Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản
BHG - Nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông, lâm sản (NLS), góp phần đẩy nhanh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, việc phát triển ngành Công nghiệp chế biến NLS được tỉnh ta đặc biệt quan tâm.
Trà Tam giác mạch sản xuất bởi Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp và Thương mại xã Pả Vi (Mèo Vạc) được bày bán tại thị trấn Mèo Vạc. |
Cuối năm 2020, tỷ trọng nông, lâm nghiệp của tỉnh chiếm tỷ lệ gần 1/3 trong cơ cấu kinh tế. Cũng trong thời điểm này, cùng với việc thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tỉnh từng bước hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, sản lượng lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao như: Cam, chè, mật ong Bạc hà, lúa, gạo… Đây cũng là những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Với những yếu tố này đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Công nghiệp chế biến NLS phát triển. Trong những năm qua, với sự nỗ lực của các cấp, ngành và các thành phần kinh tế, công nghiệp chế biến NLS được phát triển cả về số lượng, đa dạng ngành nghề. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này từng bước chuyển dịch từ quy mô nhỏ truyền thống sang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa; đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư máy móc hiện đại để tạo ra sản phẩm chất lượng, có giá trị kinh tế cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Người dân thị trấn Vĩnh Tuy (Bắc Quang) trồng, chăm sóc cam theo tiêu chuẩn VietGAP |
Nổi bật trong công nghiệp chế biến nông sản trước tiên phải nhắc đến chế biến chè. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 20.000 ha chè, trong đó diện tích chè kinh doanh đạt hơn 18.000 ha, sản lượng chè búp tươi ước đạt trên 75.000 tấn; có trên 250 cơ sở chế biến chè đang hoạt động, trong đó có 11 doanh nghiệp và 22 hợp tác xã. Tổng công suất các cơ sở chế biến đạt trên 14.000 tấn/năm. Đặc biệt, có một số đơn vị kinh doanh đã tạo ra sản phẩm chè chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng như: Chè Đen, chè Xanh, chè Phổ Nhĩ, Cao trà, Hồng trà, Bạch trà…
Tiếp đến, ngành chế biến cam cũng được các nhà kinh doanh chú trọng đầu tư. Niên vụ 2021 – 2022, toàn tỉnh có hơn 7.700 ha cam cho thu hoạch, tập trung tại huyện Bắc Quang, Vị Xuyên và Quang Bình, sản lượng ước đạt trên 77.000 tấn; trong đó cam Sành đạt tiêu chuẩn VietGap ước đạt 45.700 tấn, cam Vàng ước đạt 19.280 tấn. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 3 cơ sở chế biến cam, trong đó có 1 cơ sở quy mô công nghiệp tại huyện Vị Xuyên (Công ty Cổ phần Tập đoàn dược Bảo Châu, thị trấn Vị Xuyên) và 2 cơ sở quy mô tiểu thủ công nghiệp tại huyện Bắc Quang (Công ty Cổ phần Cam ta, xã Đông Thành và Hợp tác xã Phú Vinh, xã Hùng An).
Cùng với các cơ sở chế biến trên, chế biến lâm sản cũng hoạt động khá sôi nổi. Toàn tỉnh hiện có khoảng 190 cơ sở chế biến gỗ với các sản phẩm chủ yếu như: Ván ép, viên nén gỗ, gỗ xẻ, gỗ bóc, dăm gỗ…Một số nhà máy được đầu tư công nghệ hiện đại, đồng bộ đi vào hoạt động, như nhà máy tại Khu công nghiệp Bình Vàng (Vị Xuyên); nhà máy sơ chế gỗ tại xã Hùng An và nhà máy sản xuất viên gỗ nén tại Cụm công nghiệp Nam Quang (Bắc Quang)… Bên cạnh đó, công nghiệp chế biến đối với các sản phẩm nông sản khác cũng có nhiều tín hiệu lạc quan; nhiều sản phẩm hàng lưu niệm, hàng hóa đặc trưng và làng nghề đã tạo được uy tín đối với người tiêu dùng…
Cùng với những thuận lợi, việc phát triển ngành Công nghiệp chế biến NLS hiện còn đối diện nhiều khó khăn, hạn chế cần tháo gỡ, khắc phục. Cụ thể, nhiều đơn vị chế biến NLS, thực phẩm có quy mô nhỏ, sản xuất không tập trung; các sản phẩm thế mạnh của tỉnh chưa đa dạng, chưa giữ vững được thị trường tiêu thụ, giá trị sản phẩm tiêu thụ chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có. Mặt khác, tỉnh chưa huy động được nhiều nhà đầu tư có năng lực chuyên môn, vốn đầu tư lớn vào ngành Công nghiệp chế biến NLS, thực phẩm; các chương trình xúc tiến thương mại hỗ trợ cho việc tiêu thụ sản phẩm chưa phong phú…
Để khắc phục những hạn chế trên, thiết nghĩ các cấp, ngành liên quan cần thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có nội dung về cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư, kinh doanh; thực hiện đầu tư tập trung, có trọng điểm; chủ động tìm nhiều giải pháp huy động vốn đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước; đầu tư phát triển hệ thống giao thông đến các khu, cụm công nghiệp đảm bảo kết nối nội vùng và liên kết các tỉnh lân cận; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại, chế biến sâu nông sản hàng hóa, tạo giá trị gia tăng cao…
Bài, ảnh: TRẦN KẾ