"Bức tranh" kinh tế trong đại dịch - kỳ 1: Lực cản mang tên Covid - 19
BHG - Dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng toàn diện lên nền kinh tế và đời sống nhân dân khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ, doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, người lao động mất việc làm, các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nhiều chỉ tiêu phát triển KT – XH không đạt kế hoạch. Trong bối cảnh đó, đòi hỏi sự quyết liệt, chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền và sự năng động của người dân, doanh nghiệp để vượt qua đại dịch.
Lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm soát giá cả trong mùa dịch. |
Một năm nay, homestay của chị Đinh Thị Khánh, xã Bản Luốc (Hoàng Su Phì) gần như ngừng hoạt động bởi rất ít khách du lịch (DL). Chị Khánh cho biết: “Mọi năm, vào mùa nước đổ hay mùa lúa chín trên ruộng bậc thang, tôi đón hàng trăm lượt du khách. Doanh thu hàng năm đạt trên 300 triệu đồng. Tuy nhiên, năm nay, dịch Covid – 19 khiến homestay gặp nhiều khó khăn, khách DL rất ít. Đặc biệt từ cuối tháng 10, khi dịch diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, homestay đóng cửa để đảm bảo công tác phòng chống dịch”.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Triệu Thị Tình chia sẻ: “Những năm qua, DL tỉnh nhà đã có bước tiến vượt bậc, khách DL đến tỉnh tăng mạnh qua từng năm, mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân, tuy nhiên, đây cũng là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid – 19, DL giảm sâu cả về lượng khách và doanh thu, là chỉ tiêu đạt thấp nhất của tỉnh".
Cùng với DL, hoạt động thương mại, dịch vụ, vận tải tuy có tăng so với năm 2020 nhưng vẫn không đạt kế hoạch đề ra do sức mua giảm, nhiều nhà hàng, khách sạn và các dịch vụ khác phải đóng cửa trong thời gian dài để phòng chống dịch; vận tải hành khách ngoại tỉnh có thời điểm phải dừng hoạt động. Hoạt động xuất, nhập khẩu cũng chung “số phận” khi chỉ đạt 81,5% kế hoạch. Theo lãnh đạo Sở Công thương: Mặc dù ngành và các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp tích cực hỗ trợ doanh nghiệp và đàm phán với phía đối đẳng, tuy nhiên do cả 2 nước đều thực hiện các biện pháp mạnh để ngăn chặn dịch Covid – 19 nên hoạt động xuất, nhập khẩu bị ngưng trệ.
Lĩnh vực xây dựng có mức tăng trưởng thấp, chỉ đạt gần 3,5%. Nguyên nhân do tác động của dịch Covid-19 và giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, giải phóng mặt bằng chậm ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư xây dựng của nhiều dự án; giải ngân các nguồn vốn đầu tư công chậm, các chương trình mục tiêu quốc gia chưa được T.Ư hướng dẫn và giao vốn ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực này. Từ đó, kéo giảm mức tăng trưởng chung của khu vực công nghiệp - xây dựng.
Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng khiến nhiều doanh nghiệp trong tỉnh phải tạm dừng hoạt động, hoạt động cầm chừng hoặc thu hẹp quy mô sản xuất, ảnh hưởng trực tiếp đến doang thu. Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ và Thương mại ô tô Phương Thuận Phát (thành phố Hà Giang) Nguyễn Huy Phương chia sẻ: “Dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp khiến hoạt động kinh doanh của Công ty gặp nhiều khó khăn, doanh thu giảm gần 40%; người lao động phải luân phiên nghỉ việc, ảnh hưởng đến thu nhập”.
Dịch bệnh Covid - 19 diễn biến phức tạp khiến nhiều địa phương trong cả nước phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội kéo dài, nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoạt động khiến hàng nghìn công nhân mất việc làm, phải hồi hương, kéo theo nhiều hệ lụy xã hội. Trong năm, toàn tỉnh có trên 37.500 công dân từ vùng dịch trở về địa phương phải thực hiện cách ly y tế phòng, chống dịch. Đặc biệt dịch bùng phát và diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh từ ngày 25.10 đến nay đã có trên 6.300 F0 khiến nỗ lực “tăng tốc” phát triển KT – XH những tháng cuối năm bị ảnh hưởng khi nhiều người phải cách ly y tế, nhiều vùng bị phong tỏa, hàng nghìn hộ dân bị ảnh hưởng cuộc sống, mất việc làm, giảm thu nhập. Dịch xâm nhập trường học, nhiều giáo viên, học sinh là F0, học sinh toàn tỉnh phải nghỉ học khiến chương trình học bị gián đoạn. Toàn bộ lực lượng y tế tập trung cho phòng, chống dịch khiến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và thực hiện các mục tiêu quốc gia về y tế bị ảnh hưởng. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, lễ hội đều bị “đóng băng” trong thời gian dài. Bên cạnh đó, tỉnh đã chi trên 150 tỷ đồng cho phòng, chống dịch khiến ngân sách nhà nước chi cho đầu tư phát triển bị hạn chế.
Dịch Covid – 19 tác động toàn diện lên nền kinh tế và đời sống nhân dân khiến 9/32 chỉ tiêu phát triển KT – XH năm 2021 không đạt kế hoạch; trong đó thấp nhất là thu hút khách DL chỉ đạt dưới 50%; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5,5 - 6%/7,5% kế hoạch. Có 183 doanh nghiệp, HTX phải tạm ngừng kinh doanh, giải thể. Tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVII vừa qua, các đại biểu thẳng thắn phân tích, đánh giá những khó khăn, hạn chế, nguyên nhân những chỉ tiêu không đạt kế hoạch, trong đó cơ bản các nguyên nhân liên quan đến dịch Covid – 19 như: Hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, vận tải bị ngưng trệ, sức mua sụt giảm, nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoặc hoạt động cầm chừng, hàng hóa tồn kho, không xuất khẩu được, nhiều chuyên gia nước ngoài không sang Việt Nam được để thẩm định các dự án có vốn đầu tư nước ngoài…
Khó khăn bao trùm là từ khóa để nhận diện điều kiện phát triển KT – XH năm nay. Tuy nhiên, để biến khó khăn thành cơ hội phát triển, tỉnh đã chủ động thích ứng linh hoạt, an toàn, phòng chống dịch hiệu quả, phục hồi sản xuất với những cách làm đổi mới, phù hợp, sáng tạo, tạo nên những gam màu sáng trong bức tranh kinh tế giữa đại dịch.
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN
Kỳ 2: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”
[links()]