Làm tốt công tác dự báo và phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng
BHG - Những năm gần đây, sâu bệnh trên cây trồng diễn biến phức tạp, với nhiều loại sâu bệnh gây hại (SBGH) mới. Để đem lại năng suất cây trồng cao, ngành Nông nghiệp đã và đang tăng cường nâng cao năng lực dự báo, giám sát, phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng.
Cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật thành phố Hà Giang kiểm tra sâu bệnh hại lúa Mùa tại xã Phương Độ (thành phố Hà Giang). |
Vụ mùa năm nay, toàn tỉnh gieo cấy 27.970,50 ha lúa, 9.774 ha cây ngô, 8.589 ha cây đậu tương, 3.365 ha cây lạc; 8.310 ha cây có múi, 2.035,3 ha cây chè… Do làm tốt công tác dự báo, kiểm tra đồng ruộng, nắm chắc diễn biến SBGH, kết hợp theo dõi diễn biến thời tiết, sinh trưởng cây trồng, nhận định chính xác khả năng phát sinh, mức độ gây hại của SBGH nên có biện pháp phòng, trừ kịp thời. Hướng dẫn nông dân phòng, trừ những nơi có mật độ sâu, tỷ lệ bệnh hại cao, tránh lây lan diện rộng.
Tuy đánh giá mức độ SBGH không phát sinh nhiều như mọi năm, nhưng sâu bệnh vẫn xuất hiện rải rác trên cây lúa vụ Mùa của một số địa phương. Cụ thể, trong thời gian đầu tháng 9 đến giữa tháng 9.2021, tại huyện Vị Xuyên, Bắc Mê, Bắc Quang, Hoàng Su Phì, rầy nâu đã gây hại giai đoạn trỗ bông – phơi màu mật độ cao 19,5-270 con/m2; trên địa bàn huyện Xín Mần, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân cũng xuất hiện gây hại với diện tích nhỏ... Trên cây ngô xuất hiện bệnh đốm lá nhỏ cục bộ tại huyện Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, với tỷ lệ phổ biến 0,5-3,6, con/m2 bệnh sâu keo mùa thu gây hại ở giai đoạn 8-10 lá mật độ phổ biến 0,25-0,7 con/m2, cục bộ tại huyện Quang Bình, Mèo Vạc, thành phố Hà Giang.
Thời gian gần đây, thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh phát sinh, lây lan gây hại cây trồng. Theo dự báo giai đoạn cuối tháng 9, đầu tháng 10 rầy nâu, rầy lưng trắng sẽ xuất hiện hại lúa mùa chính vụ, nhất là trong giai đoạn trỗ, chắc hạt; sâu cắn gié xuất hiện vào giữa tháng 9 đến trung tuần tháng 10 khi các trà lúa bước vào giai đoạn chín sáp đến thu hoạch; bệnh đạo ôn hại chủ yếu trên lúa Mùa sớm vùng cao và lúa Mùa vùng thấp từ tháng 9 đến tháng 10, chủ yếu trên các giống lúa nếp, lúa lai. Trước tình hình đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Trạm Trồng trọt và BVTV các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, nắm bắt tình hình SBGH, cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với địa phương thực hiện tốt công tác điều tra, dự báo chính xác về thời gian phát sinh, quy mô và mức độ gây hại của từng đối tượng sinh vật. Trạm Trồng trọt và BVTV các huyện, thành phố hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp như: Vợt sâu cuốn lá, sâu đục thân đã trưởng thành trên đồng ruộng, ngắt ổ trứng để hạn chế mật độ gây hại; phun thuốc đặc hiệu phòng trừ sinh vật gây hại khi đến ngưỡng.
Đồng thời, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh nhằm hạn chế, không làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển và năng suất của cây trồng, đặc biệt đối với lúa Mùa. Các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, thuốc BVTV trên địa bàn chuẩn bị đầy đủ để cung ứng kịp thời cho bà con nông dân chủ động phòng trừ dịch hại...
Chị Vũ Thị Hiên, Phó Trưởng phòng BVTV, Chi cục Trồng trọt và BVTV cho biết: Vụ lúa Mùa năm nay, Chi cục đã tăng cường các biện pháp kỹ thuật, chỉ đạo các Trạm Trồng trọt và BVTV các huyện, thành phố chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền cao điểm phòng trừ sâu bệnh. Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, phân công cán bộ thường xuyên bám sát đồng ruộng, điều tra, dự tính, dự báo sâu bệnh. Hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, bón phân cân đối để vừa đảm bảo cho lúa sinh trưởng, trỗ bông, năng suất cao vừa hạn chế tác động của phân bón đến sự phát sinh gây hại của sâu bệnh, khuyến cáo nông dân lưu ý các sinh vật gây hại như: Sâu tơ, sâu xanh, rệp muội, bọ trĩ, bệnh sương mai... gây hại trên rau màu.
Nhờ thực hiện tốt công tác dự báo, giám sát nên công tác phòng, trừ sinh vật gây hại cây trồng trên địa bàn tỉnh những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực. Chính vì vậy, năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN
Ý kiến bạn đọc