Tạo "sức bật" cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số
BHG - Hà Giang có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm trên 87%. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách đối với đồng bào DTTS, giải quyết được cơ bản những khó khăn về đời sống, sản xuất, đặc biệt giảm hộ nghèo nhanh và bền vững. Qua đó, góp phần ổn định chính trị, giữ vững QP - AN; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Người Phù Lá, thôn Bản Máy, xã Bản Máy (Hoàng Su Phì) tích cực trồng đậu tương theo hướng thâm canh tăng vụ. |
Những năm qua, với việc lồng ghép linh hoạt các chương trình, dự án, chính sách dân tộc như Chương trình 135, Quyết định 2086/QĐ-TTg… tỉnh ta đã đầu tư nguồn lực nhằm hỗ trợ sản xuất, giải quyết việc làm, tạo sinh kế trong vùng đồng bào DTTS. Trong đó, thực hiện Quyết định 2086/QĐ-TTg, từ năm 2018 – 2020, toàn tỉnh hỗ trợ trên 4,3 tỷ đồng cho 1.085 hộ DTTS mua giống, phân bón, vật tư nông nghiệp. Các mô hình đa dạng hóa sinh kế như: Chăn nuôi trâu, bò, dê hàng hóa; chăn nuôi lợn, gà thương phẩm; sản xuất rau chuyên canh đã giúp đồng bào thay đổi nhận thức, hành vi về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Từ nguồn vốn của Chương trình 135, trong giai đoạn 2018 – 2020, tỉnh ta hỗ trợ gần 180 tỷ đồng, giúp trên 258.000 lượt hộ DTTS mua giống cây trồng, vật nuôi, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT; xây dựng mô hình giảm nghèo cho 2.187 hộ dân.
Trở lại cụm dân cư dân tộc Phù Lá, thôn Bản Máy, xã Bản Máy (Hoàng Su Phì), chúng tôi được chứng kiến sự đổi thay đáng kể của nơi đây nhờ nguồn vốn hỗ trợ của Quyết định 2086/QĐ-TTg. Năm 2019, với tổng nguồn vốn 500 triệu đồng, 37 hộ dân tộc Phù Lá được hỗ trợ vốn để cải tạo khu vệ sinh, cấp giống rau, phân bón để thực hiện mô hình trồng rau dinh dưỡng. Ngoài ra, hỗ trợ cho 28 gia đình 28 con bò giống; trồng mới 5 ha Hồng không hạt, 1 ha mận Máu, 235 trụ cây Thanh long và chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cỏ chăn nuôi trâu, bò. Anh Súng Sào Vinh, thôn Bản Máy phấn khởi cho biết: Không chỉ được hỗ trợ nguồn vốn vay, chúng tôi còn được tập huấn, hướng dẫn kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế gia đình. Chính quyền huyện, xã cũng tiến hành xây dựng bể chứa nước và hỗ trợ 13 hộ nghèo đặc biệt khó khăn xây dựng nhà ở theo Quyết định 1953 của tỉnh. Tuyến đường vào thôn cũng được nâng cấp, cải tạo; đời sống của người dân trong thôn ngày càng được nâng lên.
Dưới sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, đoàn thể cùng với các chương trình, chính sách đầu tư của T.Ư; những năm qua KT - XH vùng đồng bào DTTS tỉnh ta đã có nhiều khởi sắc, phát triển khá so với trước đây. Cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư; các mô hình phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế ngày càng được nhân rộng, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân và giúp đồng bào thay đổi nhận thức, tự lực vươn lên. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm mạnh, từ 43,65% (năm 2016) xuống còn hơn 22% (năm 2020)...
Nhằm đẩy mạnh thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục chủ động tham mưu cho tỉnh triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc; đặc biệt là “Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030” theo Nghị quyết của Quốc hội. Trong đó, chú trọng giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, ổn định dân cư vùng đồng bào DTTS; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng, miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng DTTS. Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch; chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS.
Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh khẳng định: Thời gian tới ngành tiếp tục đôn đốc, kiểm tra thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc đang triển khai đảm bảo phát huy hiệu quả. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội vùng DTTS, giải quyết kịp thời những khó khăn, kiến nghị của người dân. Tham mưu cho tỉnh ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KT – XH vùng DTTS, nhất là đường giao thông, điện, công trình thủy lợi, chợ, trường học, trạm y tế; bảo đảm các gia đình DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia, dịch vụ phát thanh, truyền hình, viễn thông phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt. Thúc đẩy đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững, qua đó tạo “sức bật” để vùng đồng bào DTTS vươn lên.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG