Kim Ngọc sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo mô hình VACR
BHG - Tập trung cải tạo vườn tạp, thúc đẩy phát triển chăn nuôi và chuyển đổi kinh tế rừng đang được xã Kim Ngọc (Bắc Quang) chọn để tái sản xuất nông nghiệp hàng hoá chất lượng cao.
Nuôi trâu sinh sản và vỗ béo mang lại hiệu quả kinh tế cao cho anh Nguyễn Văn Khánh, thôn Mâng. |
Tìm hiểu thực tiễn cho thấy, chuyển đổi sản xuất được thể hiện rõ trong mô hình kinh tế vườn, ao, chuồng, rừng (VACR) đang diễn ra khá phổ biến tại Kim Ngọc. Anh Triệu Văn Phúc, thôn Minh Tường chia sẻ: Tôi bắt tay vào xây dựng trang trại được gần 6 năm. Trang trại có diện tích trên 3,5 ha được chia thành 3 khu vực là: Khu chuồng trại chăn nuôi lợn, gà, vịt tổng hợp; khu trồng rừng kinh tế; khu làm ao thả cá và trồng cây ngắn ngày. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài là trồng cỏ, trồng sắn, chuối làm thức ăn xanh phục vụ chăn nuôi; trồng rau, củ, quả phục vụ bữa ăn hàng ngày của gia đình. Chủ động nguồn thức ăn xanh, thô tại chỗ cho đàn gia súc, gia cầm và chủ động phòng ngừa dịch bệnh theo định kỳ. Trang trại nuôi lợn của anh Phúc hiện đang có gần 200 con lợn thương phẩm và chục con lợn nái. Mỗi năm, anh Phúc xuất chuồng ít nhất 2 lứa lợn hơi. Còn đối với rừng sản xuất, đã chuyển đổi trồng rừng ngắn ngày từ cây keo sang trồng cây gỗ lớn (cây Hông vàng) để có hiệu quả kinh tế cao hơn. Anh Phúc cho biết: Trồng 1 ha cây Hông vàng sẽ cho thu hoạch cao gấp 2,5 - 4 lần trồng keo. Giá bán 1 m3 gỗ Hông vàng hiện nay đang dao động từ 2,5 – 3,5 triệu đồng/m3. Trồng mỗi ha cây Hông sau 8 – 10 năm sẽ cho thu hoạch ít nhất từ 180 – 250 m3 gỗ, tương đương thu nhập từ 350 – 500 triệu đồng/ha/10 năm. Ấn tượng nhất trong mô hình kinh tế của anh Phúc lại nằm ở 3 cái đập nước lớn nuôi cá thịt. Cả 3 đập nước đều thả nuôi 350 - 750 con cá Trắm cỏ. Hiện, cá có trọng lượng bình quân từ 3,5 – 6 kg/con. Anh Phúc nhận định: Trắm cỏ là loài dễ nuôi, ít dịch bệnh và có giá bán khá ổn định từ 70 – 80 ngàn đồng/kg/tại ao. Xung quanh trang trại, anh trồng rau, quả đảm bảo cho những bữa ăn đầy đủ dưỡng chất trong gia đình.
Cùng chuyển đổi sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung là anh Nguyễn Văn Khánh, thôn Mâng. Xung quanh vườn nhà, anh Khánh chuyển đổi đất trồng trên 1,3 ha cỏ Voi làm thức ăn nuôi trâu. Ngoài nuôi trâu sinh sản, anh còn nuôi trâu vỗ béo và nuôi cá thương phẩm. Anh Khánh cho biết: Lợi nhuận mang lại nhiều nhất trong trang trại là nuôi trâu vỗ béo, cứ 3 tháng, xuất chuồng 1 lứa. Mỗi lứa nuôi khoảng từ 45 - 50 con. Mỗi con vỗ béo trong 3 tháng, bán đi sẽ cho lãi bình quân từ 2,5 – 3,5 triệu đồng (đã trừ chi phí nuôi). Đối với nuôi trâu sinh sản, mỗi con trâu mẹ đến tuổi trưởng thành được chăm sóc đúng tiêu chuẩn thì cứ 2 năm đẻ ra 3 con nghé; nuôi mỗi con nghé sau 1 năm tuổi đã có giá bán bình quân khoảng 25 – 35 triệu đồng. Anh Khánh khẳng định: Chỉ cần chuyển đổi khoảng 1 ha đất trồng cỏ để nuôi chục con trâu nái sinh sản trong vòng 3 năm, người chăn nuôi sẽ có của ăn, của để. Còn nếu, chuyển đổi từ 1.000 m2 đất để làm ao nuôi cá Rô phi đơn tính, với giá bán hiện nay trên thị trường khoảng 35 – 40 ngàn đồng/kg (bán sỉ), còn nếu bán tới tay người tiêu dùng là 55 – 60 ngàn đồng/kg cho lãi gấp nhiều lần so với trồng ngô, lúa.
Nằm trong mục tiêu tái cơ cấu sản xuất chất lượng cao, bà con thôn Nậm Vạc, Nậm Mái, thôn Mâng... lại chọn hướng phát triển kinh tế rừng theo cách: Thu hoạch rừng keo, chuyển trồng thành những rừng quế. Từ đầu năm 2021 đến nay, bà con trong thôn Nậm Vạc đã trồng mới được gần 100 ha quế. Gắn liền với việc mở rộng diện tích trồng quế là cải tạo vườn tạp trồng rau màu ngắn ngày phục vụ đời sống. Anh Seo Văn Dũng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Kim Ngọc cho biết: Phong trào cải tạo vườn tạp trồng rau màu ngắn ngày đã lan rộng khắp các thôn. Phương châm Đảng bộ xã đề ra là, xây dựng mỗi nhà một vườn rau, củ, quả tự chủ đáp ứng bữa ăn hàng ngày. Chủ động chuyển đổi toàn bộ diện tích rừng kinh tế sang trồng quế tạo thành vùng hàng hóa lớn. Mục tiêu trên đã và đang được bà con trong 8 thôn thực hiện rất hiệu quả. Đến nay, bà con tranh thủ trời mưa để đẩy nhanh tiến độ trồng quế lên đồi. Dự kiến đến hết năm 2021, Kim Ngọc sẽ chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng rừng kinh tế sang trồng khoảng 250 – 300 ha quế. Đến năm 2025, Kim Ngọc sẽ trồng khoảng 3.000 ha quế để xây dựng làng nghề. Kim Ngọc thống nhất lấy mô hình kinh tế VACR để chỉ đạo bà con trong xã thực hiện tái sản xuất nông, lâm nghiệp chất lượng cao thay thế cách làm cũ.
Phát triển kinh tế VACR tại Kim Ngọc đang đi đúng hướng của nền kinh tế nông, lâm nghiệp hàng hóa. Đó là sự cơ cấu lại sản xuất nhằm thúc đẩy một nền nông, lâm nghiệp khép kín và bền vững cho tương lai mai sau.
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng
Ý kiến bạn đọc