Không để cam "được mùa mất giá"

10:01, 24/09/2021

BHG - Niên vụ cam năm nay, tỉnh ta có sản lượng tương đối lớn. Trước tác động của dịch Covid-19, các ngành, địa phương đang tập trung giải pháp giúp người trồng cam tìm thị trường tiêu thụ, tránh tình trạng “được mùa mất giá”. 

Vườn cam Sành của gia đình anh Nguyễn Văn Quý, thôn Vĩnh Thành, xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang).
Vườn cam Sành của gia đình anh Nguyễn Văn Quý, thôn Vĩnh Thành, xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang).

Tập trung tìm kiếm thị trường

Năm nay, toàn tỉnh có trên 7.760 ha cam cho thu hoạch, sản lượng khoảng 77.800 tấn; trong đó, cam Sành đạt tiêu chuẩn VietGAP ước đạt 45.700 tấn, cam Vàng ước đạt 19.280 tấn. Sản phẩm cam chủ yếu tập trung tại các huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên. Những năm trước, phần lớn cam được tiêu thụ thông qua các thương lái thu mua tại vườn và phân phối tại các chợ đầu mối, các cơ sở bán lẻ trong và ngoài tỉnh (khoảng 70%); còn lại, cam được đưa vào tiêu thụ tại hệ thống các siêu thị và thông qua các chương trình xúc tiến thương mại (khoảng 30%). 

Mặc dù năm nay dự kiến sản lượng cam tương đối lớn, nhưng diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid - 19 đã tác động, ảnh hưởng đến các hoạt động xúc tiến, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm cam. Mặt khác, thời điểm thu hoạch cam trùng với nhiều địa phương khác trong khu vực, dẫn đến sản phẩm cam Hà Giang phải cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại về giá bán và thị trường tiêu thụ. Sản phẩm cam chủ yếu tiêu thụ ở dạng quả tươi sử dụng trực tiếp, tỷ lệ thu mua phục vụ chế biến nhỏ nên dự báo năm nay sản phẩm cam sẽ gặp khó khăn trong tiêu thụ và giá bán có chiều hướng thấp hơn so với vụ trước do sức mua giảm, thị trường bị thu hẹp. 

Ông Hoàng Quyết Thắng, xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang) chăm sóc vườn cam Vàng chuẩn bị thu hoạch. 				Ảnh: KIM TIẾN
Ông Hoàng Quyết Thắng, xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang) chăm sóc vườn cam Vàng chuẩn bị thu hoạch. Ảnh: KIM TIẾN

Bắc Quang được xem là “vựa cam” với diện tích và sản lượng cam hàng năm đứng đầu tỉnh. Năm nay, huyện có sản lượng cam Sành ước đạt 33.300 tấn, cam Vàng khoảng 14.400 tấn. Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang, Phùng Viết Vinh cho biết: Huyện đang tập trung bàn giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cam; tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại bằng nhiều hình thức; tiếp tục kết nối với các siêu thị, hệ thống cửa hàng hoa quả sạch, chợ đầu mối và các thương lái; chủ động kết nối tiêu thụ sản phẩm cam với các bạn hàng từ niên vụ trước; mở rộng tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử; chỉnh trang bố trí các gian hàng tiêu thụ cam dọc theo tuyến quốc lộ, các điểm dừng chân; nắm bắt thông tin về các đầu mối thu mua sản phẩm cam tại địa phương nhằm đảm bảo ổn định đầu ra cho các hộ trồng cam…

Không chỉ riêng Bắc Quang, các huyện trồng cam đang thống kê toàn bộ diện tích, sản lượng và đơn vị sản xuất cam đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng để triển khai các hoạt động hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, rà soát chi phí sản xuất để hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh; khuyến cáo người dân thu hoạch rải vụ, tập trung thu hoạch, tiêu thụ sớm sản phẩm cam chín trước. 

Hỗ trợ người trồng cam

Để tránh tình trạng “được mùa mất giá”, tỉnh đang tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức hội, đoàn thể chung tay hỗ trợ, giúp người dân thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ cam. Các ngành, địa phương phối hợp hướng dẫn các hộ trồng cam thực hiện đúng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Vận động các doanh nghiệp, cơ sở chế biến trong và ngoài tỉnh tăng sản lượng thu mua để chế biến nước cam. Đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm cam trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên nền tảng công nghệ số. Xây dựng phương án hỗ trợ người dân thu hoạch, vận chuyển; thúc đẩy tiêu thụ tại các chợ truyền thống, tiểu thương kinh doanh hoa quả, sử dụng xe vận tải nhỏ phục vụ cho tiêu thụ lưu động và đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch Covid-19. 

Để đẩy mạnh tiêu thụ cam, các HTX giữ vai trò quan trọng trong việc kết nối, tìm kiếm thị trường. HTX nông dân trồng cam sạch thôn Vĩnh Thành, xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang) có 18 thành viên tham gia trồng trên 300 ha cam. Những năm trước, do giá bán không đồng nhất, thiên tai gây thiệt hại nên nguồn thu của các gia đình chỉ đủ chi phí sản xuất và thuê nhân công. Anh Nguyễn Văn Quý, thành viên HTX cho biết: Để tìm kiếm thị trường tiêu thụ cam, các thành viên thống nhất, chủ động kết nối với các đầu mối, thương lái thu mua; tham gia bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, bán hàng online, hệ thống siêu thị và tuân thủ quy trình sản xuất, thu hoạch, bảo quản sản phẩm theo đúng quy chuẩn; giao, nhận hàng đúng thời gian và chịu trách nhiệm khi có phản hồi sau bán hàng…

Được biết, để thúc đẩy tiêu thụ cam, các ngành, địa phương trong tỉnh đang phối hợp triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm cam, giảm giá thành; thành lập tổ kiểm tra thường xuyên quá trình thu hái, vận chuyển; kiểm tra chất lượng cam để đảm bảo sản phẩm đưa ra thị trường đáp ứng yêu cầu chất lượng. Thường xuyên cập nhật thông tin thị trường, giá cả; dự báo, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp, HTX, hộ trồng cam; hỗ trợ bao bì, tem truy xuất nguồn gốc; tuyên truyền, vận động người dân không bán cam non, cam kém chất lượng làm mất uy tín, thương hiệu cam Hà Giang.

Với các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sản phẩm cam năm nay hứa hẹn có thị trường tiêu thụ rộng mở; người trồng cam sẽ vơi bớt nỗi lo “được mùa mất giá”, yên tâm sản xuất để xây dựng cuộc sống ấm no.

Bài, ảnh:  KIM TIẾN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hướng dẫn HTX, tổ hợp tác cập nhật thông tin điện tử hàng hóa

BHG - Ngày 23.9. Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh tổ chức hướng dẫn cho các HTX, tổ hợp tác (THT) cập nhật thông tin điện tử hàng hóa lên Cổng thông tin điện tử kết nối cung – cầu sản phẩm. Tham gia có đại diện 13 HTX, THT hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Giang và huyện Vị Xuyên.

23/09/2021
Phát triển cây lê ở Đồng Văn

BHG - Những năm qua, huyện Đồng Văn luôn đẩy mạnh phát triển cây ăn quả phù hợp với thời tiết lạnh giá, chất đất của vùng cao như: Đào, mận. Đặc biệt, lê trở thành cây trồng chủ lực, giúp nâng cao đời sống, tạo công việc ổn định cho người dân.

23/09/2021
Tiềm năng cây chè Vàng ở Nà Nhùng

BHG - Vượt lên vùng đất cằn cỗi, khó canh tác, chị Trương Thị Nằng (sinh năm 2001), người dân tộc Dao đầu tiên đưa cây chè Vàng từ tỉnh Quảng Bình về trồng thử nghiệm tại thôn Nà Nhùng, xã Đường Âm (Bắc Mê). Đến nay, mô hình bước đầu đem lại hiệu quả, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân trên địa bàn.

21/09/2021
Đánh thức Nậm An

BHG - Ngồi trên xe đi chừng 30 phút tôi đã thấy mặt hồ thủy điện Nậm An (Tân Thành - Bắc Quang) trước mặt. Hồ treo trên núi mờ ảo trong làn sương Thu làm gợi nhớ về những điều đã qua. Chuyện kể: Mặt hồ thủy điện Nậm An là nơi con Rồng núi Phìn Hồ khi xưa vẫn thường xuống tắm. Bây giờ, hồ nước là "vàng trắng" góp phần dựng xây đất nước.

21/09/2021