng trồng cây vụ Đông với cây, con giống chất lượng, hiệu quả, đẩy mạnh liên kết sản xuất, tạo đầu ra cho sản phẩm. Nhiều DN, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19 được hưởng chế độ hỗ trợ theo các nghị quyết của Chính phủ về trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất; giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp; gia hạn thời hạn nộp các loại thuế; cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi suất và cho vay mới ưu đãi lãi suất. Qua đó giúp DN, người lao động phục hồi sản xuất, vượt qua đại dịch.

Nhiều gam màu sáng

Đầu tháng 12, việc khai trương 2 nhà máy sản xuất lớn là Nhà máy Dược liệu Bông Sen Vàng và Nhà máy sản xuất gạch Tuynel Tân Bắc (Quang Bình) là tín hiệu mừng cho thấy DN đang thích ứng linh hoạt, hoạt động trở lại mạnh mẽ sau thời gian dài bị ảnh hưởng. Với công nghệ hiện đại, quy mô sản xuất lớn, khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương, 2 nhà máy đi vào hoạt động mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho tỉnh, đồng thời khẳng định sự ưu việt trong chính sách thu hút đầu tư và sự đồng hành, quan tâm của tỉnh với DN. 

Tại huyện Vị Xuyên, gam màu sáng trong bức tranh kinh tế hiện hữu trong nhiều lĩnh vực. Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên Hoàng Thanh Tịnh cho biết: “Điểm nổi bật trong phát triển KT – XH của huyện năm 2021 là nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh; nhiều chương trình sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung theo chuỗi liên kết hiệu quả; cây vụ Đông mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân; có 13 sản phẩm đặc trưng của huyện đề nghị tỉnh đánh giá, phân loại sao OCOP; hoạt động công nghiệp khởi sắc với các nhà máy thủy điện mới đi vào hoạt động; giao thông đột phá với nhiều tuyến đường được làm mới. Có 39/48 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch”. Tại thành phố Hà Giang, dấu hiệu phục hồi kinh tế được khắc họa khá rõ nét. Thành phố có 31/37 chỉ tiêu đạt và vượt nghị quyết, nhiều kết quả nổi bật tiêu biểu trong công tác lập quy hoạch, bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm; đấu giá tài sản; sản xuất nông nghiệp thắng lợi.

Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, người dân và DN, KT – XH của tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng. Có 23/32 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Đặc biệt, chương trình nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo khó khăn về nhà ở đạt kết quả cao với trên 1.395 hộ hoàn thành; chương trình cải tạo vườn tạp có sức lan tỏa mạnh mẽ với 1.143 hộ thực hiện, tổng diện tích vườn cải tạo trên 931 nghìn m2. Trong năm có 216 DN, đơn vị trực thuộc đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 2.101,4 tỷ đồng; 90 DN hoạt động trở lại và 52 HTX thành lập mới; 20 dự án được chấp thuận đầu tư với tổng vốn đăng ký 3.409,9 tỷ đồng. Các tuyến đường giao thông được đầu tư cải tạo, sửa chữa và nâng cấp; hoàn thành và đi vào hoạt động 4 nhà máy thủy điện với tổng công suất 82,2 MW. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 7.288,6 tỷ đồng, tăng 17,18% so với năm 2020; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 144,6% kế hoạch T.Ư giao; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 12.010 tỷ đồng; giá trị sản phẩm trồng trọt thu hoạch bình quân/ha đất canh tác đạt 53,05 triệu đồng; tăng trưởng tín dụng tăng 8,8% so với năm 2020; tỉ lệ hộ nghèo giảm 4%; tỉ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 45,3%. Chương trình chuyển đổi số đạt nhiều kết quả trên cả 3 trụ cột; các chỉ số về cải cách hành chính đều tăng bậc; quốc phòng, an ninh được giữ vững, công tác đối ngoại đi vào chiều sâu. 

Những kết quả đạt được trên các lĩnh vực tạo tiền đề quan trọng để tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp trong thời gian tiếp theo.

Bài, ảnh:  BIỆN LUÂN

Kỳ cuối: Quyết sách mạnh mẽ cho hành trình phát triển


Cùng chuyên mục

Chủ động và đảm bảo công tác thu chi dịch vụ môi trường rừng hiệu quả

BHG - Hiện nay tổng diện tích rừng trên địa bàn tỉnh có cung ứng dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trên 458.314ha, chiếm 99,6% diện tích rừng toàn tỉnh, thuộc quản lý của 15 chủ rừng là tổ chức, 32.667 chủ rừng là hộ gia đình/cá nhân, nhóm hộ, cộng đồng dân cư được giao rừng và 1.917 cộng đồng dân cư trên địa bàn 193 xã/phường/thị trấn nhận khoán bảo vệ rừng (BVR).

26/12/2021
Giá xăng, dầu đồng loạt tăng trở lại

Liên Bộ Công thương-Tài chính vừa thông báo điều chỉnh giá xăng, dầu áp dụng từ 15 giờ ngày 25/12. Theo đó, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 470 đồng, RON 95 tăng 400 đồng, dầu tăng tối đa 240 đồng một lít.

25/12/2021
Hội nghị trực tuyến triển khai Đề án liên quan đến quản lý đất đai của Bộ TN&MT

BHG - Sáng 25.12, tại tỉnh Hà Tĩnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Đề án "Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, Ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng" (gọi tắt là Đề án); đánh giá hiệu quả hoạt động tập huấn nghiệp vụ cho Văn phòng đăng ký đất đai toàn quốc. Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân chủ trì hội nghị tại điểm cầu trung tâm.

25/12/2021
"Bức tranh" kinh tế trong đại dịch - kỳ 1: Lực cản mang tên Covid - 19

BHG - Dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng toàn diện lên nền kinh tế và đời sống nhân dân khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ, doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, người lao động mất việc làm, các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nhiều chỉ tiêu phát triển KT – XH không đạt kế hoạch. Trong bối cảnh đó, đòi hỏi sự quyết liệt, chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền và sự năng động của người dân, doanh nghiệp để vượt qua đại dịch.

24/12/2021