Người Bí thư chi bộ giúp dân ấm no theo lời Bác dặn
BHG - “Ở đây ai cũng nghe theo lời anh ấy, bởi việc gì tốt cho dân là anh ấy làm! Mọi người trong thôn đều học anh ấy cách nuôi lợn, trồng cỏ nuôi bò nên cái nghèo bây giờ không còn nhiều nữa” - đó là tâm sự của đồng bào Mông thôn Sủng Cáng, xã Sủng Trà (Mèo Vạc) khi nói về người Bí thư chi bộ Lầu Chứ Tủa.
Bí thư chi bộ thôn Sủng Cáng Lầu Chứ Tủa (ngoài cùng bên phải) cùng lãnh đạo xã Sủng Trà thăm vườn Đương quy đang được gia đình chăm sóc. |
Người giữ “nhịp sống” bản Mông
Dẫn chúng tôi vượt con đường bê-tông dài hơn 4km uốn mình theo lưng núi dẫn vào thôn Sủng Cáng, Bí thư Đảng ủy xã Sủng Trà, Đặng Văn Khánh bảo rằng: “Con đường này trước đây dốc đứng, lởm chởm đá nên muốn vào thôn phải mất gần một tiếng đi xe máy, giờ chỉ cần vài phút là đến nơi. Với xi-măng hỗ trợ, người dân góp của, góp công san lấp, xếp đá hai bên mép giữ cho đường lâu hỏng. Có đường, nghèo đói không còn bám lấy đời sống người dân; bộ mặt thôn bây giờ nhiều đổi thay. Để có sự đồng thuận đó, công lớn thuộc về Bí thư chi bộ Lầu Chứ Tủa”.
Lời của Bí thư Đảng ủy xã Sủng Trà được chúng tôi kiểm nghiệm ngay khi đặt chân đến Sủng Cáng. Gần 100 nóc nhà nằm yên bình bên triền núi; những ngôi nhà mới xây, lợp mái mới, xen lẫn nhà trình tường với hàng rào đá bao quanh khiến cả thôn sáng bừng dưới nắng vàng cuối Thu. Trong ngôi nhà sạch sẽ nép mình dưới chân núi, Bí thư chi bộ Lầu Chứ Tủa đón chúng tôi bằng tình cảm chân tình vốn có bao đời nay của người Mông. Khác với tưởng tượng ban đầu, anh có dáng người nhỏ, nụ cười hiền hậu; dù nước da xạm đen bởi nắng, gió miền đá núi nhưng anh rất hoạt bát, nhanh nhẹn, khác hẳn với độ tuổi đã ngoài ngũ tuần.
Sinh ra tại miền đá Sủng Cáng, Lầu Chứ Tủa như bao đồng bào Mông nơi đây lớn lên trong nghèo khó, khi quanh năm chỉ biết đến cây ngô mọc lên từ khe đá. Vào năm 1994 – 1995, Sủng Cáng được xem là một trong những “điểm nóng” về truyền đạo trái pháp luật. Chứng kiến người dân trong thôn bỏ phong tục, tập quán để theo đạo và một số hộ đã di cư, chàng thanh niên Lầu Chứ Tủa làm người “vác tù và” giúp dân nhận ra sai lầm. Không kể ngày, đêm, anh đến từng nhà để nói chuyện, tuyên truyền; dù nhà còn nghèo nhưng anh sẵn sàng mổ gà, mời rượu để giải thích cho người dân hiểu về nguồn cội tổ tiên, giúp người dân tin tưởng vào Đảng, Nhà nước. Anh bảo: “Do dân trong thôn nghèo, hiểu biết ít nên dễ bị lợi dụng. Sau khi được tuyên truyền, một số hộ quay lại phong tục, tập quán và thấy các hộ chăm chỉ lao động, sản xuất cũng khiến mình vui vì làm được việc nhỏ giúp cho bà con”.
Từ năm 2000, với sự tin tưởng của người dân, Lầu Chứ Tủa được giao trọng trách làm Phó trưởng thôn Sủng Cáng. Sau đó 2 năm, anh được bầu làm Bí thư chi bộ đến tận bây giờ. Để giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn, anh họp thôn, thống nhất xây dựng hương ước “đi báo việc, về báo công”. Mỗi người muốn ra khỏi thôn và khi trở về phải báo cáo để anh nắm được, nếu không sẽ xử phạt theo hương ước. Do đó, người dân Sủng Cáng nhiều năm nay đoàn kết, chấp hành tốt các quy định, giúp cho bản Mông luôn yên bình. Khi chúng tôi hỏi hiện có những ai đi lao động hay thực hiện khai báo y tế phòng, chống dịch Covid-19 lúc trở về đều được Lầu Chứ Tủa nắm chắc như lòng bàn tay.
Anh Lầu Chứ Tủa luôn luôn đi đầu trồng cỏ nuôi bò và hướng dẫn người dân trong thôn cách chăn nuôi để mang lại thu nhập ổn định |
Làm theo từng lời Bác dặn
Từ khi Lầu Chứ Tủa đảm nhiệm cương vị Bí thư chi bộ, anh luôn nhắc mình phải làm tròn trách nhiệm người cán bộ, xứng đáng với niềm tin của bà con. Làm gì để dân bớt khổ và giữ được an ninh trật tự là câu hỏi ngày nào anh cũng nghĩ tới. Anh kể: “Lúc đầu nghĩ nhiều lắm, nhưng nghĩ mãi không ra! Bởi, ở nơi ngẩng đầu thấy núi, cúi mặt thấy vực, xung quanh chỉ có đá thì chẳng biết làm gì để thoát nghèo. Rồi đến khi đọc những tài liệu về lời dặn của Bác Hồ khi lên thăm tỉnh, mình nghĩ chỉ cần làm được mấy điều thôi cũng đã giỏi lắm rồi”.
Lời Bác dặn như đuốc sáng soi đường giúp Lầu Mí Tủa hiện thực ước mơ xây dựng cuộc sống ấm no ngay tại nơi mình sinh ra. Nhận thấy người dân trong thôn biết đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau là điều kiện để cùng phát triển kinh tế; nhưng thay đổi nếp sống, nếp nghĩ đã “bám rễ” trong tập quán canh tác của bà con không phải chuyện một sớm, một chiều. Muốn làm được cần phải có người làm trước, hiệu quả rồi người dân mới làm theo. Nghĩ là làm, Lầu Chứ Tủa quyết định tiên phong thay đổi cách chăn nuôi. Nhấp ngụm nước trà, nở nụ cười tươi rói, anh kể: “Sau khi bàn bạc với gia đình, mình vay tiền mua bò và trồng cỏ quanh nhà, trên nương; hễ chỗ nào có đất đều được tận dụng trồng cỏ. Vài năm sau, mình bán con lớn, mua con nhỏ về chăm nên đàn bò cứ thế tăng dần; khi đã có vốn, mình chuyển sang nuôi bò vỗ béo mang lại thu nhập ổn định”.
Với những kiến thức học được tại các lớp tập huấn về chăn nuôi, anh mạnh dạn áp dụng và tuyên truyền cho bà con cùng làm. Mới đầu chỉ một vài hộ làm theo; sau thấy đời sống bớt khó khăn nên gần như nhà nào cũng nghe theo anh trồng cỏ nuôi bò. Không chỉ thay đổi cách chăn nuôi, Lầu Chứ Tủa tập trung cải tạo nương đá, xếp đá giữ đất trồng các loại rau trái vụ như su hào, bắp cải để cải thiện bữa ăn hàng ngày và phục vụ chăn nuôi. Anh cũng là người đầu tiên và duy nhất ở Sủng Trà tham gia trồng cây Đương quy trên nương đá. Năm 2019, anh trồng 7.600 cây Đương quy; sau khi trừ chi phí cho thu nhập cao gấp 2 lần trồng ngô. Học theo anh, một số hộ dần chuyển đổi cây trồng theo phương thức cải tạo nương tạp để mang lại sinh kế ổn định.
Bí thư chi bộ thôn Sủng Cáng Lầu Chứ Tủa (bên phải) tích cực cải tạo nương tạp, trồng các loại rau màu phục vụ đời sống và chăn nuôi. |
Giống như nhiều vùng khác, thiếu nước là một trong những nguyên nhân khiến miền “đá khát” Sủng Cáng gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế. Nhận thấy điều đó, Lầu Chứ Tủa tuyên truyền bà con xây dựng hương ước không chặt, phá rừng để bảo vệ nguồn nước, nên nhiều năm nay trên địa bàn không xảy ra tình trạng phá rừng hoặc cháy rừng. Tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng được cả thôn thống nhất làm đường bê-tông vào các nhóm hộ. Anh nói: “Khi chỉ rõ cho mọi người hiểu rằng đường không hỏng thì xe ít hỏng, sẽ ít tốn tiền sửa xe nên bà con ai cũng đồng lòng”. Không chỉ giúp người dân thay đổi tập quán canh tác, Lầu Chứ Tủa góp công lớn bài trừ hủ tục lạc hậu; vận động nhân dân tích cực xây dựng NTM, nhất là di dời chuồng trại xa nhà ở, giữ vệ sinh môi trường, không sinh con thứ ba, giúp ngày công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo… Vậy nên, đến với Sủng Cáng hôm nay, dễ dàng nhận ra diện mạo đổi mới, hơi thở cuộc sống ấm no bao trùm khắp xóm làng.
Từng theo học đến bậc THPT nên Lầu Chứ Tủa hiểu rõ một trong những nguyên nhân dẫn đến nghèo chính là thiếu “cái chữ”. Trong các buổi sinh hoạt chi bộ, họp thôn, anh luôn tuyên truyền, vận động con em đi học. Chúng tôi thực sự ấn tượng bởi câu nói của anh: “Bây giờ muốn đi xin việc hay đi làm lao động phổ thông cần có bằng cấp, ít nhất cũng phải học hết cấp hai, nên muốn thoát khỏi cái nghèo thì phải đi học. Đi học sẽ biết nhiều, học cái tốt, bỏ cái xấu; khi đã biết chữ thì làm gì cũng dễ”. Nghe theo lời anh, nhiều gia đình ủng hộ con em đến trường; không bắt ở nhà lên nương giúp bố mẹ. Bây giờ đến Sủng Cáng, ai cũng biết câu chuyện của Chứ Mí Nô học hết lớp 9 nhưng không đi học tiếp; sau 2 năm nghỉ ở nhà được anh tuyên truyền nên tiếp tục theo học cấp 3; sau khi học xong được bà con tin tưởng bầu làm trưởng thôn. Không chỉ có Chứ Mí Nô, nhiều trường hợp học sinh lớp 9 trong thôn bỏ về lấy chồng được Bí thư chi bộ Lầu Chứ Tủa khuyên ngăn đi học tiếp, nay có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Thật khó để kể hết câu chuyện về Lầu Chứ Tủa – người con miền đá Sủng Cáng. Anh không chỉ đóng vai trò giữ “nhịp sống” bình yên cho xóm làng mà còn là người mang ấm no về bản Mông. Một Bí thư chi bộ luôn “nói đi đôi với làm”, gương mẫu, đi đầu, sẵn sàng bỏ lợi ích của mình để phục vụ nhân dân nên những lời nói của anh luôn được bà con coi trọng. Anh được nhận xét là một đảng viên mẫu mực, tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tấm gương sáng trong thực hiện Tám lời căn dặn của Bác. Vì lẽ đó, quanh tường nhà anh treo nhiều Bằng khen của BCH Đảng bộ tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh; nhiều giai đoạn liên tiếp, Lầu Chứ Tủa được tỉnh công nhận là người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Chia tay Bí thư chi bộ Lầu Chứ Tủa khi nắng chiều dần buông mình sau lưng núi. Trong khói lam chiều, tiếng bò ăn cỏ, tiếng lợn réo đòi ăn khiến hơi thở cuộc sống no ấm nơi đây thêm rộn ràng. Trên đường trở về, lời nói của Bí thư Đảng ủy xã Sủng Trà, Đặng Văn Khánh làm chúng tôi nhớ mãi: “Ở Mèo Vạc, mỗi thôn chỉ cần một người cán bộ tâm huyết, trách nhiệm như thế thì cuộc sống ấm no sẽ luôn ở lại với người dân biên cương!”.
Bút ký của Kim Tiến
Sủng Trà, tháng 10.2021
Ý kiến bạn đọc