Giữ rừng từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Chiến Phố
BHG - Những năm qua, hàng nghìn héc ta rừng ở xã Chiến Phố (Hoàng Su Phì) luôn được gìn giữ và bảo vệ tốt nhờ triển khai hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Nguồn tài chính ổn định từ chính sách của Đảng, Nhà nước đã giúp thay đổi nhận thức và cải thiện sinh kế của người dân sống gần rừng, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng (BVR).
Lãnh đạo xã Chiến Phố kiểm tra diện tích rừng phòng hộ trên địa bàn. Ảnh: Tư liệu |
Hiện nay, diện tích rừng trên địa bàn xã Chiến Phố có cung ứng DVMTR là 1.221,40 ha; trong đó có 494,72 ha của các chủ rừng là hộ dân, 726,68 ha thuộc chủ rừng là các cộng đồng dân cư (thôn, bản). Từ đầu năm đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành chi trả xong 100% tiền DVMTR năm 2020 cho các chủ rừng trên địa bàn xã, với tổng số tiền 481 triệu đồng.
Chủ tịch UBND xã Chiến Phố, Lù Seo Seng cho biết: Với diện tích rừng lớn, những năm qua, Đảng ủy, UBND xã đặc biệt quan tâm công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Chỉ đạo các Hội, đoàn thể, thôn bản tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức BVR đến mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Hàng năm, tổ chức ký cam kết BVR đến 100% gia đình. Các thôn, bản đều xây dựng quy ước, hương ước về bảo vệ và phát triển rừng, đưa ra chế tài xử phạt cụ thể với từng hành vi vi phạm. Trước mỗi mùa hanh khô, cấp ủy, chính quyền xã thường xuyên phối hợp với cán bộ kiểm lâm địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân không đốt rừng làm nương, xây dựng các đường băng cản lửa để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng cháy rừng. 100% thôn, bản đều có Đội tuần tra, BVR với số lượng thành viên ngày càng tăng.
Ông Sùng Vần Minh, Trưởng thôn Mỏ Phìn, xã Chiến Phố cho biết: Cộng đồng thôn được chi trả số tiền hơn 43 triệu đồng mỗi năm từ chính sách DVMTR của Nhà nước. Thôn cử người đại diện cộng đồng đứng tên nhận tiền; thống nhất phương án sử dụng tiền. Các nội dung này được sự đồng thuận cao của các gia đình trong thôn, được ghi chép bằng biên bản và được UBND xã ký xác nhận. Thôn đã họp bàn và thống nhất sử dụng số tiền này cho công tác tái tạo, phát triển rừng và hỗ trợ một phần kinh phí cho các thành viên tổ tuần tra, BVR của thôn. Ngoài ra, còn được sử dụng vào mục đích chung của cộng đồng, có sự thống nhất của toàn thể người dân trong thôn, như chi đầu tư, xây dựng các công trình phúc lợi của thôn, xây dựng đường giao thông nông thôn, sửa chữa nhà văn hóa, trụ sở thôn... Từ số tiền DVMTR được chi trả hàng năm đã giúp người dân trong thôn cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập và có ý thức hơn trong việc quản lý, BVR.
Còn đối với tiền DVMTR của chủ rừng là gia đình, cá nhân được sử dụng chủ yếu để cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống như: Đầu tư mua cây, con giống, vật tư nông nghiệp, xây dựng chuồng trại chăn nuôi… Anh Sùng Mí Dùng, thôn Nhìu Sang, xã Chiến Phố chia sẻ: Hàng năm, có thêm nguồn thu nhập từ chính sách chi trả DVMTR, gia đình tôi thường đầu tư mua lợn đen, trâu về để nuôi sinh sản. Đây là số tiền rất đáng quý, giúp người dân chúng tôi có thêm tư liệu sản xuất, nhờ đó góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Giờ đây, người dân trong thôn ai cũng đều coi rừng như tài sản của gia đình, các hộ có diện tích rừng được giao khoán thường xuyên tham gia tuần tra cùng tổ tuần tra, BVR của thôn. Khi phát hiện khu vực nào có hiện tượng xâm hại, lấn chiếm rừng thì nhanh chóng thông báo với chính quyền địa phương và cán bộ kiểm lâm xử lý, ngăn chặn kịp thời.
Có thể thấy, việc giao khoán BVR để được hưởng lợi DVMTR đã gắn quyền lợi, trách nhiệm và nâng cao ý thức BVR của nhân dân; cải thiện sinh kế cho người dân tham gia giữ rừng, phục vụ công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc