"Cõng điện" lên núi

15:16, 08/09/2021

BHG - Hà Giang - tỉnh địa đầu của Tổ quốc, được tách ra từ tỉnh Hà Tuyên năm 1991. Khi đó điện lưới quốc gia chưa có, năng lượng cho phát triển KT-XH thiếu thốn. Cả tỉnh chỉ có đôi ba trạm thủy điện nhỏ và máy phát điện Diezen. Khát vọng đưa điện lên vùng cao, vùng sâu, xa không chỉ để thắp sáng quê hương mà còn là động lực để kinh tế trang trại, kinh tế hàng hóa phát triển là trăn trở của bao thế hệ cán bộ lãnh đạo tỉnh Hà Giang nói riêng và ngành Điện nói chung.

Kiểm tra máy phát điện dự phòng phục vụ Bầu cử tại Đồng Văn.
Kiểm tra máy phát điện dự phòng phục vụ Bầu cử tại Đồng Văn.

Đưa điện dưới xuôi lên núi

Năm 1991 sau khi tách tỉnh, kỹ sư Hoàng Văn Thiện về nhận công tác tại Công ty Điện lực Hà Giang. Anh được giao chức danh Phó phòng Đầu tư, điều anh trăn trở là làm sao xây dựng được cơ sở hạ tầng của ngành Điện trên vùng đất còn hoang sơ và khó khăn này. Anh kể: “Tôi đi dọc gần 300 km vùng biên giới giáp với Trung Quốc. Ban đêm bên mình thì tối, còn các xã, thị trấn bên nước láng giềng thì sáng ánh điện. Tôi nghĩ nếu không đưa được điện lưới quốc gia lên thì không thể thay đổi được đời sống, kinh tế của người dân”.

Giám đốc Công ty Điện lực Hà Giang Hoàng Văn Thiện kiểm tra thiết bị chống sét đường dây 110 kv tại Quang Bình.
Giám đốc Công ty Điện lực Hà Giang Hoàng Văn Thiện kiểm tra thiết bị chống sét đường dây 110 kv tại Quang Bình.

Thế là Công ty Điện lực Hà Giang cùng nhóm của kỹ sư Hoàng Văn Thiện đã xây dựng Đề án: Đưa điện lưới quốc gia lên Hà Giang trình lãnh đạo tỉnh và Tổng Công ty Điện lực miền Bắc mong được phê duyệt. Trước sức thuyết phục của lãnh đạo Công ty Điện lực và người kỹ sư trẻ, cùng với sự đồng tâm hiệp lực của lãnh đạo tỉnh Hà Giang lúc bấy giờ, năm 1994 Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đã chấp thuận cho Công ty Điện lực kéo điện dưới xuôi lên. Một đường chì đỏ trên bản đồ Điện lực Hà Giang được vạch ra, đó là đường dây 110 kv đầu tiên kéo điện quốc gia từ Yên Bái lên khắp các huyện của tỉnh: “Quý lắm, lúc đó là một tỉnh nghèo nhưng Hà Giang đã bỏ ra 8 tỷ đồng để đầu tư một trạm biến áp là một quyết tâm táo bạo mang tính đột phá ...”. Kỹ sư Hoàng Văn Thiện nhớ lại.

Có được sự ủng hộ của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, sự quyết tâm của toàn Công ty, kỹ sư Hoàng Văn Thiện cùng anh em lăn lội lên các xã vùng cao thiết kế, tổ chức thi công đường dây hạ áp để nhanh tróng đưa nguồn điện lưới quốc gia đến các xã vùng cao.

Giám đốc Công ty Điện lực Hà Giang Hoàng Văn Thiện (ngoài cùng bên trái) chỉ đạo khắc phục sự cố đường dây 110 kv, xã Tân Thành (Bắc Quang).								Ảnh: TƯ LIỆU
Giám đốc Công ty Điện lực Hà Giang Hoàng Văn Thiện (ngoài cùng bên trái) chỉ đạo khắc phục sự cố đường dây 110 kv, xã Tân Thành (Bắc Quang). Ảnh: TƯ LIỆU

Ông Nguyễn Phúc Vinh, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, những năm ấy là Giám đốc Công ty Điện lực Hà Giang kể lại: “Hoàng Văn Thiện không quản ngại khó khăn; có những đợt đi công tác 5-7 ngày để cùng anh em đưa điện lên núi. Ngày ấy đi lại khó khăn lắm. Đi tới một xã ở Mèo Vạc, Đồng Văn mất cả mấy ngày đường. Cả ngành Điện lực của tỉnh chỉ có vài ba xe U - oát cũ. Nhưng vì có niềm tin nên Hoàng Văn Thiện mới say mê công việc như vậy”.

Nhờ có sự quyết tâm của tỉnh, Công ty Điện lực Hà Giang và một người lăn lộn với công việc “Cõng điện lên núi” Hoàng Văn Thiện, sau 5 năm (1994 - 1999), Hà Giang đã trở thành tỉnh đầu tiên trong 6 tỉnh biên giới phía Bắc có 100% số xã có điện lưới quốc gia. Có được thành công đó không hề dễ dàng, nhất là trong điều kiện kinh tế khó khăn, nguồn lực của Trung ương và địa phương eo hẹp. Đến nay tiềm lực của Điện lực Hà Giang khá vững chắc với 5 trạm biến áp 110 kv; 2.900 km đường dây trung thế; 2.800 km đường dây hạ thế…

Tâm sự với chúng tôi, Giám đốc Công ty Điện lực Hà Giang, Hoàng Văn Thiện nhớ lại: “Với độ cao trung bình 1,7 km so với mặt nước biển, đưa bất cứ vật gì lên núi cao đều khó khăn, vất vả, nhưng chúng tôi được dân tin, không những động viên cổ vũ mà còn chung tay đóng góp ngày công đưa trạm biến áp lên núi cao, đưa đường dây băng rừng, vượt suối…”. 

Làm chủ công nghệ 4.0

Là người đứng đầu Công ty Điện lực Hà Giang, kỹ sư Hoàng Văn Thiện luôn chăm lo đổi mới công nghệ để làm chủ hoàn toàn công tác vận hành quản lý lưới điện. Anh là người chủ động xúc tiến xây dựng Trung tâm quản lý vận hành lưới điện. Anh nói: “Với gần 5.000 km đường dây, nếu không có hệ thống giám sát và vận hành thì không thể quản lý nổi vì lưới điện trải rộng khắp núi cao, vực sâu, trong khi sức người có hạn. Từ ngày đưa Trung tâm vận hành và quản lý lưới điện vào hoạt động, cán bộ ngành Điện Hà Giang chỉ cần ngồi ở trung tâm có thể đóng, cắt điện ở khắp các trạm trên địa bàn tỉnh.

Bây giờ ngành Điện Hà Giang công nghệ 4.0 đã đi vào từng vị trí, công việc của cán bộ, công nhân viên. Việc phục vụ người dân cũng thuận lợi hơn, nhanh hơn. Tất cả đều công khai, minh bạch trên trang web của Công ty. Việc giải quyết các khâu trong thủ tục hành chính được rút ngắn. Khách hàng có thể được cung cấp ngay dịch vụ mà không phải đi lại nhiều lần. Nhờ cách làm đó mà Công ty Điện lực Hà Giang giải quyết hàng chục ngàn hồ sơ, hợp đồng trong năm. Nhờ ứng dụng công nghệ 4.0 mà việc thu tiền điện được triển khai trên điện thoại thông minh, người dân có thể ở nhà chỉ một vài động tác là nộp tiền điện qua mạng internet. Mơ ước của bà con các dân tộc nơi địa đầu Tổ quốc đã thành hiện thực. Có điện, ánh sáng của Đảng về giúp đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao…

Với quyết tâm, cống hiến của một con người hầu như cả đời lo “cõng điện” vượt núi, đưa điện đến hầu hết các bản làng của đồng bào các dân tộc Hà Giang, kỹ sư Hoàng Văn Thiện, Giám đốc Công ty Điện lực Hà Giang được các cấp, ngành Trung ương và địa phương tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý.

Bài, ảnh: NHẬT LINH-TIẾN PHÚ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Lấy chất lượng làm tiêu chí hàng đầu

BHG - Mặc dù chưa bước vào vụ thu hoạch, song niên vụ 2021 – 2022 tại vùng trọng điểm cam của tỉnh, gồm: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên đối diện không ít trở ngại khi tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước; dự báo sức mua của thị trường giảm trong khi sản lượng cam tương đối lớn. Dù vậy, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và nhân dân vùng trồng cam luôn kiên định thực hiện chiến lược xuyên suốt: "Lấy chất lượng làm tiêu chí hàng đầu để bảo vệ và phát triển thương hiệu cam Hà Giang".

31/08/2021
Xây dựng thành phố Hà Giang đạt chuẩn đô thị loại II

BHG - Sau gần 11 năm thành lập, xây dựng và phát triển, thành phố Hà Giang đang bước sang giai đoạn mới: Phấn đấu đến năm 2025 đạt tiêu chí đô thị loại II, dần trở thành thành phố dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái, có môi trường sống hấp dẫn, là cửa ngõ gắn kết vùng du lịch trọng điểm Quốc gia – Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.

31/08/2021
Hợp tác xã giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững

BHG - Những năm qua, hoạt động của các loại hình kinh tế tập thể, tiêu biểu là các hợp tác xã (HTX) đã chứng minh được vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế một cách bền vững. Tại huyện Đồng Văn, số lượng các HTX mặc dù chưa nhiều, nhưng đã khẳng định vai trò trong cơ cấu lại sản xuất, thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. 

31/08/2021
Khẳng định vai trò "điểm tựa" của người dân và doanh nghiệp

BHG - Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động tới các lĩnh vực đời sống xã hội. Trước thực trạng đó, Agribank Mèo Vạc kịp thời triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, trở thành "điểm tựa" của khách hàng trước đại dịch.

30/08/2021