Tập trung sản xuất vụ Đông
BHG - Những ngày này, trên khắp cánh đồng tại các địa phương trong tỉnh, nông dân đang khẩn trương thu hoạch các giống cây trồng vụ Mùa, tranh thủ thời tiết thuận lợi làm đất, chuẩn bị giống, vật tư, phân bón để gieo trồng các loại cây vụ Đông.
Người dân thị trấn Vinh Quang (Hoàng Su Phì) trồng rau vụ Đông. Ảnh: Tư liệu |
Những năm gần đây, các huyện, thành phố đều xác định vụ Đông là vụ sản xuất chính, do đó diện tích, sản lượng cây vụ Đông tăng dần theo từng năm. Năm 2020, tổng diện tích cây vụ Đông toàn tỉnh là 11.040,4 ha, vượt kế hoạch đề ra 377,4 ha. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Vũ Văn Hiếu cho biết: Tổng diện tích gieo trồng cây vụ Đông những năm gần đây tăng đáng kể, do nhận thức của người dân đã có sự thay đổi, nông dân ngày càng quan tâm, đầu tư thâm canh, đưa các giống cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Một số huyện vùng thấp như Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên còn chủ động liên kết với doanh nghiệp thực hiện trồng ngô sinh khối đem lại giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, đối với nhóm cây rau, đậu, chiếm diện tích lớn trong cơ cấu cây vụ Đông, ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo đa dạng hóa chủng loại sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn, rau nhà lưới; chủ động xây dựng phương án phòng trừ sâu bệnh hại… góp phần nâng cao giá trị sản xuất vụ Đông cho nông dân.
Theo nhận định của ngành chuyên môn, dự báo các tháng mùa Đông, từ tháng 9.2021 đến tháng 2.2022, các đợt rét đậm, rét hại có khả năng xảy ra sớm. Nhiệt độ trung bình mùa Đông năm 2021 – 2022 có xu hướng thấp hơn so với mùa Đông năm 2020 – 2021. Trên cơ sở đó, ngành Nông nghiệp đã xác định rõ cơ cấu giống, những nhóm cây trồng cần tập trung mở rộng diện tích cũng như các biện pháp kỹ thuật phù hợp để tập trung hướng dẫn nông dân.
Theo đó, nhóm cây trồng chủ lực trong vụ Đông 2021 – 2022 gồm: Ngô, khoai lang, khoai tây, rau, đậu các loại, Tam giác mạch. Trong đó, cây ngô và cây rau được xem là chủ lực trong cả vụ Đông. Đồng thời, tiếp tục đa dạng hóa các nhóm cây trồng khác, đặc biệt chú ý trồng rải vụ đối với cây rau nhằm giảm áp lực tiêu thụ trong cùng một thời điểm. Mở rộng các cây trồng có thị trường tiêu thụ tốt như: Ớt, dưa chuột bao tử, bí xanh, bí ngô…
Vùng trồng rau vụ Đông thôn Ngài Thầu, xã Thàng Tín (Hoàng Su Phì) những ngày này, bà con đang khẩn trương gieo trồng các loại rau. Từ nhiều năm nay, các hộ dân trong thôn rất tích cực trồng rau xanh trái vụ bán ra thị trường để tăng thêm thu nhập. Bà Vàng Thị Sào, thôn Ngài Thầu cho biết: Cứ khoảng tháng 8, tháng 9 là bà con lại khẩn trương thu hoạch lúa Mùa, làm đất, chuẩn bị giống, phân bón để trồng rau vụ Đông. Các giống rau như: Bắp cải, su hào, đậu hà lan, cải thảo, súp lơ… rất hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương. Sau khi trồng, chăm sóc từ 2 - 3 tháng, diện tích rau sẽ cho thu hoạch, mỗi năm trừ chi phí, các hộ có thu nhập trung bình từ 5 - 8 triệu đồng, có hộ trồng nhiều và đa dạng giống rau, thu nhập đạt trên 20 triệu đồng/vụ. Từ đó đã hình thành phong trào sản xuất vụ Đông rất sôi nổi trên địa bàn thôn với hơn 20 ha rau vụ Đông duy trì hàng năm.
Theo kế hoạch, vụ Đông 2021 – 2022, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng 11.556,9 ha; trong đó, cây ngô phấn đấu gieo trồng 1.527,7 ha, rau các loại 7.941 ha, đậu các loại 1.011 ha; còn lại là khoai lang, khoai tây, Tam giác mạch… Hiện nay, các địa phương đang tập trung làm đất, thu hoạch vụ Mùa đến đâu gieo trồng rau màu vụ Đông đến đó. Đối với nhóm cây ưa ấm, đã trồng xong trước ngày 30.9, lựa chọn giống có thời gian sinh trưởng ngắn để tránh bị ảnh hưởng bởi các đợt rét đậm, rét hại được dự báo sẽ xuất hiện sớm hơn so với mọi năm; nhóm cây ưa lạnh trồng tập trung từ trung tuần tháng 10 đến trung tuần tháng 11.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT cho biết: Ngành đã chủ động tham mưu cho tỉnh ban hành các văn bản, kế hoạch chỉ đạo các huyện, thành phố chủ động sản xuất vụ Đông theo đúng khung thời vụ, cơ cấu giống; đảm bảo cung ứng đầy đủ giống, vật tư, phân bón cho nông dân. Khuyến khích các địa phương thực hiện cơ chế hỗ trợ đầu tư ứng trước có thu hồi (giống và phân bón) để khuyến khích người dân đẩy mạnh sản xuất vụ Đông. Chủ động liên kết với các doanh nghiệp trong khâu sản xuất, tiêu thụ nông sản. Vụ Đông là vụ sản xuất chịu nhiều tác động của yếu tố thời tiết, do vậy ngành sẽ tăng cường công tác dự báo, nắm chắc diễn biến sâu bệnh trên đồng ruộng để hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ.
YÊN HOA