Triển vọng nghề trồng dâu, nuôi tằm ở Bằng Lang
BHG - Anh, Nguyễn Văn Tú, thôn Hạ, xã Bằng Lang (Quang Bình) cho biết, gia đình anh trồng 1 sào dâu (360 m2) lấy lá nuôi mỗi tháng 2 lứa tằm, thu nhập 5 – 6 triệu đồng/tháng. 1 sào dâu có thể nuôi tằm được 10 tháng liên tục sẽ có thu nhập bình quân là 50 triệu đồng/năm, tương đương mức thu nhập 500 triệu đồng/mẫu (3.600 m2).
Anh Nguyễn Văn Tú, thôn Hạ thu hoạch kén tằm. |
Người đi tiên phong chuyển đất ruộng trồng dâu, lấy lá nuôi tằm là anh Nguyễn Tiến Mạnh thôn Hạ. Cách đây gần 3 năm, anh Mạnh sang Yên Bái học nghề, về quê anh chuyển gần 1,2 ha đất vườn trồng dâu trước sự ngỡ ngàng của làng xóm. Anh Mạnh cho biết: Với 24 m2 làm nhà nuôi tằm, mỗi tháng 2 lứa tằm. Chi phí giống tằm mỗi lứa 500 ngàn đồng. Nuôi một lứa mất 9 ngày, đêm liên tục, thu được 25 – 30 kg kén. Với 2 lứa/tháng thu được khoảng 55 – 60 kg kén, tương đương thu nhập 6 triệu đồng. Nếu làm tốt, mỗi gia đình trồng 1 mẫu cây dâu lấy lá nuôi tằm sẽ thu về ít nhất là 500 triệu đồng/năm. Lợi nhuận từ việc trồng dâu, nuôi tằm của anh Mạnh đã thu hút được bà con trong các thôn tìm đến học hỏi, làm theo.
Anh Nguyễn Tiến Mạnh, thôn Trung Thành hái lá dâu nuôi tằm. |
Đứng trước một nghề mới nổi lên tại địa phương, Chủ tịch UBND xã Bằng Lang, Vũ Mạnh Tiềm cho biết: UBND xã đã khảo sát, đánh giá rất kỹ việc chuyển đổi nghề nuôi tằm của bà con trong thôn Hạ. Nhận thấy việc trồng dâu, nuôi tằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với việc trồng lúa, ngô. Hơn nữa, nghề nuôi tằm, lấy kén không đòi hỏi đầu tư nhiều, ai cũng có thể học để làm. Do đó, UBND xã đã khuyến khích bà con trong thôn, xã căn cứ điều kiện cụ thể của từng gia đình để học hỏi làm theo. Đến nay, ngoài bà con thôn Hạ, bà con thôn Trung Thành cũng học nghề nuôi tằm để chuyển đổi sản xuất. UBND xã Bằng Lang giao cho anh Nguyễn Tiến Mạnh là người đưa nghề nuôi tằm về thôn chịu trách nhiệm hướng dẫn bà con về kỹ thuật trồng dâu, hái lá, nuôi tằm và bao tiêu toàn bộ sản lượng kén cho bà con. Giao trách nhiệm cho cán bộ xã phụ trách khối kinh tế nông nghiệp chịu trách nhiệm động viên, giám sát các hộ chuyển nghề thực hiện tốt cam kết trong quá trình sản xuất.
Khảo sát thực tiễn cho thấy: Nghề trồng dâu, nuôi tằm ở Bằng Lang đang được mở rộng ra các thôn. Tại thôn Trung Thành cũng đã có thêm 12 hộ tham gia nuôi tằm. Các hộ cho biết: Sau gần 2 năm nuôi tằm họ đã nắm chắc kỹ thuật nuôi và đang từng bước mở rộng nhà nuôi và trồng thêm dâu lấy lá chăn tằm để mở rộng nghề nuôi. Nghề trồng dâu, nuôi tằm đã giúp người dân tận dụng được đất đai, sức lao động, có thu nhập ổn định. Đây là nghề dễ học, dễ làm, đầu tư ít, sinh lời khá và ai cũng có thể học và làm. UBND xã sẽ hỗ trợ người nuôi tằm thành lập HTX chuyên trồng dâu, nuôi tằm; hướng đến chuyển một phần diện tích đáng kể trong sản xuất hiện có để lấy đất trồng dâu, nuôi tằm; dần hình thành ở Bằng Lang một làng nghề ươm tơ, dệt lụa tại địa phương. Từ đấy, sẽ kết nối nghề với các làng nghề trong vùng và cả nước để mở rộng quy mô sản xuất tạo thêm việc làm, thu nhập cho nhà nông.
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng