Bắc Quang phục tráng, bảo tồn và phát triển quýt Bộp đặc sản
BHG - Tháng 9.2021, UBND tỉnh phê duyệt đề tài khoa học cấp tỉnh: “Phục tráng, bảo tồn và phát triển giống quýt Bộp đặc sản của huyện Bắc Quang”. Trên cơ sở này, Trung tâm Dịch vụ và Chuyển giao khoa học, kỹ thuật về nông, lâm nghiệp huyện Bắc Quang – đơn vị chủ trì đề tài, do Kỹ sư Đặng Tiến Cường, Giám đốc Trung tâm làm chủ nhiệm đã ký kết hợp đồng thực hiện đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh với Sở Khoa học và Công nghệ.
Quýt Bộp có trọng lượng lên đến 400g/quả, chất lượng thơm ngon, màu sắc bắt mắt, chín vào dịp Tết Nguyên đán (Ảnh: Tiến Cường). |
Đề tài trên được thực hiện trong 3 năm (kể từ tháng 10.2021 đến tháng 10.2024) với quy mô là 6 ha; trong đó, 5,5 ha trồng mới, 0,5 ha ghép cải tạo quýt Bộp trên gốc cam Sành và gốc bưởi. Mô hình được thực hiện tại 3 xã theo hình thức liên kết với các hợp tác xã (HTX), gồm: HTX Anh Tài (xã Vĩnh Hảo), HTX cam VietGAP (xã Vĩnh Phúc), HTX Thương mại và dịch vụ vật tư nông nghiệp Giàn Thượng (xã Tiên Kiều). Mục tiêu cụ thể của đề tài là tuyển chọn 15 cây quýt Bộp ưu tú để công nhận cây đầu dòng, nhân giống tạo 5 cây S0 bằng công nghệ vi ghép đỉnh sinh trưởng, 30 cây S1 giống quýt Bộp và sản xuất 3.000 cây S2 sạch bệnh. Ước tổng kinh phí thực hiện đề tài là hơn 1,5 tỷ đồng.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Bắc Quang chỉ còn hơn 50 cây quýt Bộp (từ 4 – 16 năm tuổi). Đây là giống quýt bản địa đặc sản, ít sâu bệnh hại, năng suất cao và ổn định, có giá bán từ 25 – 40 nghìn đồng/kg. Đặc biệt, quả có màu vàng tươi, chất lượng thơm ngon, vị ngọt đậm, độ brix lên đến 12,5%. Quýt Bộp chín muộn hơn các giống quýt khác, thuận lợi cho việc rải vụ và phục vụ hàng quả tươi vào dịp Tết Nguyên đán.
Thông qua đề tài trên sẽ từng bước phục tráng, bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen quýt Bộp của huyện Bắc Quang. Qua đó, mở rộng diện tích, thay thế một số diện tích cây có múi già cỗi, năng suất thấp, hình thành sản phẩm nông nghiệp đặc sản, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
THU PHƯƠNG