Mèo Vạc phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện
BHG - Những nhà máy thủy điện được đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện Mèo Vạc đã tạo nên vùng lòng hồ rộng lớn. Tận dụng lợi thế này, huyện đã triển khai, phát triển mô hình nuôi cá lồng, qua đó đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân và giảm nghèo bền vững.
Hợp tác xã Du lịch – Dịch vụ nuôi trồng thủy sản Châu Kiệt, xã Khâu Vai thực hiện mô hình nuôi cá lồng kết hợp chăn nuôi vịt mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Hiện nay, huyện Mèo Vạc có 5 vùng lòng hồ thủy điện với tổng diện tích mặt nước trên 440 ha, thuộc địa bàn 11 xã. Các vùng lòng hồ được tạo nên bởi các công trình thủy điện: Nho Quế 1, 2, 3, Bảo Lâm 3 và sông Nhiệm 4. Với diện tích mặt nước rộng lớn này, hiện có 3 xã đã triển khai mô hình nuôi cá lồng, trong đó xã Niêm Tòng có 20 lồng, Khâu Vai 16 lồng và xã Pải Lủng có 4 lồng. Loại cá các địa phương chăn nuôi chủ yếu là Trắm, Chép, Rô phi đơn tính, Lăng, Bỗng... Tổng sản lượng cá lồng đạt khoảng 14 tấn/năm, riêng sản lượng cá lồng ở xã Khâu Vai đạt khoảng 13 tấn/năm; 2 xã còn lại bước đầu cho thu hoạch do mới triển khai.
Tại xã Khâu Vai, tận dụng diện tích lòng hồ Thủy điện Nho Quế 3, cuối năm 2019, Hợp tác xã (HTX) Du lịch – Dịch vụ nuôi trồng thủy sản Châu Kiệt đã triển khai nuôi 6 lồng cá; sau 2 năm, HTX đã phát triển lên 16 lồng. Phó Giám đốc HTX Lương Văn Hùng chia sẻ: Việc triển khai mô hình nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ thủy điện có một số thuận lợi như: Đây là vùng có nguồn nước ổn định, chất lượng nước sạch, chưa bị ô nhiễm; lồng nuôi ít bị ảnh hưởng bởi dòng chảy, thiên tai, mưa lũ; đặc biệt là phù hợp với sự sinh trưởng của một số loài cá như: Lăng, Trắm, Chép… Với quy mô 16 lồng cá của HTX hiện nay cho thu hoạch mỗi năm khoảng 13 tấn cá. Ngoài ra, trong phạm vi vùng lòng hồ, HTX còn phát triển chăn nuôi ngan, vịt với quy mô từ 300 – 800 con/lứa. Từ chăn nuôi, mỗi năm đem lại cho HTX nguồn thu trên 1 tỷ đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương và 20 lao động thời vụ.
Phát huy lợi thế mặt nước vùng lòng hồ Thủy điện Nho Quế 1, cuối năm 2020, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ du lịch Tu Sản phối hợp với UBND xã Pải Lủng triển khai mô hình nuôi cá lồng tại thôn Tà Làng. Mô hình có quy mô 4 lồng với tổng kinh phí thực hiện trên 500 triệu đồng, trong đó kinh phí từ nguồn vốn Chương trình 30a là 300 triệu đồng, HTX đối ứng hơn 200 triệu đồng. Theo Chủ tịch UBND xã Pải Lủng Lý Văn Đông: Mô hình được thực hiện theo phương châm “Nhà nước, HTX và nhân dân cùng làm, cùng hưởng lợi”. Mặc dù mô hình mới được triển khai, chưa có sản phẩm, nhưng về lâu dài, mô hình hứa hẹn sẽ góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho các hộ tham gia. Đặc biệt, khi mô hình được thu hoạch sẽ tạo ra sản phẩm đặc trưng phục vụ nhu cầu thưởng thức và trải nghiệm của khách du lịch.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện hiện nay cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho các cá nhân, HTX nuôi cá như chi phí sản xuất cao (chi phí làm lồng, giá thức ăn cao), cung đường vận chuyển xa kéo theo giá sản phẩm tăng; do đó khó cạnh tranh với các sản phẩm cá cùng loại được vận chuyển từ nơi khác đến địa bàn; bên cạnh đó, nhiều hộ dân còn thiếu vốn sản xuất, kỹ thuật nuôi hạn chế…
Theo lãnh đạo UBND huyện Mèo Vạc: Phát huy lợi thế sẵn có và kết quả đạt được, trong thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh phát triển nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện. Để thực hiện nhiệm vụ này, huyện đang tập trung thực hiện một số giải pháp như: Khuyến khích, tạo điều kiện cho các cá nhân, HTX tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư nuôi trồng thủy sản; mở rộng thị trường tiêu thụ sang các huyện lân cận; khuyến khích người dân tập trung nuôi các loại cá đặc sản, đáp ứng nhu cầu của thị trường và khách du lịch; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cá…
Bài, ảnh: TRẦN KẾ