Bắc Quang xây dựng nền nông nghiệp toàn diện, hiện đại
BHG - Những quyết sách mang tính chiến lược, đột phá trong sản xuất nông, lâm nghiệp của cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Quang đi vào cuộc sống, được nhân dân đón nhận, trở thành tiền đề quan trọng để huyện Bắc Quang xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại.
Người dân xã Tân Quang thu hoạch cam Vàng. |
Với quan điểm tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Quang có nhiều quyết sách quan trọng đối với ngành Nông nghiệp. Trong đó, tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc, cây dược liệu và rừng sản xuất ở các xã phía Đông sông Lô; phát triển gia trại, trang trại chăn nuôi lợn, gia cầm, thủy cầm và sản xuất hàng hóa đối với các sản phẩm chủ lực có thế mạnh của huyện... Hiện, huyện Bắc Quang đã quy hoạch, phát triển 5 vùng sản xuất hàng hóa chủ lực gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, bao gồm: Vùng sản xuất chuyên canh cam với tổng diện tích trên 4.000 ha, sản lượng đạt hơn 40.000 tấn/năm; vùng sản xuất chè trên 5.000 ha, sản lượng chè búp tươi 25.000 tấn/năm; sản xuất lạc hàng hóa hơn 2.000 ha, sản lượng 6.300 tấn/năm; vùng chăn nuôi đại gia súc quy mô trên 22.000 con/năm, chăn nuôi lợn trên 85.000 con/năm và vùng trồng rừng kinh tế tập trung bằng giống tốt quy mô gần 3,5 nghìn ha, đạt 208,3% so với kế hoạch.
Trước đây, chăn nuôi của huyện quy mô nhỏ lẻ thì nay dần chuyển sang sản xuất hàng hóa tập trung theo hình thức gia trại, trang trại, phương thức công nghiệp gắn với đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh. Toàn huyện hiện có hơn 7.900 hộ chăn nuôi gia súc. Trong đó, duy trì 46 trang trại, giá trị thu nhập ước đạt từ 500 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng/trang trại/năm. Đặc biệt, để nâng cao chất lượng, tầm vóc đàn gia súc, nâng cao giá trị kinh tế từ chăn nuôi, năm 2017, huyện triển khai chương trình thụ tinh nhân tạo cho đàn trâu tại xã Hùng An và nay nhân rộng 21/23 xã, thị trấn. Từ phương pháp này, gần 800 con trâu được phối giống thành công, có 615 nghé chào đời với thể trạng, tầm vóc vượt trội 10% so với nghé thụ tinh truyền thống.
Cùng với kết quả trên, ngành Lâm nghiệp chuyển hướng mạnh từ lâm nghiệp nhà nước sang lâm nghiệp xã hội, có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế; chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn và trồng rừng đa mục đích. Với chủ trương phát triển rừng kinh tế gắn trách nhiệm với quyền lợi người trồng rừng đã tạo động lực mới trong phong trào phát triển lâm nghiệp tại các địa phương. Nhiều gia đình chuyển từ canh tác nương rẫy sang trồng rừng sản xuất; chuyển từ khai thác tài nguyên rừng sang trồng mới, bảo vệ, khoanh nuôi phục hồi rừng, tái sinh và khai thác rừng trồng hiệu quả. Năm 2021, huyện tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý lâm nghiệp, triển khai trồng trên 810 ha rừng, bảo vệ 50.314 ha, khoanh nuôi 800 ha, giao 3.000 ha rừng cho cộng đồng dân cư quản lý. Đặc biệt, khối lượng khai thác, tiêu thụ gỗ rừng trồng bình quân đạt 95 nghìn m3/năm. Tổng giá trị sản xuất lâm nghiệp (bao gồm cả lâm sản ngoài gỗ) ước đạt trên 2,1 nghìn tỷ đồng... Bên cạnh đó, để từng bước hiện đại hóa nền nông nghiệp, huyện Bắc Quang lựa chọn những loại máy móc phù hợp với điều kiện sản xuất của từng địa phương để đem lại hiệu quả cao trong sản xuất. Hiện, toàn huyện có trên có 9,3 nghìn máy nông nghiệp phục vụ khâu làm đất, gieo hạt, chăm sóc, thu hoạch; nâng tỷ lệ cơ giới hóa trong các khâu đạt 53,5%. Việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất không chỉ giải phóng sức lao động mà còn góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc sản của huyện từng bước khẳng định uy tín, danh tiếng trên thị trường, như: Cam Sành Bắc Quang, chè Shan tuyết, dầu Lạc...
Thông qua những quyết sách quan trọng, nền nông nghiệp Bắc Quang không ngừng bứt phá theo hướng hiện đại với nhiều thành tựu nổi bật: Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 8,04%/năm; giá trị sản phẩm/1 ha đạt gần 71 triệu đồng; tỷ trọng chăn nuôi chiếm 33,55%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 66,3%... Hiện nay, huyện Bắc Quang đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tiếp tục khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ, nâng cao giá trị gia tăng. Đồng thời, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, tăng cường liên doanh, liên kết, đa dạng hóa trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại; quan tâm phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp đảm bảo hài hòa mục tiêu phát triển xã hội và môi trường bền vững…
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG